Giới trẻ muốn ngoan cũng… bị chê?

Giới trẻ đi bụi, ăn chơi đua đòi bị chê trách đã đành, nhưng trong thời buổi ngày nay, teen ngoan cũng là… một cái tội.

Giản dị, ngoan ngoãn hay giả vờ ngu ngơ

 

H.Minh (Vân Đình, Hà Nội), mới học lớp 8 nhưng đã biết làm rất nhiều việc giúp đỡ cha mẹ, từ trông em, đi chợ, đến cả việc… mổ cá. Không giống như các bạn nam trong lớp, em thường xuyên về nhà sau giờ học và bỏ qua những lời mời mọc hấp dẫn từ các vụ đá bóng, hay chơi điện tử để về giúp mẹ nấu cơm, chăm em.

 

Cũng chính bởi mẹ Minh rất khắt khe từ khi Minh còn nhỏ, nên những việc vặt trong nhà đã trở thành thói quen của em. Hành động, việc làm của Minh dù được người lớn khen gợi, cô giáo mang ra làm gương cho các bạn trong lớp, nhưng lại làm mất lòng các bạn cùng trang lứa. Chúng bạn thường trêu Minh kiểu "hôm nào sinh nhật, chúng tao tặng cho cái váy mà mặc” và thường xuyên mang cậu ra bêu xấu trước bọn con gái.

 

Còn Hiền (20 tuổi, Chùa Láng) đã là sinh viên năm thứ hai một trường đại học có tiếng, nhưng cô nàng vẫn sống rất giản dị. Mặc dù gia đình khá giả, đủ điều kiện mua cho cô nàng chiếc xe đẹp để đi học, nhưng Trang vẫn chỉ đi học bằng chiếc xe máy cũ.

 

"Từ nhà đến trường mình cũng khoảng 4km, nhà lại thừa xe nên mình thấy chưa cần thiết phải mua. Với lại giá cả đang tăng nhanh, đi xe ga tốn xăng lắm", cô bạn tâm sự.

 

Nhưng dường như các bạn cùng lớp hay chính hàng xóm của cô lại cố tình không hiểu những điều đó, họ thường nghĩ ra đủ kiểu để suy đoán về sự dè dặt trong chi tiêu cũng như sự giản dị của cô.

 

Có người còn ác miệng cho rằng: nhà nó đầy tiền, nhưng phải kín tiếng thế không sợ bị “sờ gáy” hay “con bé này trông thế thôi mà khôn lắm, nó chờ thằng người yêu mua cho nó đấy, nhà giàu mà ki bo!...

 
Giới trẻ muốn ngoan cũng… bị chê?  - 1
Teen ngoan không phải là không bắt đúng thời cuộc, không có gì đáng xấu hổ (ảnh minh họa)
 

Có cô bạn khác tên Hương lại cảm thấy choáng váng khi bỗng dưng nhận được cuộc điện thoại của cô bạn gái hỏi như quát vào mặt: “Có phải mày đấy không hả? Mày thay đổi quá nhiều rồi tao không nhận ra nữa”.

 

Mãi một lúc sau Hương mới hiểu, hóa ra là chẳng hiểu ai nói đến tai đứa bạn cấp 3 lâu ngày không gặp rằng: lên đại học, Hương thực chất là một đứa ăn chơi, đua đòi, thường tham gia các vụ đánh nhau, hội hè tùm lum, nhưng đứng trước mặt các chàng thì tỏ vẻ ngoan hiền, yếu đuối, đặc biệt, đã qua đêm với một anh chàng giàu có trong lớp… Hương nghe xong mà tím tái, chỉ trực khóc luôn.

 

Ngoan ngoãn không có gì đáng xấu hổ

 

Rất nhiều trường hợp các tên nghe lời bố mẹ, đi học không la cà, không đua đòi mua sắm... khiến các bạn cùng trang lứa chê cười, soi mói mà dẫn đến những tin đồn sai trái, thậm chí có hậu quả nghiêm trọng.

 

Nhiều teen cũng chỉ vì chứng minh cho các bạn thấy rằng mình không đần độn, không dốt, cũng không giả nai… như các bạn suy diễn mà tham gia vào những cuộc vui chơi không thể dừng lại, biến những yếu tố ngoan của bản thân thành nguyên nhân dẫn đến những thói hư, tật xấu.

 

Một bạn có nickname HuongQuynh chia sẻ trên blog cá nhân của mình rằng: quan niệm sống của bạn đó là: "Mỗi một ngày qua đi, chứng kiến sự hối hả của nhịp sống, tôi tự nhủ với bản thân là đừng để mình thụt lùi so với nhịp sống đó, phải cố gắng làm sao cho mình hòa chung được vào cái dòng chảy xuyên suốt, không ngừng chuyển động đó mà không để bị nó cuốn trôi”.

 

Mượn chia sẻ của nickname trên để nhắc nhở các teen nhớ rằng: không cần phải mất thời gian đi chứng minh hay biện hộ cho bất cứ điều gì mình không làm, chỉ cần sống đúng với bản thân mình. Thời gian sẽ là nhân chứng tin cậy nhất cho việc bạn ngoan ngoãn thật hay giả tạo. Và ngoan ngoãn không có gì là đáng xấu hổ cả.

 

Theo Uyển Nhi

Vietnamnet