TP Huế:
Giới trẻ Huế mang “hơi ấm” đến với người vô gia cư
(Dân trí) - Hai tuần một lần, các bạn trẻ Huế lại cùng nhau đi thăm, tặng quà cho những người vô gia cư trong thành phố. Các phần quà chủ yếu là cơm hộp, bánh mì, sữa, nước lọc, lấy kinh phí từ các hoạt động gây quỹ như bán hoa, nhặt ve chai mà các bạn trẻ đã thực hiện.
Đi thăm người vô gia cư từ gần nửa đêm
Vào buổi tối, sâu trong các góc quanh chợ tại Huế, nhiều người vô gia cư đang nằm quấn trong những chiếc bao, tấm bạt mỏng để tránh lạnh. Ban ngày họ mưu sinh bằng những công việc như nhặt ve chai, xin ăn trên những con đường, ai cho gì thì ăn đó. Tối chừng khoảng 21h đêm họ lại rúc vào các mái hiên, lùm cây, công viên và nhiều ở các chợ tránh rét để sáng mai lại tiếp tục hàng trình lang thang kiếm ăn.
Thấy người vô gia cư trên địa bàn TP Huế nhiều, lại sống không nhà, không người thân, bạn Hoàng Công Nhớ (24 tuổi, Bùi Thị Xuân, TP Huế) đã kêu gọi các bạn sinh viên trong các trường đại học cùng lập ra một nhóm mang tên “Trái Tim Hồng”, chuyên tổ chức các hoạt động bán hoa, nhặt ve chai để có kinh phí chăm sóc người vô gia cư và trẻ em nghèo.
Mới đầu, chỉ là góp đồng bạc lẻ ăn sáng của các bạn sinh viên để đi thăm người vô gia cư, sau Nhớ thấy không bền vững nên đã cùng các bạn trong nhóm tăng cường các hoạt động gây quỹ khác như: “Ngày chủ nhật xanh” với hoạt động nhặt phế liệu, làm sạch đường phố; “Đêm hội hát cho nhau nghe và bán tranh đấu giá”… để có thêm kinh phí duy trì việc chăm sóc người vô gia cư.
Hoạt động thăm người vô gia cư trên địa bàn TP Huế được tổ chức thường xuyên. Mỗi tuần hai lần, bắt đầu từ 10h tối, các bạn trẻ lại tập trung tại cầu Trường Tiền cạnh sông Hương rồi cùng đi bộ vòng quanh thành phố trao quà cho người vô gia cư.
Rong ruổi qua những con đường, chui vào mọi ngõ ngách, các chợ, công viên, nhà bỏ hoang để xem tình hình ăn ở của những người vô gia cư. Trung bình mỗi đêm nhóm có thể đi vòng khoảng vài chục cây số quanh thành phố để tìm người vô gia cư.
Mỗi lần đi, chương trình trao trao được từ 25 - 40 suất quà (chủ yếu là thức ăn, nước uống và ít áo quần tùy theo hoàn cảnh) dành cho người lang thang, ngủ ngoài đường hay người mưu sinh ban đêm. Số lượng quà trao được tùy vào từng đêm vì thời tiết, và người lang thang không ở một chỗ cố định. Nhóm cũng phải chia nhỏ ra để đi vòng quanh thành phố tìm.
Nhớ kể: “Vì những người này thường khoảng nửa đêm mới về ngủ nên nhóm phải chọn thời gian nửa đêm thì mới gặp được. Có đêm nhóm phải đi tới 4h sáng mới trao hết quà. Mình cùng với nhóm đang tiến hành các hoạt động gây quỹ và kêu gọi những nhà hảo tâm ủng hộ để tiếp tục tăng cường mô hình này rộng ra, nhằm giúp được nhiều người hơn”.
Bạn Hoàng Công Nhớ còn cho biết thêm: “Để tổ chức được hoạt động đi thế này, trước đó mình phải cùng các bạn trong nhóm thức trắng đêm đến các ngõ ngách trên địa bàn Huế để tìm hiểu nắm bắt trước từng hoàn cảnh cụ thể của người vô gia cư. Bác xe ôm hay các chú công an tuần tra khi biết việc làm ý nghĩa này cũng cùng giúp đỡ tụi mình, tìm được thêm một số người vô gia cư sống lang thang trong thành phố”.
Niềm vui tới trong đêm
Đa số những người vô gia cư là người già từ 50 tuổi trở lên, mưu sinh bằng những nghề nhặt rác, bán vé số, hay xin ăn. Trong số họ thì có hơn 50% là những người già mất trí nhớ, bị thần kinh hay mồ côi từ nơi khác tới sống lang thang tại Huế.
Như hoàn cảnh ông Trần Lý (khoảng 50 tuổi, đường Duy Tân, TP Huế), đã hơn 3 năm sống bên lề đường Duy Tân, chị Hồng bán hàng sát bên ông Lý cho biết: “Tôi thấy ban ngày ông Lý đi xin ăn, lang thang khắp nơi nhưng tối lại về lại che tấm bạt bên đường đây để ngủ. Trời mưa to thì vào trong mái hiên nhà bên cạnh để trú. Tội lắm mấy chú ạ, giờ ông đó bị điên không nói chuyện với ai hết cũng không nhớ mình là ai. Thấy các em hay vào mang cơm nước với cho quần áo cho ông, tuy ông không nói gì nhưng chắc cũng thấy vui và giao tiếp có phần nhẹ nhàng hơn”.
Chú Hải (TP Huế) đạp xe xích lô đã hơn 15 năm tại Huế, vì công việc mưu sinh ban đêm tại Ga Huế nên luôn lấy vỉa hè làm nhà để tranh thủ ngủ. Chú Minh rất vui vì bất ngờ khi nhận được món quà từ tay các bạn trẻ. Chú bày tỏ: “Đêm về đói lắm, hộp cơm cũng không có tiền mua, cứ mỗi lần thấy mấy cháu này đi qua là có mang cơm, nước tới tặng cho tôi. Không biết lấy gì để cảm ơn các cháu nữa”.
Đêm nhóm đang đi vòng tại cầu Dã Viên (TP Huế) thì gặp một bà cụ bị lạc đường ngồi co ro bên chân cầu, khi hỏi thì bà cụ nhớ mình ở phường Phú Nhuận, chứ bà không nhớ tên và gia đình mình ở đâu. Nhớ cùng các bạn cho bà cụ ăn cho đỡ đói, xong đưa lên công an phường để nhờ các chú công an giúp tìm kiếm người thân cho bà cụ.
Những phần quà tới trong đêm làm bao người vô gia cư thêm ấm lòng, họ cảm thấy như được sưởi ấm trong đêm bằng tình yêu và sự ân cần chăm sóc của các bạn trẻ. Nhờ nhóm đi thăm mà cũng gặp được một số người bị bệnh, cảm sốt để kịp thời giúp đỡ, những ca nặng thì cũng có lúc nhóm đưa kịp thời lên bệnh viện cấp cứu.
Chăm sóc người vô gia cư khi họ bị cảm
Bạn Thân Đình Thảo Diên (thành viên trong nhóm, trú đường Ngự Bình, TP Huế) tâm sự: “Em sống gần con đường mà người vô gia cư thường trú ngụ nhiều nên hiểu được khó khăn khi họ không có người thân bên cạnh, lúc ốm đâu không biết dựa vào ai, bữa đói bữa no.
Nhiều người không có chỗ để giặt quần áo, mặc áo quần bẩn cả tháng trời không giặt nên sinh ra bệnh tật. Chúng em đến thu gom quần áo về giặt, họ còn ngần ngại không cho, sợ mình là người xấu lấy mất quần áo của họ. Nhưng sau đó họ hiểu thì quý lắm. Càng làm em quyết tâm tham gia để giúp đỡ họ. Đi đêm nhiều khi cũng sợ nhưng do đi đông, với hiểu được công việc nên bố mẹ vẫn nhiệt tình động viên”.
Thức đêm, mất ngủ cộng với thời tiết lạnh, các bạn Diên, Nhớ cùng các thành viên khác trong nhóm đã nhiều lúc ốm, bị cảm lạnh. Nhưng dù vậy, khi hết đau thì ai cũng lại cố gắng đi tiếp để được trải nghiệm, tìm hiểu thêm về cuộc sống về đêm những người vô gia cư đang cần sự giúp đỡ. “Những món quà của chúng mình không thấm vào đâu trong cuộc sống khốn khó của những người vô gia cư, nó chỉ có ý nghĩa tiếp sức, để họ biết rằng cuộc sống này vẫn còn nhiều người tốt”, Bạn Hoàng Công Nhớ tâm sự.
Công việc mới mẻ mà ý nghĩa của nhóm Trái Tim Hồng thực sự đã thắp lên ngọn lửa sửa ấm cho người vô gia cư tại Huế trong mùa đông lạnh lẽo như thế này. Nhóm hiện vẫn tận tụy làm trong âm thầm, tuy chỉ vài ngày giúp được cho hoàn cảnh khó khăn 1 bữa ăn no, 1 bộ áo quần ấm nhưng cũng đã là một nghĩa cử cao đẹp cho các bạn trẻ học tập và nhân rộng mô hình.
Phạm Hoàng – Đại Dương