Giới trẻ hăng say tranh luận “lương cho người nội trợ”, “quyền lợi đàn ông”

(Dân trí) - Chiều 19/4, chung kết cuộc thi tranh luận và hùng biện BNW 2015: “Tiến hóa và thoái hóa” đã diễn ra vô cùng nảy lửa, hấp dẫn với những chủ đề gần gũi và chưa bao giờ hết nóng: Bình đẳng giới và sự ảnh hưởng của công nghệ.

Những vấn đề tranh biện của cuộc thi năm nay khá gần gũi với cuộc sống đời thường, đặc biệt là bình đẳng giới. Dù đã qua dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 khá lâu nhưng vấn đề này vẫn nhận được sự quan tâm của những người có mặt.

 

Bước vào màn tranh luận là kiến nghị: “Có nên trả lương cho người nội trợ”, hai bạn trẻ đến từ đội Phản đối đã sắc sảo khẳng định: “Thiên chức của người phụ nữ là làm vợ, làm mẹ nhưng người đàn ông cũng có thiên chức làm chồng, làm cha”, đồng thời đặt luôn câu hỏi: “Nếu nội trợ là một nét văn hóa, phải chăng chúng ta phải dùng tiền để duy trì văn hóa ấy?” khiến cả khán phòng vỗ tay không ngớt, vượt lên đội bạn với số điểm khá khít khao: 4.

 

Bước vào vòng thi thứ 2 (Hùng biện cá nhân), các thí sinh tiếp tục trình bày quan điểm, cách suy nghĩ về 2 kiến nghị: “Cán cân bình đẳng giới đang thiên về nữ giới” và “Công nghệ đang làm con người trở nên xa cách”.
 
Cuộc thi lôi cuốn với những tranh luận thông minh của bạn trẻ.
Cuộc thi lôi cuốn với những tranh luận thông minh của bạn trẻ.

 

Top 6 đã khiến khán giả có mặt không ít lần cảm thấy ngạc nhiên và thích thú trước những luận điểm mới mẻ hay ví dụ độc đáo. Điển hình trong số đó có Tuyết Mai: “Bên này cán cân là sự phát triển của công nghệ, bên kia là sự thoái hóa của xã hội, khi một phía của cán cân đi lên phía còn lại tất yếu sẽ phải đi xuống”.
 
Bên cạnh đó, Đức Anh cũng đưa ra quan điểm khá thú vị về vấn đề bình đẳng giới: “Bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ có, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng có, bảo vệ quyền lợi cho động vật có, nhưng không hề có bảo vệ quyền lợi cho đàn ông” …

 

Phần thi tranh biện kết thúc, sẽ thật khó để tìm được giải đáp cuối cùng cho việc liệu cán cân bình đẳng đang hướng về đâu, hay sự  xa cách của công nghệ lớn tới cỡ nào, và thậm chí là xã hội đang tiến hóa hay thoái hóa, nhưng bất kì bạn trẻ nào tới tham dự cũng đều có những suy nghĩ riêng còn đọng lại sau cuộc thi.

 

Với sự thể hiện có phần nổi trội hơn 4 thí sinh còn lại, Phạm Đức Anh và Trần Thị Hoài Thu đã giành được cơ hội đi tiếp vào vòng cuối cùng của Chung kết: “Hùng biện đỉnh cao”.

 

Đứng trước câu hỏi chung về  sức đề kháng văn hóa của Việt Nam, 2 thí sinh cuối cùng chỉ với 3 phút mối người phải trình bày được hệ thống luận điểm và lập luận, đồng thời thêm 2 phút trả lời câu hỏi từ Ban giám khảo.
 
Chàng trai giành chiến thắng chung cuộc - Đức Anh.

Chàng trai giành chiến thắng chung cuộc - Đức Anh.

 

Khác với 2 vòng thi trước, ở phần thi này, khán giả có dịp chứng kiến màn đối chất trực tiếp nảy lửa giữa hai thí sinh. Kiến nghị đặt ra câu hỏi về thực trạng du nhập của những nền văn hóa ngoại lai vào nước ta, về vấn đề hòa nhập và hòa tan.

 

Được nhận định là vấn đề “khó nhằn” so với tầm nhận thức của sinh viên, nên dù câu trả lời của Phạm Đức Anh (năm thứ ba, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) chưa thực sự làm thỏa mãn ban giám khảo, nhưng với nội dung diễn đạt gọn gàng, đảm bảo thời gian, cũng đã giúp cậu ghi điểm và giành chiến thắng.

 

Đức Anh đã khẳng định được rằng, giới trẻ Việt Nam có được sức đề kháng văn hóa cần thiết trong thời kỳ hội nhập. Góc nhìn tích cực và cởi mở ấy đối lập với Hoài Thu – nhận định rằng giới trẻ Việt Nam đang cần thêm "sức đề kháng" khi để cho các làn sóng văn hóa du nhập, được biểu hiện ở nhiều mặt.

 

Hoài Thư