Giới trẻ đang “lạnh lòng” trước văn chương
Việc thờ ơ với sách đọc của giới trẻ hiện nay không hoàn toàn do cách giảng dạy của giáo viên, mà phần lớn là do những người đọc trẻ tuổi hiện nay đã “lạnh lòng” trước văn chương. Thiếu văn hóa đọc đã dẫn đến sự khiếm khuyết về tâm hồn của một bộ phận giới trẻ hôm nay.
Năm ngoái, tại buổi phát động cuộc thi Văn học tuổi hai mươi của Báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức tại Hà Nội, tham dự gồm toàn SV các trường ĐH và một số nhà văn, nhà báo. Đối thoại diễn ra và thật bất ngờ khi một nữ SV bảo rằng, cô không hề thích đọc văn chương hiện đại Việt Nam.
“Thế bạn thích đọc gì?” - tôi hỏi. “Em chỉ thích đọc những tác phẩm văn học thế giới” - cô trả lời ngay và kể tên vài nhà văn thế giới mà cô thích, nhưng rất tiếc, những nhà văn ấy lại chỉ viết truyện trinh thám, hình sự. Văn hóa đọc không thể được khẳng định bằng việc bạ cái gì cũng đọc.
Sự thực là, những người đọc trẻ hiện nay chẳng mấy thiết tha với văn hóa đọc, nhất là đọc tác phẩm văn chương. Ham muốn đọc tác phẩm văn chương của họ hầu như đã bị tắt ngấm ngay từ khi còn học phổ thông, trước khi vào đại học.
Các lò luyện thi văn chương, cách dạy văn, cách thi cử môn văn hằng năm đã “giết chết” cảm hứng đọc văn chương vốn hồn nhiên như thở hít khí trời của họ. Nền văn chương Việt Nam hiện đại đã bị mất một số lượng độc giả trẻ tuổi đáng kể, mà lẽ ra nó đương nhiên phải có.
Nói rõ hơn và cũng xót xa hơn, vì không quan tâm đến cái chuyện đọc văn học trong nước và kể cả văn học dịch, nên những người đọc trẻ đã tự chuốc lấy một hệ lụy nhãn tiền là nhiều người trong số họ đã không thể viết tiếng Việt một cách trong sáng nữa, nghĩa là không thể sử dụng tiếng mẹ đẻ thật thành thục như đúng ra phải thế một cách mặc nhiên.
![]() TS Nguyễn Thị Minh Thái |
Trong các bài thi môn văn, các bài tiểu luận, các bài thi hết môn, hết khóa hiện nay ở bậc phổ thông, bậc ĐH và cả bậc trên ĐH, các lỗi văn hóa viết tiếng Việt nhiều đến mức lắm lúc tôi tự hỏi: Ngay cả tiếng mẹ đẻ còn không thể sử dụng cho tử tế thì mong gì đến việc đọc và thưởng thức tác phẩm văn học Việt - vốn đã rất đẹp khi được viết bằng tiếng Việt - một cách tử tế?
Tiếng Việt của chúng ta, nhất là chữ quốc ngữ, là một tài sản vô giá mà cha ông ta đã để lại. Không có văn hóa đọc văn chương tiếng Việt một cách tử tế thì không thể có sự tiếp nhận văn chương tiếng Việt tử tế và đương nhiên sẽ không có một lối viết tử tế đối với tiếng Việt.
Sự khiếm khuyết về tâm hồn của một bộ phận người đọc trẻ hôm nay đã và đang được bộc lộ khá rõ. Và rất tiếc, đó lại là vấn đề đọc văn chương được viết bằng tiếng mẹ đẻ.
Có thể nói: Hãy nói cho tôi biết bạn đọc gì, tôi sẽ có thể biết bạn là ai? Văn hóa đọc được quyết định bởi chủ thể đọc, với tất cả mê đắm riêng tư của chính chủ thể đó, với cách đọc duy nhất là tiến hành một cuộc đối thoại âm thầm, đơn chiếc đối với tác phẩm văn chương.
Rất tiếc là ở những người đọc trẻ tuổi hôm nay, không còn mấy những chủ thể đọc như thế nữa. Vậy thì, hỡi những bạn trẻ, lỗi tại ai, nếu không phải là chính mình, khi mình không muốn trở thành một chủ thể đọc tử tế và không muốn thiết kế cho mình một văn hóa đọc tử tế?
TS Nguyễn Thị Minh Thái
Lao Động