Giới trẻ "cuồng" thần tượng do sức ép học tập quá lớn?
(Dân trí) - Về hiện tượng giới trẻ hâm mộ thần tượng thái quá như khóc lóc, đánh nhau, ngất xỉu... vì thần tượng, chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý, ĐH Sư phạm phân tích nguyên nhân sâu xa.
Trong buổi tọa đàm với các sinh viên ĐH FPT với chủ đề "Lệch lạc thần tượng - nhìn thẳng nói thật" diễn ra vừa qua, chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý đã chia sẻ rất nhiều điều thú vị.
Sức ép học tập quá lớn
Nguyên nhân đầu tiên là từ các em, do các em chưa tìm đúng con đường đi cho mình. Sâu xa hơn là do môi trường sống và sự giáo dục gia đình.
Tôi thử so sánh thực tế. Ở nông thôn, các em phải giúp đỡ gia đình nên ít có thời gian, điều kiện để nảy sinh hiện tượng lệch lạc thần tượng. Còn ở thành phố, các em có điều kiện sống, được giao lưu với văn hóa bên ngoài nhiều hơn. Từ đó, các em có cơ hội để tìm hiểu, theo đuổi đam mê thần tượng. Hơn nữa, các bậc phụ huynh ở thành phố có tâm lý chiều chuộng con hơn, có điều kiện kinh tế hơn.
Một điểm nữa là do sức ép của việc học tập lên các em học sinh ngày nay rất lớn. Xã hội và gia đình đều đặt gánh nặng học tập lên các em, nhiều gia đình bắt con cái học suốt ngày không có thời gian giải trí.
Do đó, các em cảm thấy học là vì cha mẹ ép, học không phải học cho mình nên không hứng thú. Ngược trở lại, thế giới giải trí lại có nhiều điều hấp dẫn các em hơn, các em mong muốn được như thần tượng, theo đuổi sở thích cá nhân, thoải mái vui chơi, ăn mặc đẹp...
Mặt khác, người lớn cũng không thật sự có ý thức xây dựng hình tượng của mình trong mắt con cái, khiến cho các em không phục.
Bạn trẻ gào thét, túm, kéo thần tượng khiến hình ảnh VN bị hạ thấp trong mắt nghệ sỹ nước ngoài.
Khi tôi biết tin có bạn trẻ làm hành động "hôn ghế thần tượng ngồi" thì tôi rất bức xúc. Tôi cho rằng đây là hành động tự hạ thấp mình, thể hiện sự kém hiểu biết của bạn trẻ này. Vô hình chung, nó cũng hạ thấp hình ảnh của người Việt Nam trong mắt nghệ sĩ nước ngoài.
Qua những hành động như vậy, các bạn trẻ cũng làm cho mình trở nên khác người. Thậm chí, có bạn trẻ còn bỏ cả bài thi đại học vì đề thi có nhắc tới chuyện lệch lạc thần tượng. Như vậy là bạn ấy đã bỏ cả tương lai của mình chỉ vì một điều không đáng.
Lời khuyên cho các bạn trẻ
Trước tiên các bạn trẻ phải hiểu đúng khái niệm thần tượng. Thần tượng là gì? Thực chất, thần tượng là hình ảnh đẹp mà còn người muốn vươn tới, nó là hình mẫu chân - thiện - mĩ của con người. Hiểu được đúng điều này thì các bạn trẻ đừng thái quá trong việc thể hiện tình cảm của mình với thần tượng.
Vừa qua đã xuất hiện nhiều vụ việc bạn trẻ yêu mến thần tượng nhưng lại khác người. Như vậy là thiếu hiểu biết, chưa nhận thức được ý nghĩa của việc thần tượng ai đó.
Việc thần tượng ai đó phải là động lực thúc đẩy chúng ta chứ không phải là kéo lùi mục tiêu cuộc sống. Nhờ có thần tượng làm tấm gương sáng, bạn trẻ sẽ mong muốn tự hoàn thiện bản thân theo hướng đúng đắn.
Cần phải nhớ rằng, dù có thần tượng tới đâu đi nữa thì các bạn vẫn phải tập trung vào việc học tập, lao động sao cho tốt. Hãy là người Việt Nam ứng xử có văn hóa trong vấn đề thần tượng, để bạn bè quốc tế đánh giá đúng về chúng ta.
Mai Châm (ghi)