Giới “đồng bóng” sinh viên: Con đường đến với hầu đồng

Khi những sinh viên ra hầu đồng, mỗi người đều có một “hành trình” đi đến “nghiệp” của cả đời mình khác nhau, nhưng tất cả đều gói gọn trong một chữ “duyên”…

Có căn thì phải ra hầu Thánh - đấy là điều mà các ông đồng, bà cốt trong tín ngưỡng thờ Mẫu luôn tâm niệm. Đã có nhiều trường hợp Thánh bắt đồng khiến ốm liệt giường không rõ nguyên nhân, mắc bệnh về thần kinh, hành động không kiểm soát… Khi những sinh viên ra hầu đồng, mỗi người đều có một “hành trình” đi đến “nghiệp” của cả đời mình khác nhau, nhưng tất cả đều gói gọn trong một chữ “duyên”.

 

Từ cơ duyên với cửa Thánh…

 

N.Đ.T - sinh năm 1991, đang là sinh viên năm cuối ĐH KHXHNV Hà Nội - ra trình đồng mở phủ từ năm 17 tuổi. Ông đồng trẻ tuổi đời già tuổi đồng này cho biết, việc ra hầu đồng là cái duyên với cửa nhà Thánh mà không phải ai cũng có, mà khi đã hợp duyên thì phải ra hầu đồng.

 

T chia sẻ: “Từ khi mới sinh ra tôi đã được các thượng tọa, đại đức chùa Mai Hoa ở quê - thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - nhìn tướng soi quẻ và cho là nặng căn đồng, nhất định phải ra hầu đồng mới có lộc, thoát khỏi cảnh cơ đầy do nặng nghiệp đồng”.

 

Theo các ông đồng, bà đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, đã mang căn mệnh trong mình, đã có duyên với cửa Tứ phủ là con của Thánh, dù có là ai thì trước sau gì cũng phải ra hầu đồng. Đây là một điều gần như bắt buộc trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

 

Bởi một lẽ, nếu có căn mà không ra hầu Thánh tức là vẫn còn mắc nợ, không làm tròn bổn phận của một người mang căn mệnh, như vậy là có tội với thánh thần. Những người có căn mà không ra hầu đồng sẽ không có được một cuộc sống bình an, gặp nhiều điều không may mắn trong cuộc sống, tình duyên lận đận, làm ăn thất bát, ốm đau bệnh tật, bị hành về thể xác (hiện tượng ốp đồng), gia đình lục đục, ảnh hưởng đến đời con cái sau này… 
 
N.Đ.T ra trình đồng mở phủ từ năm 17 tuổi.
N.Đ.T ra trình đồng mở phủ từ năm 17 tuổi.

 

T cho biết: “Căn thường được xác định qua việc xem bói. Bên cạnh đó là các giấc mơ xuất hiện những vị Thánh mà mình mang căn hiện về. Ngoài ra còn là do việc đối tượng bị ốp đồng tại cửa đền, cửa phủ mà từ đó xác định được căn mệnh”. T là ông đồng mang căn Cô Chín Sòng, sở dĩ biết được căn mệnh của mình là do được đồng thầy soi qua xem bói và giấc mơ của T.

 

Chính vì vậy mà trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Thánh không phân biệt bất cứ đối tượng nào để giáng đồng. Nhiều người do vướng bận việc gia đình, việc xã hội hoặc chưa đủ điều kiện kinh tế thường làm lễ xin khất đồng, hoãn đồng.

 

Tuy nhiên, những trường hợp quá nặng căn, tức là bị Thánh ốp đồng khiến người có những biểu hiện khác thường làm cho cuộc sống không yên ổn, thì nhất định phải ra hầu đồng để được bình an sinh hoạt, học tập, làm việc.

 

Trường hợp của T - dù là sinh viên đang đi học, tuổi đời vẫn còn trẻ, nhưng ngay từ năm 13 tuổi đã bị Thánh “bắt” đồng, nên đến năm 17 tuổi phải ra hầu đồng. Chính vì vậy mà ông đồng này đã có tuổi đồng lên đến 5 năm khi vẫn đang là một sinh viên.

 

…đến những căn bệnh “đường âm”

 

Người ta vẫn thường nói “có bệnh thì vái tứ phương”. Nhưng theo những ông đồng, bà đồng trong “Đạo Mẫu”, căn bệnh “đường âm” thì chỉ có ra… hầu Thánh mới chữa được. Những người bị Thánh chấm đồng thường có những biểu hiện khác thường,  những căn bệnh được cho là do “đường âm” vận vào mà phát, khiến họ  - dù đang là sinh viên cũng phải ra bắc ghế hầu đồng - để được yên ổn học tập và cũng là làm trọn đạo hầu cửa Thánh. Và sự thật, đã có những căn bệnh chẳng biết từ đâu tới, do nguyên nhân gì của những ông đồng sinh viên chẳng bệnh viện, thuốc nào chữa khỏi lại được trị tận gốc sau lễ khai đàn mở phủ. 

 
N.T.H hầu đồng từ năm 2011.
N.T.H hầu đồng từ năm 2011.
 

N.T.H - sinh năm 1993, quê Ninh Bình, đang là sinh viên ĐH Văn hóa Hà Nội, mang căn Cô Bơ ra hầu đồng từ năm 2011. Trước đó, khi là học sinh lớp 11, H cho biết có khả năng nói chuyện, giao tiếp với người âm. Bên cạnh đó H có cả khả năng xem bói cho tất cả mọi người, hễ ai hỏi là H phán.

 

Một học sinh phổ thông bỗng nhiên thành thầy bói, có cả tiếng đồn, thậm chí  có những câu phán của H gây… chết người, khiến gia đình và những người xung quanh càng chú ý nhiều hơn đến cậu học sinh tuổi teen này. Đó là sự việc xảy ra vào cuối năm 2011. Trong một lần nói chuyện với mẹ, H đột nhiên buông ra khẩu ngôn một cách rất tự nhiên, rằng người hàng xóm bên cạnh nhà sẽ qua đời trong ngày, mặc dù người này vẫn đang hoàn toàn bình thường.

 

Mẹ H thấy con mình nói điều chẳng hay, sợ hàng xóm nghe được nên đã không tiếc lời mắng con. Nhưng quả như lời “độc miệng” của H, đến buổi chiều, bên hàng xóm xôn xao về cái chết bất ngờ của người cha họ. Mẹ H là người chứng kiến cũng không thể tin vào sự trùng hợp đến kỳ lạ đó. Điều đó càng khiến người trong gia đình H thêm sợ hãi. Gia đình H đã không để con mình tiếp tục xem bói cho bất kỳ ai, phần vì sợ người ta trách oán, phần vì e ngại việc tâm linh vận vào cả nhà.

 

Trong suốt thời gian hai năm cuối cấp 3, H bị ốm đau liên miên, đi khắp các bệnh viện trong và ngoài tỉnh khám đều không rõ nguyên nhân và không thể chữa khỏi. H trở thành một cậu bé ốm yếu, nhưng có điều kỳ lạ là cứ xem bói cho người khác thì H khỏe lại. Gia đình dù không muốn con tiếp tục hành nghề bị coi là mê tín dị đoan nhưng vẫn đành chấp nhận như một giải pháp “giảm đau” tạm thời cho con mình.

 

Đi nhiều chùa chiền cúng lễ, H được các thầy đồng trong “Đạo Mẫu” soi là có căn, phải ra hầu đồng mới mong giải thoát bệnh tật. Nhưng gia đình vẫn bán tín bán nghi, hơn nữa thấy H còn trẻ, phải thi đại học nên nhất định không để H ra hầu đồng sớm. Lúc này cậu học sinh lớp 12 đã gần như bị hoảng loạn, việc học không được tốt và quá yếu, không đảm bảo sức khỏe để đi thi. Nhưng H vẫn quyết tâm đi thi để rồi kết thúc môn cuối cùng phải truyền nước trên giường bệnh do suy nhược cơ thể.

 

Bước ngoặt đưa H đến với cửa Thánh là trong một lần nửa tỉnh nửa mê, không thể kiểm soát được bản thân, H đã một mình vừa đi bộ vừa khóc lóc thảm thiết trên quãng đường dài hơn 30km vào đền Thánh Mẫu Đông Cuông (Vọng Từ, Ninh Bình). Tại đây, H đã gặp được đồng thầy của mình, cái duyên với cửa nhà Thánh đã đến và H quyết định xin gia đình cho ra trình đồng mở phủ. Trước tình thế như duyên số đã định, gia đình H buộc phải đồng ý, mong đem lại sự bình yên cho con trai duy nhất trong nhà. Cuộc đời “đồng cốt” của H bắt đầu từ đây.
 
N.Q.L từng bị ốp đồng đến ngất xỉu.
N.Q.L từng bị ốp đồng đến ngất xỉu.

 

N.Q.L - sinh năm 1992, sinh viên Đại học KHXHNV Hà Nội, quê Văn Giang, Hưng Yên, căn Cô Chín là một trường hợp bị ốp đồng đến ngất xỉu. L sinh ra trong một gia đình cũng có các bác, các chú đã từng ra hầu đồng và làm việc liên quan đến tâm linh.

 

Ngay từ nhỏ L đã yêu thích hát văn và xem hầu đồng. L có quan hệ nhiều với giới hầu đồng và thường được mời đi dự các vấn hầu. Chàng sinh viên này  được các thầy đồng soi là có căn và phải ra hầu đồng. Qua những giấc mơ, L thường “gặp” vị Thánh mà mình mang căn.

 

Mặc dù hiểu về tín ngưỡng và tự ý thức được việc trước sau gì cũng phải ra đồng, tuy nhiên L chưa có đủ điều kiện ra hầu Thánh. Trong một lần lao động cùng gia đình L bị Ông Bảy bắt đồng, thời điểm đó là tháng tiệc của ông. L khiến cả gia đình có phen hú vía khi nôn nao trong người, chân tay co quắp, bọt mép sùi ra, người giật như động kinh, múa may điên dại, nói năng nhảm nhí, không thể tự kiểm soát được mình và ngất xỉu.

 

L chia sẻ: “Sau lần bị ốp đồng tưởng như mất mạng ấy, gia đình tôi phần nào lo lắng hơn về nghiệp hầu Thánh. Vì vậy mà tôi thuyết phục gia đình mời đồng thầy, lo sửa lễ để tôi ra mở phủ, mong trả nợ cửa Tứ Phủ, mang lại cuộc sống yên ổn và thỏa ước nguyện làm con nhà Thánh”.

 

Hành trình đến cửa Thánh của mỗi ông đồng đều từ việc nặng căn nặng quả mà phải ra trình đồng mở phủ. Với những người đã có gia đình, có công việc ổn định, có điều kiện kinh tế, việc ra đồng không có nhiều rào cản. Nhưng trong giới “đồng bóng” sinh viên, nhiều vấn đề nhạy cảm bắt đầu từ những ông đồng trên giảng đường đại học.

 

(còn nữa)

 

Theo Hải Đăng

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm