Giật mình với những khẩu hiệu thô tục trên trang phục của giới trẻ
(Dân trí) - Bên cạnh những khẩu hiệu hài hước, độc lạ, hiện nay ngày càng nhiều bạn trẻ diện trang phục in những câu nói độc, lạ đến mức "giật mình".
Những khẩu hiệu "giật mình" trên trang phục của người trẻ
Xu hướng in khẩu hiệu lên quần áo từ lâu đã rất phổ biến trong giới trẻ. Đó có thể là những câu nói thể hiện châm ngôn sống, tính cách như: "Never give up" (Không bỏ cuộc), "Good things are coming" (Những điều tốt đẹp đang tới), "Hướng nội", "Trầm tính"…; hoặc cũng có thể là những câu nói hài hước, bắt trend (xu hướng) trên mạng xã hội như: "Đúng nhận sai cãi", "Mẹ biết mẹ buồn ó", "Phụ nữ là để yêu, họ nói hơi nhiều nhưng toàn điều bổ ích", "Tôi trao em chân tình em chụp màn hình gửi lũ bạn cười hahaha x 3,14"…
Tuy nhiên, bên cạnh những trang phục với khẩu hiệu hài hước, thú vị, ngày càng xuất hiện nhiều mẫu áo với những khẩu hiệu, hình vẽ "độc", "lạ" đến mức giật mình.
Những câu khẩu hiệu đó chủ yếu viết bằng tiếng Anh với nội dung thô tục và phản cảm.
Để không hiển thị quá lộ liễu những từ ngữ không hay, một số nhà sản xuất trang phục đã che bớt các từ chửi bậy. Tuy nhiên, khi nhìn vào chiếc áo thì hầu như mọi người đều hiểu nội dung câu nói đó là gì.
Mặc áo có thông điệp viết bằng tiếng Anh thì có thể có người hiểu, có người không (nhất là với những người lớn tuổi). Thế nhưng, trên thị trường hiện nay có cả những mẫu áo in các câu chửi tục ngay bằng tiếng Việt, ai nhìn vào cũng có thể hiểu được ngay.
Bên cạnh khẩu hiệu, còn có cả những mẫu áo in hình vẽ thô tục, thậm chí là hình vẽ của các bộ phận nhạy cảm, gây ái ngại cho mọi người xung quanh.
Mình thích thì mình mặc thôi?
Trên đường phố, không khó để bắt gặp hình ảnh giới trẻ với những mẫu quần áo in khẩu hiệu phản cảm.
Bạn Xuân Thu (19 tuổi, Nam Định) chia sẻ: "Mình thích mặc áo in khẩu hiệu táo bạo vì nó khiến mình nổi bật giữa đám đông. Không ít lần mọi người ngoái lại nhìn mình vì khẩu hiệu độc lạ trên áo.
Mình chọn những áo in tiếng Anh vì bố mẹ, ông bà, người lớn thường không hiểu và không đánh giá. Hơn nữa, trang phục của mình, đồ mình mặc thì mình có quyền quyết định. Mình không mặc áo này đến trường, đến cơ quan, chỉ mặc lúc đi chơi với bạn bè. Mình chẳng thấy chuyện này có gì xấu".
Bàn về quan điểm trên của các bạn trẻ, PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay: "Quan niệm đó là sai hoàn toàn. Chúng ta mặc đồ trong phòng thì thế nào cũng được vì đó là không gian riêng. Nhưng khi sang phòng bố mẹ, phòng anh chị thì đã phải cẩn thận hơn rồi, chứ đừng nói đến ngoài đường phố - đó là không gian xã hội, cộng đồng.
Những ai có quan điểm như vậy là không hiểu biết về luật pháp, về thuần phong mỹ tục và văn hóa cộng đồng. Nếu chúng ta trưng diện quá phản cảm, cơ quan chức năng có thể nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính".
Thầy Phạm Ngọc Trung chia sẻ thêm, trào lưu này xuất phát từ việc tiếp thu văn hóa phương Tây của người trẻ. Bên cạnh những người tiếp thu có chọn lọc, một bộ phận giới trẻ tiếp thu cả những giá trị chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam.
"Các bạn trẻ thường thích thể hiện mình, thích những điều mới mẻ. Trong quá trình giao lưu quốc tế, những người có kiến thức về văn hóa, chính trị, xã hội thì sẽ tiếp thu những tinh hoa, văn hóa tốt đẹp.
Còn một bộ phận khác cũng giao lưu, nhưng lại theo lối "học đòi", họ tiếp nhận văn hóa nước ngoài nhưng lại chưa tìm hiểu kĩ. Có những chuyện với người phương Tây là bình thường, nhưng khi du nhập về Việt Nam thì là phản cảm, không phù hợp với phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục.
Đó có thể là những câu nói thái quá về mối quan hệ nam nữ, những câu nói đụng chạm đến chính trị, thậm chí là hình ảnh người ăn mặc hở hang. Điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác, thiếu tôn trọng chính mình", thầy Phạm Ngọc Trung nhận xét.