Giật mình thanh niên trai trẻ sớm là "đệ ruột" của lưu linh

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Về Tết 8 ngày, Hiệu tỉnh được đúng hai ngày đầu. Còn lại, đến tận ngày trở lại thành phố đi làm, Hiệu lên xe trong tình trạng lâng lâng, miệng vẫn còn mùi "men gạo".

Những tưởng chỉ những người đàn ông lớn tuổi mới lè nhè rượu bia, vậy nhưng, hiện nay phải nói, nhiều thanh niên trai tráng trẻ tuổi cũng sớm nhập hội làm "đệ ruột" của lưu linh. 

Tết nhất có thể thấy rõ điều này. Chẳng cần phải ai ép, ai thúc, nhiều thanh niên luôn sẵn tinh thần Tết là để nhậu, để say. Họ tổ chức nhậu ngay tại nhà, biết rõ nơi nào có độ nhậu để nhập hội, hết chỗ thì kéo nhau ra quán. 

Giật mình thanh niên trai trẻ sớm là đệ ruột của lưu linh - 1

Mọi cuộc gặp gỡ, gặp mặt, chúc mừng, hỏi thăm... của nhiều sinh viên, nhân viên trẻ đều "hạ cánh nơi bàn nhậu". Nhiều người lớn tuổi, có thể vài chai, vài chén là hết xí quách nhưng thanh niên vừa có sức, vừa thừa sĩ diện, thêm vài lời khích bác, việc uống phải tính bằng két, bằng vại, bằng xô. 

Nhà bà Bình có có hai cậu con trai. Một con 20 tuổi đang là sinh viên năm 2, đứa đầu 25 tuổi đi làm ở miền Nam về. 

Hai cậu con, thêm ông bố hơn 50 tuổi với ít mồi là liên tục kéo người này người nọ đến làm chén gặp chào Xuân. Chúc mừng năm mới hay chào Xuân là cho đến khi ngà ngà hoặc không đứng dậy nổi nữa.  

Lúc nào "bàn nhậu" này im lắng thì y như rằng, hai thanh niên đang có "độ" ở nơi khác. Họ nhậu ở nhà họ hàng, hàng xóm, nhà bạn, quán mở lấy ngày cũng qua góp mặt. Trưa nhậu, chiều nhậu, tối cũng ở bàn nhậu. 

Nhiều bữa, hai cậu con trai say ngoắc cần câu, bà Bình và cô em gái phải đi đưa về. Có men rượu vào, nhẹ là nói linh tinh, nặng là la hét, trút giận một vụ việc, cá nhân nào đó chẳng ai rõ, rồi nằm thượt ra, nôn ọe. 

Còn cậu anh trai tên Hiệu về Tết 8 ngày, tỉnh táo chắc không quá hai ngày đầu. Còn lại, ngày nào cũng có nhóm nhậu, có ngày mấy phiên. Đến tận giờ đi, vẫn hò dô chia tay anh em bạn hữu. Hiệu lên xe trong tình trạng lâng lâng, miệng vẫn sặc mùi "men gạo".

Những ngày Tết, tiếng xe máy nẹp pô, rồ ga ầm ĩ mà tài xế là những thanh niên mặt đỏ tía tai, nồng nặc mùi bia rượu. Những người này lái xe loạng choạng, bạt mạng, giọng điệu hơi men đầy thách thức, gây hấn.

Mà có lẽ chẳng cần chờ dịp Tết nhất người trẻ mới là "đệ tử" của lưu linh. Tại nhiều khu trọ sinh viên hay ký túc xá các trường đại học, các quán nhậu bình dân giăng kín phục vụ "thượng đế". Ở khắp các quán nhậu từ bình dân, đến cao cấp, đối tượng thanh niên trẻ tuổi cũng luôn chiếm áp đảo. 

Mọi lý do với họ từ cảm xúc vui buồn, đến các sự kiện như sinh nhật, kỷ niệm, gặp mặt hay đơn giản là hết giờ làm, đang rảnh... cũng đều có thể kéo nhau ra quán nhậu. 

Mỗi lúc cầm chén rượu, không ít người tự hào khoe đô mình nặng, bao nhiêu cũng chấp. Họ khoe mình nhậu rượu nhưng thật ra, rượu nó đang "nhậu" mình. 

Các sự việc đau lòng, tang thương xuất phát từ chén rượu không thể nào kể hết được. Biết bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm chết người do chính ma men gây ra; vô vàn vụ bạo hành gia đình, cha giết con, con giết cha, chồng giết vợ, vợ giết chồng, hiếp dâm... có khi cũng từ chén rượu. 

Giật mình thanh niên trai trẻ sớm là đệ ruột của lưu linh - 2

Nhiều thanh niên trai tráng ngập trong bia rượu (Ảnh: Hoài Nam)

Mới đây nhất, viện KSND Hà Nội hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Văn Hoàng, sinh năm 1990 về tội "Giết người".

Trong một buổi ngồi uống rượu cùng bạn bè, Hoàng mời một thanh niên sinh năm 1995 uống riêng nhưng người này không uống, có nói đại ý: "Bạn tuổi gì mà mời tôi?".

Lời qua tiếng lại, Hoàng dùng dao đâm vào ngực trái bạn nhậu, khiến người này tử vong. 

Chuyện nhậu của người Việt đã được cảnh báo rất nhiều. Nhiều người trẻ sớm say trong men rượu cho thấy họ thiếu bản lĩnh, thiếu tu luyện, sống buông thả.

Điều này cũng phản ánh, họ đang có một đời sống văn hóa vô cùng nghèo nàn. Đến độ trong sinh hoạt hàng ngày hay trong sự kiện, nếu không mượn rượu bia nhiều người không biết phải làm gì, nói gì với nhau. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm