"Giật mình" lý do bạn trẻ bỏ đại học, kiếm thu nhập tiền tỷ mỗi năm
(Dân trí) - Thi trượt, bỏ đại học giữa chừng… nhưng các bạn trẻ dưới đây khiến nhiều người nể phục khi có thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí "tiền tỷ" - con số mà nhiều người ao ước.
Những gương mặt này đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng: "Đại học không phải con đường duy nhất để trở nên thành công".
Từ bỏ để… đi tìm chính mình
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2020, một nam sinh THPT đến từ TP Lào Cai (Lào Cai) đã khiến cộng đồng mạng cười chảy nước mắt. Theo đó, thí sinh Lê Hoàng Quốc do ngủ quên nên đã không dậy đi thi. Tình nguyện viên và cảnh sát giao thông sau đó phải đến tận nhà để đập cửa, gọi thí sinh Hoàng Quốc đi thi.
Hoàng Quốc là học sinh giỏi, từng đạt giải nhất, giải nhì kỳ thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh. Hồi đầu năm 2020, Quốc cũng ghi dấu ấn khi là người sáng chế ra "cây ATM gạo học đường" đầu tiên của Lào Cai để phát cho người nghèo. Tiếp đến, nam sinh chế tạo máy sát khuẩn toàn thân tự động đặt tại cổng trường học.
Dù đã đỗ vào ngôi trường ĐH FPT mà mình mong muốn, nhưng ngay sau đó Hoàng Quốc đã đưa ra một quyết định táo bạo là "bỏ học". Bẵng đi một thời gian, nam sinh này lần nữa khiến dân tình xôn xao khi khoe số dư tài khoản cá nhân lên tới 1,2 tỷ đồng - con số bằng mấy lần lương một năm của dân văn phòng. Được biết sau khi nghỉ học, Quốc đang làm nghề chạy ads với công việc chính là viết code cho các ứng dụng trên Facebook.
Hoàng Quốc cũng không khuyến khích các bạn trẻ theo đuổi việc nghỉ học vì không phải cuộc sống của ai cũng giống nhau, nhất là khi các bạn trẻ chưa có nhiều nền tảng về những trải nghiệm cuộc sống. Để thành công, chắc chắn bạn sẽ phải trải qua rất nhiều vấp ngã. Để có được thành công như ngày hôm nay, Quốc cho rằng đó cũng bởi một phần may mắn, và đặc biệt là Quốc có đam mê với công nghệ từ rất sớm. Minh chứng chính là những thành tích Học sinh Giỏi cấp tỉnh về Khoa học kỹ thuật tỉnh Lào Cai cậu đã đạt được.
"Quả thực vào đại học là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để chúng ta đi đến đích của sự thành công. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất. Chúng ta sẽ có rất nhiều con đường khác nhau, có thể xa hơn, vất vả hơn nhưng nếu có ý chí và nghị lực, nhất định ai cũng sẽ vươn đến đích của sự thành công. Vào đại học chỉ là một bước đệm còn quan trọng nhất vẫn là ở bản thân, ở ý chí, nghị lực của mỗi con người", Quốc tâm sự thêm.
Tiền và hạnh phúc phải song hành cùng nhau
Hụt hẫng khi biết tin "thi trượt" nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, nhưng chưa bao giờ Nguyễn Thị Thêu (sinh năm 2002, tại Thái Nguyên) cảm thấy hối hận về sự thất bại đó, cô nàng luôn cho rằng đó chỉ là khởi đầu cho hành trình tìm "hạnh phúc" của bản thân. Nhờ đó mà mỗi tháng thu nhập của cô nàng cũng đều từ 9 con số.
Nàng thơ xứ chè lạc quan cho rằng: "Hạnh phúc của mình là bạn tự lựa chọn và quyết định chứ không phải là ai khác. Mỗi người sinh ra đều có thể hạnh phúc và có quyền được hạnh phúc, kể cả khi bạn không phải là sinh viên một trường đại học nào đi chăng nữa. Hạnh phúc là khi ta được là chính mình, được làm những điều bản thân mong muốn, được chia sẻ và nhận yêu thương. Và không có một trường đại học nào sẽ đào tạo chúng ta thành những con người hạnh phúc cả".
Biết tận dụng vẻ ngoài xinh đẹp và ăn ảnh, Thêu đã trở thành mẫu ảnh nổi tiếng không chỉ ở vùng đất Thái Nguyên mà còn ở Hà Nội. "Ngay từ khi còn học THPT, mình đã trở thành mẫu ảnh của một vài tiệm ảnh cưới và nhiều cửa hàng thời trang lớn nhỏ.
Qua mỗi bức ảnh, qua mỗi buổi chụp hình, mình được thỏa sức sáng tạo, biến hóa với nhiều loại trang phục khác nhau, lâu dần mình yêu công việc này nhiều hơn và cảm thấy hạnh phúc với nó. Đặc biệt, nó cũng giúp mình có được một khoản thu nhập khá tốt để tích lũy cho những dự định tương lai", Thêu tâm sự.
Hiện tại, ngoài việc làm mẫu ảnh, cô gái Thái Nguyên cũng đang trau dồi thêm tiếng Trung và chuẩn bị thi chứng chỉ HSKK5 để trở thành phiên dịch viên. Cô luôn cho rằng: "Trượt đại học có thể là một thất bại đau đớn nhất của mỗi người nhưng thất bại luôn có tính chất thời điểm, không phải mãi mãi. Có hai cách để đương đầu: Hoặc tiếp tục đứng lên để khẳng định giá trị bản thân, hoặc tiếp tục nằm đó, than vãn, ủ dột, chán chường. Chúng ta thực sự thất bại khi không tìm được hạnh phúc của mình, chấp nhận thất bại đó. Đây mới là thất bại nặng nề nhất, đau đớn nhất và khó sửa chữa nhất".
Thêu cho biết, chặng đường sắp tới tuy sẽ có chút vất vả khi lựa chọn song song hai công việc nhưng mình tin rằng, lựa chọn trở thành một phiên dịch viên tiếng Trung sẽ giúp mình tự tin hơn, trưởng thành hơn và đặc biệt Thêu còn gợi ý rằng cô sẽ tích cóp để có thể mua một căn nhà trước tuổi 30.
"Bạn thấy đấy, đại học không phải là thứ có thể mang lại cho bạn hạnh phúc, hãy lạc quan và làm những điều bạn cho rằng đó là thế mạnh của bản thân. Thành công sẽ chỉ tới với những người không ngừng nỗ lực", Thêu nhấn mạnh.
Tiền chỉ nhiều khi bạn có thế mạnh và đam mê?
Không giống như bạn bè cùng trang lứa, Kiều Thanh - cô gái 21 tuổi chọn cho mình một hướng đi khác mà cô cho là phù hợp với mình. Khi còn là học sinh lớp 11, cô nàng nhận ra bản thân có niềm đam mê với nghề cầm cọ nên đã quyết định tạm gác giấc mơ Đại học để theo đuổi đam mê.
Chẳng thế mà ngay từ khi còn là học sinh THPT, cô nàng đã tự tay mình makeup cho các bạn cùng trường, thù lao chỉ dám nhận 50.000 nghìn đồng. Đồ makeup từ bút kẻ, hộp phấn, tạo khối… cũng được Kiều Thanh tích cóp từ 10.000 - 20.000 tiền ăn sáng. Không những vậy, cô nàng cũng đã một kênh Youtube riêng và có hàng chục nghìn lượt xem và theo dõi ngay từ khi học cấp 3.
Kiều Thanh cũng cho rằng, đại học không dạy cho bạn đam mê - và dĩ nhiên, không ai có thể dạy chúng ta điều này. Mỗi người là một cá thể của xã hội, sẽ có thế giới riêng và có đam mê của riêng mình. Danh tính một con người không được xác định qua tấm bằng đại học. Ở tuổi 18, chúng ta có quyền vấp ngã, có quyền sai lầm và có quyền làm lại. Thời gian mới là câu trả lời quan trọng nhất cho thành công.
Nhờ sự cố gắng làm việc chăm chỉ, tới nay 10x đã kiếm được cho mình một nguồn thu nhập ổn định từ những nghề make up, mỗi tháng cũng khoảng 30 triệu đồng (có tháng nhiều hơn).
Không giống như những bạn bè cùng trang lứa, từ lâu Kiều Thanh đã không còn phải nhận tiền trợ cấp từ bố mẹ, đồng thời cô nàng cũng đã có một khoản tích lũy "kha khá" cho riêng bản thân mình. Khi thấy con gái thành công từ nghề cầm cọ, từ chỗ phản đối, hiện gia đình đã ủng hộ, và động viên Kiều Thanh, giúp cô vượt qua mọi khó khăn trên con đường theo đuổi đam mê của mình.
"Công việc makeup không chỉ giúp em thỏa mãn được niềm đam mê với những chiếc cọ, giúp em có thu nhập để nuôi sống bản thân mà còn mang tới cho em những người bạn, những bài học mới trong cuộc sống và niềm vui khi được sống với đam mê của chính mình", Kiều Thanh tâm sự.
Bất cứ trường đại học nào cũng chỉ đóng vai trò như một bước đệm. Điểm tựa quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi chúng ta. Có bước đệm vững chắc là điều may mắn nhưng thành công vẫn có thể đến nếu trong tay bạn đã có thứ quan trọng nhất: đam mê, ý chí và nghị lực.