Giao lưu giữa sinh viên TPHCM với Ban tổ chức cuộc thi “Nhân tài đất Việt 2005”

Tối qua, 19/4, Nhà văn hoá Thanh niên chật kín bởi hàng trăm sinh viên đến tham dự buổi giao lưu “Nhân tài đất Việt 2005” do Ban tổ chức cuộc thi phối hợp với Nhà văn hoá Thanh niên TPHCM thực hiện.

Hơn 1000 sinh viên đến từ 15 trường cao đẳng, đại học  tham dự giao lưu. 12 sản phẩm đăng ký tham dự  ngay khi cuộc giao lưu kết thúc. BTC trao 15 suất học bổng cho những sinh viên xuất sắc.

Bạn đồng hành của sinh viên

Vấn đề được sinh viên quan tâm nhất là liệu những sản phẩm đoạt giải tại cuộc thi Nhân tài đất Việt có bị chìm vào quên lãng như một số cuộc thi khác? BTC có sự hỗ trợ nào đối với những sản phẩm đoạt giải hay không?

Trả lời câu hỏi này, Phạm Huy Hoàn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi khẳng định: Ban tổ chức sẵn sàng hỗ trợ để  sản phẩm đoạt giải của cuộc thi được ứng dụng một cách hiệu quả vào thực tiễn. Tuy nhiên, bởi những sản phẩm tham dự cuộc thi đều là những sản phẩm có tính ứng dụng cao, nên tự thân nó đã có sự chắp cánh cho chính mình, lại được “Marketing” khi tham gia cuộc thi nên chắc chắn sẽ không phải lo “đầu ra” cho sản phẩm.

Nói về sự khác nhau giữa cuộc thi Nhân tài đất Việt và các cuộc thi CNTT khác, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc công ty công viên phần mềm Quang Trung cho biết, điều khác biệt lớn nhất của cuộc thi Nhân tài đất Việt và các cuộc thi khác là tiêu chí về hiệu quả ứng dụng của sản phẩm vào thực tiễn chứ không chỉ dừng lại ở ý tưởng của sản phẩm.

Trả lời câu hỏi của  sinh viên trường đại học Bán công Tp HCM về quan điểm của Ban giám khảo trong việc triển khai những sản phẩm đã đoạt giải tại nước ngoài, GS,VS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng giám khảo khẳng định: “Bất cứ sản phẩm nào, miễn là của người Việt Nam, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam đều có thể tham dự cuộc thi. Các sản phẩm  đã đoạt giải tại nước ngoài vẫn được tham gia, tuy nhiên, những sản phẩm này phải khằng định được khả năng ứng dụng  vào thực tiễn Việt Nam”.

GS  Hiệu cho biết: “Tác giả của những sản phẩm đoạt giải sẽ phải cam kết sử dụng những sản phẩm đó để phục vụ việc phát triển kinh tế của nước nhà”.

Cũng tại cuộc giao lưu, vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ được các bạn sinh viên rất quan tâm. Trả lời về vấn đề này, ông Trương Hoài Trang, Phó giám đốc công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) khẳng định: “Tác giả của sản phẩm sẽ phải cam kết về bản quyền sở hữu trí tuệ, mô tả rõ ràng nguồn gốc xuất xứ đối với các mã nguồn mở.

Về phía  BTC cũng  không có bất kỳ hình thức sao chép hay cung cấp sản phầm ra bên ngoài, bài dự thi sẽ được bảo mật theo một quy chế thống nhất và BTC cũng sẵn sàng hướng dẫn tác giả thực hiện đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ tại các tổ chức bảo hộ bản quyền”

Cuộc thi sẽ kích thích sự sáng tạo của sinh viên.

Đó là nhận xét của bạn Trần Thị Bảo Hòa, sinh viên khoa kinh tế trường Cao đẳng công nghệ quản trị doanh nghiệp. Theo bạn Hòa, việc qui định sản phẩm phải có tính ứng dụng vào thực tiễn  của cuộc thi Nhân tài đất Việt khiến sinh viên  phải tìm tòi sáng tạo hơn  chứ không chỉ dừng lại ở một ý tưởng.

Cùng chia sẻ quan điểm này, bạn Nguyễn Đức Trọng, sinh viên năm thứ 2 đại học Mở Bán công khẳng định: “Tiêu chí của cuộc thi khiến những sản phẩm tham dự mang tính thực tế hơn, bắt buộc những ai muốn tham dự phải chuyển được ý tưởng của mình thành thực tế. Điều này đòi hỏi phải có một quá trình, có sự phát triển và như vậy nó đã kích thích người tham dự sáng tạo và đầu tư công sức, trí tuệ vào sản phẩm của mình”.

Sáng tạo và hiệu quả, đó là những gì BTC muốn gửi tới sinh viên và những thí sinh tham gia cuộc thi Nhân tài đất Việt. Và sân chơi Nhân tài đất Việt sẽ thật sự là sân chơi bổ ích, là điểm hẹn, là vườm ươm tài năng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Đức Hoà

Các tác giả và sản phẩm đăng ký dự thi
ngay sau cuộc giao lưu với sinh viên Tp HCM

1. Nguyễn Hoàng Phong, sinh viên khoa Tin học, ĐH Mở Bán công với 03 sản phẩm tham gia: Giải pháp âm thanh đa chức năng, Bảo vệ dữ liệu máy tính, Giải pháp xử lý tín hiệu.
2.Lê Xuân Hưng, sinh viên ngành Tin học Quản lý trường ĐH Kinh tế TP với sản phẩm: Hệ thống văn phòng điện tử và quản lý sinh viên
3. Vũ Văn Quang, sinh viên lớp TT 0201 ĐH Ngoại ngữ - Tin học: Sản phẩm  tham gia: Chương trình nhận dạng bài thi và hỗ trợ chấm thi trắc nghiệm
4. Phạm Hoài Ân, lớp 01DTVT1 ĐH Bách Khoa với sản phẩm: Mã hóa bảo mật dữ liệu theo chuẩn AES 128 bit, VER 2001
5. Nhóm bạn Nguyễn Thanh, Hoàng King & Nguyễn Duy Thiện, lớp VPHK99 ĐH Bách khoa với sản phẩm: Hệ thống mô phỏng bay
6. Dương Khai Phong Trung tâm phát triển CNTT – ĐH Quốc Gia: Sản phẩm tham gia: Chương trình Trúc xanh
7.  Nguyễn Hữu Phát lớp QL 03A Cao đẳng Hoa sen  với sản phẩm  dự thi: Hệ thống tra cứu thông tin  qua điện thoại di động
8. Nguyễn Ngọc Tâm Khoa CNTT Đại học Văn lang với sản phẩm: Tìm hiểu thẻ thông minh và xây dựng mô hình bảo mật cho thẻ
9. Phan Hoàng Tài Lớp THA1 Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Sản phẩm dự kiến tham gia: Hệ thống quản lý người dùng mạng máy tính
10. Nhóm tác giả Lê Thị Quỳnh Liên, Nguyễn Thị Hương Lớp THA1, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông  với sản phẩm: Nghiên cứu và viết chương trình truyền âm thanh trên mạng gói
11. Nguyễn Thế Sơn, ĐH Sư phạm thành phố với sản phẩm: Phần mềm ra đề thi tự động.
12.  Nhóm tác giả Đinh Bá Thắng, Đặng Bác Văn, Nguyễn Anh Nghĩa, Trương Xuân Tính, Chu Hoàng Nam, Lê Thị Thanh Thanh, sinh viên khoa CNTT ĐH Khoa học tự nhiên với sản phẩm tham gia: MATA Braille

Dòng sự kiện: Nhân tài đất Việt