"Giang hồ mạng" đang đầu độc giới trẻ như thế nào?

Đinh Minh

(Dân trí) - Hình ảnh các "giang hồ mạng" sử dụng lời lẽ thô tục và chuyện đòi nợ, thanh toán lẫn nhau, sử dụng chất kích thích... đang xâm lấn không gian sinh hoạt của giới trẻ.

Những "gam màu tối" cần bị lên án

Vài năm trở lại đây, một số nhân vật "giang hồ mạng", "thánh chửi"… nổi lên rần rần trên môi trường mạng xã hội. Các đối tượng này thường có lý lịch phức tạp; có người từng có nhiều tiền án, tiền sự về bạo lực, đánh bạc, sử dụng chất kích thích… Họ được biết đến trên mạng xã hội bởi các hành vi ngông cuồng, coi thường pháp luật, như sử dụng chất cấm, kích động bạo lực, khoe tiền của và liên tục rao giảng đạo đức để đánh bóng tên tuổi, khoác lên mình lớp áo "giả chính nghĩa" hòng thu hút sự chú ý của dư luận.

Đáng lo ngại là một bộ phận giới trẻ tỏ ra rất yêu thích, háo hức chờ đón và tung hô các "giang hồ mạng" này. Chính những video, clip bạo lực hay những buổi phát trực tiếp của các "giang hồ online" có đến vài trăm nghìn lượt theo dõi, yêu thích và bình luận đã chứng minh cho sức ảnh hưởng đáng lo ngại này.

Giang hồ mạng đang đầu độc giới trẻ như thế nào? - 1

Các "giang hồ mạng" có ảnh hưởng tiêu cực tới tư tưởng, hành vi của một bộ phận giới trẻ (Ảnh chụp màn hình).

Những đối tượng này có tác động vô cùng tiêu cực đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách của thanh, thiếu niên. Việc các "giang hồ mạng" kích động hành vi có xu hướng bạo lực, ân oán giang hồ cùng những lời nói tục tĩu, ngông cuồng sẽ khiến những thanh thiếu niên đang trong độ tuổi nhận thức chưa đầy đủ dễ bị sa đà, lệch lạc tư tưởng. Từ đó, tâm lý "học theo thần tượng", bắt chước các hành động bạo lực rất dễ nảy sinh trong giới trẻ. Thậm chí, trong thực tế đã có những hành vi phạm pháp luật được ghi nhận là bắt nguồn từ việc học theo các "giang hồ mạng".

Chia sẻ về vấn đề này, Nguyễn Thu Trang (21 tuổi) cho biết: "Các đối tượng "giang hồ mạng", "thánh chửi" đã và đang đầu độc thế hệ trẻ, bởi phần lớn người xem những video, clip độc hại này nằm trong độ tuổi 15-22. Nội dung video của các "giang hồ mạng" chủ yếu là hành động bạo lực như: đập xe, đốt xe, cầm đao, cầm kiếm hay khoe khoang tiền của, cách kiếm tiền dễ dàng..., tạo cho giới trẻ, nhất là trẻ em ngộ nhận rằng đây là những hành vi được khuyến khích, thể hiện cá tính mạnh mẽ".

Giang hồ mạng đang đầu độc giới trẻ như thế nào? - 2

Thu Trang cho rằng nội dung độc hại của những đối tượng "giang hồ mạng" rất nguy hiểm nếu để trẻ em, trẻ vị thành niên xem và học theo (Ảnh: NVCC).

Thu Trang cho biết thêm: "Em trai mình năm nay 15 tuổi, ngày trước thường xem và chia sẻ video, clip của các đối tượng trên. Lúc đầu, gia đình không chú ý, nhưng sau đó thấy em có nhiều hành động khác thường, tính cách dần thay đổi, may mắn gia đình đã kịp thời phát hiện và giải thích cho em hiểu. Nếu không có người định hướng thì mình cũng không tưởng tượng nổi hậu quả".

Trong khi đó, Tô Minh Tâm, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ với Dân trí: "Vài năm gần đây, rất nhiều đối tượng dùng những lời nói, hành động phản cảm, dung tục để nổi tiếng. Bản thân mình thấy đây là những "con sâu" của mạng xã hội và là những gam màu tối cần bị lên án, có thái độ bài trừ rõ ràng.

Nếu không thể hiện quan điểm quyết liệt, mình e rằng những nội dung độc hại này sẽ ngày càng ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của thế hệ trẻ và trẻ em".

Giang hồ mạng đang đầu độc giới trẻ như thế nào? - 3

Minh Tâm cho rằng hiện tượng "giang hồ mạng" là những "con sâu" của xã hội, những mảng tối cần bài trừ và lên án (Ảnh: NVCC).

Minh Tâm còn cho biết: "Hồi học cấp 3, mình biết một số bạn trong trường hay xem và tìm cách học theo những đối tượng "giang hồ mạng". Phần lớn các bạn nếu không có gia đình, nhà trường và bạn bè giải thích, định hướng thì đều có xu hướng bạo lực hơn, như: chia bè kết phái, đánh nhau hay văng tục chửi thề… rất đáng lo ngại".

Người thực hiện, kẻ tung hô

Thân Khánh Vân, sinh viên trường Đại học Lao động và Xã hội nêu quan điểm: "Mình nghĩ không chỉ các "giang hồ mạng" hay "thánh chửi" này đáng trách, mà cả những bạn trẻ chia sẻ, cổ súy các video clip này cần xem xét lại bản thân. Bởi "có cung mới có cầu", đương nhiên khi nhận được sự phản hồi từ cộng đồng mạng, các đối tượng này càng có lý do để tiếp tục lan truyền nội dung độc hại".

Giang hồ mạng đang đầu độc giới trẻ như thế nào? - 4

Khánh Vân cho rằng cả các "giang hồ mạng" lẫn những người chia sẻ nội dung độc hại này đều rất đáng trách (Ảnh: NVCC).

Khi được hỏi về lý do các bạn trẻ yêu thích những nhân vật này, Khánh Vân cho biết: "Các đối tượng này rất giỏi trong việc đánh bóng tên tuổi bằng cách "gắn mác" những "giang hồ lương thiện", chụp những hình ảnh đi làm từ thiện, giúp đỡ mọi người, giảng dạy đạo lý... nhưng đằng sau vẫn có những hành vi vi phạm pháp luật như: đánh bạc, sử dụng ma túy, cho vay nặng lãi… Điều này đã đánh lừa một bộ phận giới trẻ, dù biết họ đang vi phạm pháp luật nhưng vẫn ủng hộ, thậm chí ngưỡng mộ".

Đinh Công Hoàng Anh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói: "Thay vì phê bình, lên án, việc chia sẻ và phát tán nội dung của các "giang hồ mạng" chẳng khác gì tiếp tay, giúp các đối tượng này tiếp cận thêm nhiều người hơn nữa.

Cá nhân mình cho rằng nếu không có sự ủng hộ của một số các "anh hùng bàn phím" thì chưa chắc những đối tượng trên có thể tiếp tục duy trì, phát tán nội dung độc hại nhiều đến vậy.

Giang hồ mạng đang đầu độc giới trẻ như thế nào? - 5

Hoàng Anh cho rằng hành động chia sẻ, phát tán nội dung độc hại chẳng khác nào tiếp tay giúp các đối tượng "thánh chửi", "giang hồ mạng" (Ảnh: NVCC).

Thậm chí, chúng còn được săn đón, "ca tụng" như "thần tượng" của giới trẻ, được đặt cho các biệt danh như "thầy", "cô"... điều này càng gây phản cảm hơn nữa.

Nhiều bạn trẻ chỉ coi đây là video giải trí, nhưng có một số bạn nhận được tiền để PR, chia sẻ và quảng cáo cho các đối tượng này. Nhưng dù chủ quan hay khách quan, việc phát tán và góp phần chia sẻ các nội dung độc hại như vậy trên mạng xã hội đều rất đáng trách".