Giải pháp nhà ở cho vùng thiên tai đến từ các tài năng kiến trúc trẻ Việt Nam
Cuộc thi thiết kế kiến trúc “Giải pháp nhà ở cho vùng thiên tai” đã khép lại và tìm ra những tác phẩm đoạt giải. Cuộc thi lấy cảm hứng từ những hoạt động vị nhân sinh của KTS Shigeru Ban, cũng là đề tài nóng hổi tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Giải nhất của chương trình đã thuộc về nhóm K3 đến từ Trường ĐH Kiến Trúc Tp.HCM - Cơ sở Đà Lạt với bài dự thi Cái Kén. Hãy cùng chúng tôi lắng nghe trao đổi của nhóm thí sinh này để hiểu thêm về sức trẻ, lòng nhiệt huyết và tiềm năng sáng tạo của các bạn sinh viên kiến trúc Việt Nam.
Xin chúc mừng các bạn đã chiến thắng cuộc thi Thiết kế kiến trúc 2017 của TOTO Việt Nam với giải nhất chung cuộc. Đầu tiên, các bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân mình không?
Nhóm em có 3 thành viên: Phạm Quang Linh, Cao Hoàng Sơn, Huỳnh Thị Thùy Dương đều là sinh viên năm 2 thuộc trường ĐH Kiến trúc Tp.HCM, cơ sở Đà Lạt.
Tình cờ em thấy được bài chia sẻ trên mạng xã hội của các thầy trong trường về cuộc thi này. Kiến trúc vị nhân sinh, cụ thể là nhà ở cho cư dân vùng bão lụt cũng là niềm trăn trở của chúng em bao lâu nay. Chính vì vậy, ngay lập tức, chúng em đã đăng kí tham gia để được học hỏi và thử sức với các thí sinh khác trong cuộc thi.
Cảm xúc hiện tại của các bạn như thế nào, đặc biệt là khi tác phẩm của mình đã đạt giải cao nhất và được trưng bày tại buổi diễn thuyết của KTS Shigeru Ban?
Chúng em rất vui và bất ngờ khi tác phẩm của mình vượt qua được nhiều ý tưởng thú vị để chiến thắng cuộc thi này và được có mặt trong sự kiện “Kiến trúc & Hoạt động vị nhân sinh” của KTS Shigeru Ban – bậc thầy kiến trúc thế giới. Cùng với đó, chúng em cũng đang cố gắng học hỏi từ các tác phẩm khác tại chương trình để không ngừng hoàn thiện và phát triển kỹ năng của bản thân.
Trong suốt quá trình tham gia cuộc thi, các bạn đã gặp những khó khăn gì, có kỉ niệm nào đáng nhớ không? Sau cuộc thi các bạn thấy bản thân mình thay đổi như thế nào?
Chúng em biết đến cuộc thi khá trễ, chỉ trước hạn nộp bài 1 tuần và đó là trong tuần đồ án. Vì vậy, chúng em phải đối mặt với khá nhiều áp lực về thời gian. Chúng em đã phải tranh thủ làm việc từ sáng sớm đến tận khuya để hoàn thành cùng lúc 2 nhiệm vụ quan trọng này. Nhân đây, chúng em cũng cảm ơn bạn Nguyễn Dương Điểm đã giúp chúng em hoàn thành mô hình đúng hạn. Sau cuộc thi này chúng em học hỏi được nhiều từ các anh chị từ cách khảo sát hiện trạng, cách lên ý tưởng và cách làm mô hình và nhận thấy bản thân còn nhiều thiếu sót cần hoàn thiện.
Các bạn có thể chia sẻ về tác phẩm của mình không? Từ đâu các bạn có những ý tưởng cho bài dự thi và điểm đặc biệt của thiết kế đó là gì?
"Cái kén" được sử dụng trong các khu vực đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai, với tính linh hoạt mở rộng diện tích có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của 1 hộ gia đình 4 người, công trình được xây dựng với những vật liệu dễ kiếm và giá thành phù hợp với hộ gia đình có điều kiện bình thường. Các ngôi nhà trong “Cái kén" khi liên kết với nhau có thể tạo thành cộng đồng dân cư để tương trợ lẫn nhau.
Sau nhiều ý tưởng chúng em có lúc rơi vào bế tắc nhưng tình cờ thấy cuốn vở mở ra gấp vào, chúng em đã suy nghĩ khác đi: thay vì 1 căn nhà cố định, tại sao không chuyển hướng đến những căn nhà ở tạm, nhỏ gọn dễ dàng di chuyển để cứu hộ nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi cho người dân đang gặp khó khăn. Điểm đặc biệt chính là khả năng mở rộng diện tích có thể tăng đến 48 mét vuông so với diện tích ban đầu.
Mô hình tác phẩm Cái Kén – Giải pháp nhà ở cho cư dân vùng Cù Lao Dung – Tỉnh Sóc Trăng. Theo ban giám khảo, ý tưởng này là một giải pháp thực sự thông minh và hiệu quả. Trên cơ sở cấu trúc đơn giản và dễ lắp đặt, một gia đình có thể tạo dựng chỗ trú an toàn với không gian linh hoạt lên đến gần 25m2. Trong điều kiện không có lũ, “tổ kén” này có thể thu gọn lại với kích thước vỏn vẹn dưới 4m2. Bên cạnh đó, tính cơ động, khả năng tổ hợp các “tổ kén” với nhau để tạo thành một cộng đồng hỗ trợ nhau trong thiên tai cũng được ban giám khảo đánh giá rất cao.
Hiện miền Trung đang phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề sau cơn bão số 12 – Damrey. Từ chủ đề của cuộc thi “Giải pháp nhà ở cho vùng thiên tai”, các bạn nghĩ sao về khả năng thực hiện những công trình nhà tạm như thế này tại Việt Nam?
"Cái Kén" được làm từ những vật liệu dễ kiếm có sẵn và gần gũi với người dân Việt Nam, chi phí thấp cộng với khả năng thi công lắp ghép nhanh dễ đưa vào thực tế kịp thời ứng cứu với các trường hợp khẩn cấp. Nếu chẳng may người dân bị mất nhà sau thiên tai thì "Cái kén" có thể ứng dụng bất cứ nơi đâu.
Sau cuộc thi, các bạn đã có những dự định gì sắp tới chưa?
Sau cuộc thi chúng em mong muốn sẽ có nhiều cuộc thi mang ý nghĩa nhân văn như cuộc thi vừa rồi, để tham gia nhằm nâng cao tầm hiểu biết học hỏi nhiều điều hay không chỉ từ các bạn và anh chị trong trường mà còn từ các trường khác.
Cảm ơn các bạn vì cuộc trao đổi thú vị này. Chúc các bạn sẽ luôn giữ được nhiệt huyết và sức sáng tạo không ngừng, để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kiến trúc vị nhân sinh và nâng cao chất lượng sống của cư dân vùng thiên tai.
“Giải pháp nhà ở cho vùng thiên tai” là cuộc thi tìm kiếm các ý tưởng thiết kế kiến trúc dành cho sinh viên, lấy cảm hứng từ các công trình vị nhân sinh của kiến trúc sư nổi tiếng thế giới - Shigeru Ban. Cuộc thi do TOTO Việt Nam phối hợp cùng CLB Kiến Trúc Sư Trẻ tổ chức, dưới sự bảo trợ của Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam.
TOP 10 các mô hình tác phẩm đoạt giải của cuộc thi sẽ được trưng bày tại không gian triển lãm của Trung tâm thông tin TOTO TP. HCM. Triển lãm mở cửa tự do cho khách tham quan:
Thời gian: Từ ngày 7/12/2017 đến 14/12/2017
Địa chỉ: tầng G, TOTO showroom, 1A Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, P. Bến Nghé, TP.HCM
*Triển lãm các công trình kiến trúc của Shigeru Ban tại Hà Nội:
Thời gian: Từ ngày 15/12/2017
Địa chỉ: P1104, Tầng 11, Tháp Đông, Tòa nhà Lotte, 54 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội
K.M