Giải nghĩa các từ lóng yêu thích của cư dân mạng: "Khum","chằm Zn" là gì?
(Dân trí) - Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng đó là từ viết sai chính tả, nhưng thực ra, dù không có trong từ điển nhưng với nhiều bạn trẻ, chúng lại có ý nghĩa nhất định.
Cộng đồng mạng ngày nay, nhất là trong lứa tuổi học sinh, sinh viên thường sử dụng ngôn ngữ theo kiểu tự chế để nhắn tin trên điện thoại, mạng xã hội, kể cả trong tập vở cũng xuất hiện kiểu chữ viết tắt "nửa Tây, nửa ta", nửa chữ, nửa số...
Đặc điểm của các từ lóng đó là mặc dù không tuân theo bất cứ quy ước nào, song đa số các Gen Z (được quy ước là những bạn trẻ sinh từ năm 1996 trở về sau) đều có thể dễ dàng nhận biết nếu như gặp phải.
Không ít bạn trẻ xem loại ngôn ngữ "thập cẩm" này là sành điệu, hợp thời, vì nhanh, đỡ tốn thời gian, nhấn trực tiếp vào nội dung chính, không cần suy nghĩ cấu trúc.
Dưới đây là một số từ lóng thông dụng và thịnh hành trong thời gian gần đây, mời bạn đọc tham khảo và "giải mã" khi gặp phải:
1. Khum
Thực ra chỉ là từ "không", nhưng được đọc lái đi. Đây là từ lóng đang có độ phổ biến rất mạnh. "Mọi người có biết khum"?, "Đi ăn khum?",... là những mẫu câu mà bạn dễ dàng bắt gặp trên dòng trạng thái, hay các đoạn chat của người trẻ.
2. Lemon question
Lemon nghĩa là "chanh", question là "hỏi". Từ này khi kết hợp lại là "chanh hỏi", nghĩa là "chảnh".
3. Phanh xích lô
Từ lóng xuất phát từ bộ phim đình đám một thời: Phía Trước Là Bầu Trời. Cách hiểu đơn giản đó là khi phanh xích lô, sẽ phát ra tiếng *kíttt*. Đây cũng là cách phát âm từ "kiss" - nghĩa là hôn trong tiếng Anh.
4. Trmúa hmề
Từ lóng được hình thành bởi quy tắc của giới trẻ, đó là thêm chữ "m" vào phía trước tất cả các nguyên âm, nhằm tạo ra từ hoàn toàn mới. Theo cách hiểu này "trmúa hmề" sẽ có nghĩa là "trúa hề" - hay "chúa hề", dùng để chỉ những người hài hước.
5. Chằm Zn
"Chằm" là cách phát âm khác của "trầm". Trong khi đó, Zn là "kẽm" - đọc chệch đi thành "cảm". Như vậy, "chằm Zn" thực ra có nghĩa là "trầm cảm", hoặc đơn giản là ám chỉ cảm giác mệt mỏi.
6. No star where
No là "không", star là "sao", where là "đâu". Nghĩa của từ này là "không sao đâu".
7. No Four Go
No được hiểu là "vô" (không), four là "tư" (bốn), go là "đi". Nghĩa của từ này thực ra là "vô tư đi". Ngoài ra, còn một số từ được dịch theo kiểu "word by word" như Like is afternoon (thích thì chiều), Know die now (biết chết liền), No dare where (không dám đâu),...
8. Chếc gồi
Cách đọc lái đi của từ "chết rồi", được dùng trong rất nhiều ngữ cảnh.
9. Gòy xonq
Cũng với từ "gòy" được hiểu là rồi, nghĩa của từ trên là "rồi xong".
10. Mlem mlem
Là từ ngữ dùng để chỉ hành động của chó, mèo khi liếm thức ăn, phát ra âm thanh giống như từ "mlem mlem".
Từ này được dùng để tỏ ra vẻ đáng yêu, muốn "làm nũng" với người khác. Ngoài ra, còn được sử dụng để chỉ ý nghĩa thèm thuồng đến mức muốn ăn ngay món ngon đang bày trước mắt.