Giấc mơ Việt trên Wikipedia

Từ trang web tẻ nhạt với dăm bảy người xem cách đây gần 4 năm, phiên bản Wikipedia (bách khoa toàn thư mở) tiếng Việt giờ trở thành địa chỉ quen thuộc của hàng nghìn cư dân mạng. Người có công “bồi da đắp thịt” để <a href="http://vi.wikipedia.org">Wiki Việt</a> lớn mạnh như ngày nay là chàng trai Mỹ gốc Việt trẻ măng vừa tròn 20 tuổi.

Tôi là Nguyễn Xuân Minh

Minh sinh ngày 9/3/1987 tại New Orleans, bang Lousiana (Mỹ), nói tiếng Anh rành hơn tiếng Việt, nhưng làm web tiếng Việt giỏi không kém gì web tiếng Anh. Minh chính là người đã có công lớn trong việc khơi mào cho dự án Wiki Việt từ những ngày chưa được mấy người biết đến.

Minh biết đến Wiki tiếng Việt vào đầu năm 2003. Trong lúc truy cập vào Wiki tiếng Anh, cậu nhìn thấy một liên kết đến phiên bản tiếng Việt, nhưng chỉ có vài thông tin sơ sài: một câu kêu gọi những người nói tiếng Việt bắt đầu dự án và vài liên kết đến những bài viết về thành phố Việt Nam. Không đành lòng trước trang chủ nghèo nàn của phiên bản tiếng Việt, Minh đã bỏ ra vài giờ để viết một thiết kế mới.

Minh đã phải “vật vã” rất nhiều với trình độ tiếng Việt trung bình của mình trong thời gian đầu đến với Wiki Việt. “Bởi vậy mà tôi rất biết ơn mọi người vì đã chịu đựng và sửa lỗi ngữ pháp cho tôi trong suốt mấy năm qua”, cậu hóm hỉnh chia sẻ. Việc xây dựng Wiki những ngày đầu buộc Minh phải dịch rất nhiều tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Nhờ vậy mà chỉ sau thời gian ngắn, vốn từ vựng của Minh đã tăng lên thấy rõ.

Hiện nay bộ bách khoa này đã có 23.270 thành viên, 12.821 bài và 5.068 ảnh. Mục đích của Wikipedia là biên soạn một từ điển bách khoa mà mọi người có thể tự do sử dụng. Điều này có nghĩa là nội dung của từ điển bách khoa Wikipedia có thể được tự do sửa đổi, sao chép hoặc phát tán đi nhiều nơi bởi tất cả mọi người với điều kiện có ghi chú dẫn nguồn Wikipedia.  

Trong khi đa số người Việt tại Mỹ thường bỏ dấu ra khỏi tên mình trong các văn bản thì Minh vẫn trung thành với câu giới thiệu “I am Nguyễn Xuân Minh” (Tôi là Nguyễn Xuân Minh) trên các trang web mà cậu tham gia. Minh còn tỉ mỉ kèm theo cách hướng dẫn phát âm để đảm bảo người khác phải đọc đúng họ Nguyễn.

Minh kể, cậu bắt đầu dùng tên có dấu từ năm lớp 5. “Hồi đó tất cả mọi người mà tôi quen đều không có dấu trên tên. Sau nhiều ngày “vọc” máy tính, tôi phát hiện có cách để hiện ra dấu. Từ đó tôi bắt đầu viết tên mình có dấu trong các bài tập nộp cho giáo viên. Sau đó có lẽ vài bạn gốc Việt khác trong lớp cũng làm theo. Lúc đầu chỉ là cho vui, nhưng giờ việc gõ tên có dấu đã trở thành thói quen của tôi”.

Cái tên chính là bài học tiếng Việt đầu tiên của Minh. Cậu mới bắt đầu học tiếng Việt nghiêm túc khi lên lớp 7. “Lúc đó bà tôi đang học tiếng Anh để giao tiếp với chúng tôi dễ hơn, vì vậy tôi muốn học tiếng Việt cho bình đẳng”, Minh giải thích. Khi bà bắt đầu tập đọc những quyển sách tiếng Anh dành cho trẻ em trong nhà, thì Minh cũng bắt đầu mượn quyển sách tiếng Việt duy nhất ở thư viện công cộng gần nhà và cố gắng nhớ những từ như “thày giáo” hay “từ điển”. Bây giờ thì cậu đã tự tin cho điểm trình độ viết tiếng Việt của mình từ 6 đến 7 điểm (thang điểm 10), nhưng chưa hài lòng lắm về khả năng nói và đọc, nên tự nhận chỉ điểm 4 cho hai kỹ năng này.

Không hài lòng với thứ hạng 47

Nếu gặp Minh một năm trước, sẽ thấy cậu suốt ngày vùi đầu vào Wiki với một loạt dự án dang dở. Nhưng hiện tại, Minh không thể dành quá nhiều thời gian cho trang web, đơn giản vì cậu đã là sinh viên ĐH Stanford ở bang California, chuyên ngành tin học. Lịch học ở Stanford rất căng thẳng, đến nỗi sinh viên trường này truyền miệng nhau:“Ở Stanford, giữa học hành, vui chơi và ngủ nghỉ, chỉ được chọn hai thứ”. Minh đã chọn hai thứ đầu tiên: học và Wiki.

Hiện cậu vẫn đảm đương việc bảo trì (maintenance), nhưng không còn tham gia nhiều quyết định mang tính cộng đồng như trước đây nữa. “May là còn rất nhiều người khác tình nguyện đóng góp thời gian để giúp trang web hoạt động suôn sẻ”. Nói vậy nhưng Minh còn rất tâm huyết với Wiki Việt. Nhiều lúc đang làm việc hoặc làm bài tập về nhà, bất chợt nghĩ đến một bài viết rất cần cho Wiki Việt, cậu lại hì hụi bỏ thời gian để dịch nội dung từ Wikipedia tiếng Anh sang tiếng Việt và cập nhật lên web.

Điều khiến Minh “tâm tư” nhất là dù hiện nay Wiki Việt có đến hơn 23.000 thành viên, nhưng chỉ có khoảng 13.000 bài viết và 5.000 ảnh được gửi lên. Minh cho biết cậu cảm thấy tự ái dân tộc ghê gớm khi phiên bản Wiki tiếng Việt chỉ xếp hạng 47 trong tổng số 250 phiên bản ngôn ngữ của Wiki (theo cập nhật đến ngày 22/12/2006, thứ hạng này đã tăng một bậc lên 46).

Kể từ khi số thành viên vượt quá số bài, ban quản trị đã đăng lên trang nhất lời kêu gọi “thống thiết” mong nhận được sự đóng góp tích cực của mọi người. Minh nói rằng chuyện này chỉ xảy ra đối với một vài phiên bản Wiki. “Có rất nhiều bạn đăng ký thành viên, nhưng chưa bao giờ viết một bài nào để đóng góp cho Wikipedia. Bọn mình muốn thay đổi điều đó, vì dù sao bản chất của Wikipedia là tự nguyện”. Minh nói đi nói lại rằng đây không phải là chuyện cạnh tranh với những Wiki khác, mà vì có rất nhiều người nói tiếng Việt trên khắp thế giới và sứ mệnh của Wiki là đem tri thức của nhân loại đến tất cả những người này.

Minh đang mơ đến một ngày mỗi thành viên Wiki Việt đều cảm thấy hào hứng đóng góp một chút gì đó cho từ điển bách khoa toàn thư bằng ngôn ngữ tiếng Việt. “Chỉ cần mọi người chung tay, thứ hạng Wiki Việt hoàn toàn có thể nằm ở top 10 chứ không phải là top 50 như hiện nay. Tại sao lại không chứ?”, cậu tự tin.

Chàng sinh viên này xác định sẽ không dừng lại ở những gì đã làm được hiện nay trên Wiki. Với chàng trai 20 tuổi này, viết các phần mềm ứng dụng là một thử thách cam go hơn nhiều so với việc ngồi dịch lại các bài viết từ Anh sang Việt. “Đó là một thử thách mà tôi sẵn sàng dành ra nhiều đêm liền để vượt qua với tất cả niềm hứng khởi”, Minh nói.

Minh biết một chặng đường rất dài còn chờ mình ở phía trước, và cậu đang nóng lòng được giáp mặt với những thách thức mới với một triết lý giản đơn: “Trẻ mà, sợ gì!”.

Theo Thanh Trúc
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm