Giả danh để khủng bố nạn nhân bằng facebook

Không chỉ lấy tên họ và hình ảnh của H. T. N. (sinh viên năm thứ nhất, trường ĐH Kinh tế TP. HCM) để lập Facebook, kẻ giả danh còn “add” tất cả những bạn bè cũ của nạn nhân để trêu chọc, ăn nói khiếm nhã khiến bạn bè hiểu lầm N. bị tâm thần.

Bỗng nhiên có Facebook

 

Cuối tháng 3/2011, khi đang học quân sự trong Trung tâm Giáo dục quốc phòng (xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), N. nhận được điện thoại của một người bạn thân hỏi thăm: Sao dạo này N. chơi sốc trên Facebook quá, tự dưng lại thay đổi 180 độ.

 

N. choáng váng, hỏi lại mới biết mình có một Facebook với lời lẽ hết sức kiêu ngạo và chơi ngông với bạn bè cùng lớp. N. tâm sự: “Lúc nhận được điện thoại, mình không tin. Về phòng trọ, mình nhờ bạn mở Facebook cho mình xem. Khi tận mắt thấy hình ảnh của mình trên trang web đó, mình bủn rủn chân tay rồi cứ thế mà khóc”.

 

N. cho biết, những ảnh cô chụp chung với bạn bè cùng lớp hồi THPT đều được “post” lên Facebook và ghi chú rất cẩn thận. Chẳng hạn, ảnh chụp chung với cô bạn được chú thích: “Trời ơi, mình đẹp thế này sao lại phải đứng chung với con nhỏ xấu xí này chứ!”.

 

Trong khi đó, bạn bè trên Facebook giả danh này đều là những người cùng lớp, cùng trường với N. Kẻ giả danh còn ngang nhiên viết những lời bình luận tục tĩu lên tường của các bạn N.

 

Vô cùng khổ sở, cô sinh viên năm thứ nhất cho biết: “Kẻ giấu mặt còn lấy ảnh 2 cô giáo trong trường thời THPT của mình chỉnh sửa photoshop rồi ghép vào ảnh tầm bậy nữa.

 

Bạn bè đồn nhau mình bị tâm thần. Mỗi ngày, mình nhận được hàng chục cuộc điện thoại, tin nhắn hỏi thăm sức khỏe. Mình càng giải thích, bạn bè càng nghĩ mình bệnh nặng”.

 

Giả danh để khủng bố nạn nhân bằng facebook - 1
Không ít bạn trở thành nạn nhân của những kẻ quấy rối giả danh trên Facebook

 

Ngày càng nghiêm trọng

 

N. gọi về thông báo với gia đình và thầy cô trường THPT rằng, mình đang bị giả danh trên Facebook. N. cho biết, kẻ giả danh còn nắm rất rõ lịch sinh hoạt của cô và thường mở Facebook vào tối thứ Bảy.

 

Lúc đó, N. được nghỉ học quân sự để về nhà. Một lần, trường ĐH Kinh tế TP. HCM tổ chức cắm trại chào mừng ngày 26/3, các bạn được nghỉ 1 ngày và học bù vào thứ Bảy tuần sau.

 

Tối thứ Bảy hôm đó, khi N. đang ở trong Trung tâm Giáo dục quốc phòng thì người giả danh lên Facebook “chém gió”. Từ đó, bạn bè mới tin là N. không bị tâm thần.

N. kể lại vẫn còn mếu máo: “Cách đây không lâu, bạn học cùng lớp 12 cũ còn tổ chức họp mặt để thảo luận về tình trạng tâm thần của mình nữa. Nghe tin đó, mình rất xấu hổ và buồn”.

 

Sau một thời gian ầm ỹ, Facebook mang tên H. T. N. tạm yên ắng. Đến giữa tháng 5/2011, khi N. đang thi cử thì Facebook này lại hoạt động khiến cô nàng vừa phải vật lộn với bài thi, vừa phải giải thích các rắc rối từ Facebook “trời ơi đất hỡi” này.

 

Vẫn những chiêu thức cũ, nhưng giờ đây tên giả danh còn sử dụng những lời đe dọa, gây sự với các thành viên trong danh sách bạn bè.

 

N. sợ hãi: “Mình không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ. Ai có thể cho mình lời khuyên nên làm gì. Mình bị bạn bè hiểu lầm, thầy cô quở trách. Còn kẻ giả danh thì vẫn ung dung chém gió bằng tên của mình!”.

 

Theo các chuyên gia IT, khi bị kẻ giả danh quấy rối trên Facebook, những người bị quấy rối (ở đây là những người bạn của H. T. N) nên cùng nhau nhấp chuột vào “báo cáo vi phạm” trên trang Facebook đó. Khi nhận được báo cáo vi phạm của nhiều người, nhà điều hành Facebook sẽ tiến hành điều tra và đóng vĩnh viễn trang Facebook vi phạm.

 

Theo Sau Bình

SVVN