Ghẻ lạnh hay thân thiện?

Một nữ du khách nước ngoài bị một cô gái lái xe vượt đèn đỏ tông gãy chân ở vạch đường dành cho người đi bộ, ngay trung tâm Hà Nội. Xe máy bỏ chạy. Người phụ nữ bị nạn nằm sóng soài, máu ra nhiều. Chồng cô và những người chung nhóm du lịch ba lô tuyệt vọng kêu cứu.

>> Cấp cứu 115 “bỏ mặc” một du khách nước ngoài bị tai nạn?

Nhưng đám đông người dân và cảnh sát an ninh khu vực vẫn đứng… coi, đợi xe cấp cứu đến. Một nhân viên khách sạn Hoabinh Palace ở gần đó đã gọi ngay cho xe cấp cứu 115 nhưng nhân viên trực tổng đài nói dửng dưng: “Hãy để lại số điện thoại của chị. Nếu chị không có số điện thoại riêng thì vui lòng nhờ người khác gọi lại”.

Về sau, ông giám đốc trung tâm này nói, đó là “thủ tục hợp lý” của nhân viên tổng đài, để tránh tình trạng “những cuộc gọi ma”, xe đến nhưng không có sự vụ cứu thương.

Nhân viên khách sạn phải gọi 3 lần thuyết phục, 25 phút sau, xe cấp cứu 115 xuất hiện khi người du khách nước ngoài gần như lả sức vì ra máu quá nhiều. Cô ta đã được xe của SOS chuyển đi trước đó.

Đoạn video clip quay bằng điện thoại di động này (thực hiện trong sự cấm cản của cảnh sát) sau khi phát trên Blog giao thông của VTV chiều 14/11, gây bức xúc cho dư luận. Đoạn phim còn được chép và phát tán trên nhiều blog. Trang web như một sự phản ứng trước sự quan liêu của trung tâm cấp cứu, sự tò mò “ghẻ lạnh” của đám đông đứng xem, những cảnh sát xử lý vụ việc đang hồi nguy cấp.

Đoạn phim còn quay được cả hình ảnh những chiếc taxi hờ hững chạy lướt qua vụ tai nạn theo sự điều phối của cảnh sát để tránh tắc đường. Nhưng chẳng ai kêu taxi lại để chở người khách nguy cấp đến bệnh viện ngoài ông chồng cô ta đang kêu gào và bày tỏ nỗi thất vọng.

Để có 30 giây quảng bá du lịch Việt Nam trên CNN, phát trong vòng 13 tuần, tần suất 200 lần, nhà nước phải chi kinh phí dựng phim và phát sóng khoảng 275.000 USD (tương đương 4,4 tỉ đồng Việt Nam).

Đầu tháng 10, mẩu quảng cáo này đã xuất hiện trên kênh truyền hình nổi tiếng và thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam trong mùa cao điểm năm nay. Trong đoạn clip quảng cáo này, có nhiều hình ảnh “ngẫu hứng” được quay tại Hà Nội.

Hiệu quả thấy rõ. Theo số liệu từ tổng cục thống kê, tháng 10/2007 lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 332.762 lượt. Tổng cộng trong 10 tháng lượng khách quốc tế ước đạt 3.477.564 lượt, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2006. Dự đoán mùa du lịch quốc tế năm nay (từ tháng 12/2007 - 3/2008) lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhiều so với những năm trước vì Việt Nam gần đây quan tâm nhiều đến vấn đề quảng bá hình ảnh du lịch qua truyền thông, hội chợ quốc tế, kêu gọi bình chọn kỳ quan…

Có thể hỏi bất kỳ du khách nước ngoài nào đến Việt Nam về cảm xúc của họ, bạn cũng dễ dàng nghe câu trả lời cửa miệng: món ăn Việt Nam thì ngon, cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam thì đẹp, người Việt Nam thì thân thiện. Đó là điều đáng mừng. Và nhìn sang các nước lân cận thì có thể nói thế mạnh tình hình an ninh du lịch Việt Nam khá tốt.

An ninh, sự thân thiện, ngành du lịch chọn đó làm hai tiêu chí phát triển tài nguyên nhân văn trong du lịch để mời gọi khách quốc tế đến với Việt Nam.

Mùa cao điểm du lịch quốc tế đang đến gần. N­hững du khách nước ngoài đến Việt Nam xem quảng cáo 30 giây du lịch Việt Nam trên CNN và chứng kiến hay nghe th­­ấy chuyện nữ du khách nước ngoài bị tai nạn, bị “bỏ rơi” gần 30 phút tại trung tâm thủ đô Hà Nội, không biết có còn nhận ra “tài nguyên nhân văn -  sự thân thiện” của người Việt Nam hay không?

Theo Nguyễn Vinh
Sài Gòn Tiếp Thị