“Gây quỹ cộng đồng”, họa sĩ trẻ Việt hồi sinh truyện tranh yêu nước

(Dân trí) - Không phải duy nhất nhưng “Long Thần Tướng” là một trong những dự án về truyện tranh lớn và đầu tiên thành công với mô hình gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) chỉ mới manh nha ở Việt Nam.

“Đâu chỉ là ước mơ mà thôi”

 

Họa sĩ trẻ Thành Phong - cha đẻ của “Sát thủ đầu mưng mủ” cùng hai cộng sự là Khánh Dương (tác giả kịch bản) và Mỹ Anh (họa sĩ) bắt tay khởi động dự án hồi sinh bộ truyện “Long Thần Tướng”. Sau gần 2 tháng thực hiện theo mô hình crowdfunding, dự án đã chính thức cán mốc 300 triệu sớm hơn 3 ngày so với kế hoạch đặt ra. Lộ trình xuất bản tập 1 trong thời gian 3 tháng được tiến hành ngay sau đó.

 

“Long Thần Tướng” nói về lòng yêu nước khi Tổ quốc đứng bên bờ bị xâm lăng. Truyện xoay quanh cuộc phiêu lưu của một thiếu nên tên Long, lấy bối cảnh là giai đoạn đấu trí căng thẳng giữa nhà Trần với nhà Nguyên (1282 – 1284).

 

“Tái xuất” sau 10 năm vắng bóng, “Long Thần Tướng” được làm mới toàn bộ về cốt truyện và phong cách vẽ. Lời kêu gọi góp vốn xây dựng bộ truyện dã sử lan tỏa nhanh chóng trên các trang mạng.

 

Lần đầu tiên ở Việt Nam, bằng mô hình crowdfunding, dự án xuất bản bộ truyện tranh thuần Việt đã đi đến hồi kết đầy lạc quan.

 
Tác giả kịch bản Khánh Dương (trái) và họa sĩ trẻ Thành Phong
Tác giả kịch bản Khánh Dương (trái) và họa sĩ trẻ Thành Phong
 

Chia sẻ về thành công này, tác giả Khánh Dương cho hay: “Đông đảo độc giả 10 năm trước giờ gặp lại Long Thần Tướng như gặp lại người bạn cũ, vì thế họ không ngại ngần rút ví. Hơn nữa, uy tín của họa sĩ Thành Phong đã được chứng minh nhiều năm qua. Đặc biệt là sự chỉn chu của đội ngũ sản xuất ngay từ việc dựng website crowdfunding. Mình làm nghiêm túc từ đầu, độc giả sẽ hiểu sản phẩm họ nhận được có sự đầu tư”.

 

Can đảm chọn bài toán kinh tế còn khá mới mẻ đối với Việt Nam cho ước mơ làm một bộ truyện tranh gốc Việt thể hiện lòng yêu nước một cách nghiêm túc, nhóm tác giả trẻ đã minh chứng cho tuyên ngôn của chính họ về truyện tranh Việt: “Đâu chỉ là ước mơ mà thôi”.

 

 “Vẽ truyện chỉ tốn giấy và chì, sao cần lắm tiền thế!?”

 

Trên thế giới, với sự xuất hiện của các website như KickStarter hay IndieGoGo, nhiều truyện tranh đã được xuất bản từ nguồn ủng hộ của cộng đồng. Crowdfunding vốn là xu hướng phổ biến, nhất là ở các nước phát triển nhưng lại khá mới mẻ đối với Việt Nam. Không chỉ nhận được thành quả sáng tạo, độc giả sẽ được nhận quà cũng như những sản phẩm lưu niệm “độc quyền” tùy vào mức đóng góp của mình cho dự án. 

 

Quyết định “chạy” dự án bằng mô hình này, nhóm tác giả trẻ đã gặp không ít khó khăn, đầu tiên phải kể đến niềm tin của công chúng,

 
Ngày 26/5/2014, dự án Long Thần Tướng chính thức cán mốc 300 triệu đồng.

Ngày 26/5/2014, dự án Long Thần Tướng chính thức cán mốc 300 triệu đồng.
 

“Nhiều độc giả chưa hiểu về hình thức gây quỹ cộng đồng nên không ít ý kiến cho rằng, kêu gọi góp vốn chẳng khác gì “ngửa tay xin tiền”. Các ông cứ làm đi, tốt sẽ có người mua”, “Vẽ truyện chỉ tốn giấy và chì, sao cần lắm tiền thế!?”… Đó là những ý kiến “áp đảo” trong luồng phản hồi của rất nhiều người về con số 300 triệu cho sự trở lại của tập 1”, tác giả Khánh Dương tâm sự.

 

Ngoài tâm lí hoài nghi, e dè của công chúng về độ minh bạch tài chính, ekip sản xuất còn gặp khó khăn về phương tiện thanh toán.

 

“Ở Việt Nam chưa có một công cụ thực sự phổ biến để thanh toán trực tuyến. Việc xây dựng hệ thống thanh toán cho website crowdfunding trở nên phức tạp hơn khi phải thông qua nhiều công cụ khác nhau. Trong khi trên thế giới, kênh thanh toán trung gian như Paypal phổ biến và tiện lợi hơn rất nhiều”, họa sĩ Thành Phong cho biết.

 

Anh cũng khẳng định, việc chọn hình thức góp vốn cộng đồng là cách tốt nhất hiện nay để các nghệ sĩ độc lập có thể đưa “đứa con tinh thần” của mình đến với độc giả. Crowdfunding giúp người sáng tạo không phụ thuộc kinh tế, từ đó không bị ràng buộc hướng đi của tác phẩm theo “quỹ đạo” của NXB.

 

Hơn nữa, “Crowdfunding là cách kéo gần khoảng cách giữa những người sáng tạo và công chúng của họ, cho phép công chúng được tham gia quá trình xây dựng một dự án từ những viên gạch đầu tiên”, Thành Phong bày tỏ.

 

Họa sĩ trẻ cho biết, bài học lớn khi áp dụng mô hình crowdfunding vào thị trường Việt Nam là thuyết phục công chúng.

 

“Có rất nhiều lý do khiến mọi người ủng hộ hoặc không. Với dự án lần này, ngoài đổi mới về nét vẽ và cốt truyện, chúng tôi nỗ lực hết sức trong việc chuyên nghiệp hóa các khâu tổ chức dự án. Đặc biệt là minh bạch thông tin về việc sử dụng vốn (in ấn và vận chuyển, nhân sự, truyền thông và marketing, phụ kiện…), cập nhật liên tục tiến trình phát triển của dự án... Có lẽ, những nỗ lực đó đã đem lại sự tin tưởng của các bạn”.

 

Và khi đã có niềm tin của công chúng, điều cần nhất ở những người làm nghệ thuật nghiêm túc chính là sự “khó tính” với chính mình để cho ra “đứa con tinh thần” chất lượng, thỏa mãn được lòng yêu quý, sự ủng hộ của những người đã làm nên một phần dự án.

      

 

Thùy Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm