Gặp ông chủ trẻ làng dừa thích làm từ thiện

(Dân trí) - Đưa thương hiệu làng dừa Cẩm Thanh vươn xa, trở thành điểm đến lí tưởng của du khách là niềm khát khao của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tấn Liên (tên thường gọi là Tuấn Liên) ở xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam.

Dám nghĩ, dám làm

Từ một ông chủ tiệm hớt tóc nổi tiếng ở Hội An với thương hiệu Tuấn Liên, anh đã có một bước đi táo bạo khi quyết định đầu tư làm du lịch cộng đồng tại làng dừa Cẩm Thanh, quê hương anh.

Anh Nguyễn Tấn Liên
Anh Nguyễn Tấn Liên

Ban đầu triển khai, ai cũng bảo anh “khùng”, nơi “khỉ ho cò gáy” đó (một nơi xa đất liền, dân chưa biết làm du lịch-PV) ai mà làm du lịch được. Nghe vậy anh chỉ cười mà bảo: “Thật tình tôi “khùng” thiệt, nhưng tôi “khùng” cũng có lý của tôi, nhất định Cẩm Thanh phải trở thành điểm du lịch cộng đồng lý tưởng của du khách”.

Với số vốn sẵn có từ trước, cộng với vay vốn ngân hàng, anh quyết định thực hiện ý định táo bạo của mình. Nhưng đến cuối năm 2012 khu du lịch anh xây dựng trở nên tan hoang bởi bão lớn, toàn bộ đều đổ sập. Không nản lòng, anh quyết định làm lại từ đầu, thay cột xi măng bằng cột dương liễu, bắt đầu ý định hoàn toàn lại từ con số không.

Vừa hớt tóc, vừa làm du lịch, theo anh đó là cách để lấy ngắn nuôi dài, duy trì khát khao cháy bỏng từ lâu.

Du khách hào hứng với chèo thuyền bằng thúng, chém nước ở khu du lịch của anh Liên
Du khách hào hứng với chèo thuyền bằng thúng, chém nước ở khu du lịch của anh Liên

Anh cho biết: “Trước đây cũng có nhiều người làm du lịch tại đây, nhưng chủ yếu họ làm cho khách nước ngoài. Trong khi đó, thị trường khách nội địa nhiều như vậy, cơ hội quảng bá cao nhưng chưa ai khai thác.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương với dịch vụ thuyền thúng. Từ xưa đến nay, họ chỉ biết bám biển, lênh đênh cùng ngọn sóng, phụ nữ ở nhà cũng chẳng biết làm gì ngoài đan lưới.

Từ khi đưa mô hình du lịch cộng đồng này vào triển khai khá hiệu quả, ngoài đi biển người dân còn có thể về chèo thuyền thúng tăng thu nhập, phụ nữ cũng có công việc phụ thêm với chồng nuôi con cái ăn học”.

Đây cũng là cách để mở đường cho người dân thoát li bớt nghèo khổ, khai thác nguồn du lịch tự nhiên sẵn có, thân thiện với môi trường.

Trước đây, du khách đến với Hội An người ta chỉ biết tham quan phố cổ vào ban đêm, còn ban ngày người ta chẳng biết phải đi đâu để chơi. Trong khi đó, Cẩm Thanh lại có hệ sinh thái dừa nước đa dạng, hấp dẫn có thể làm du lịch ban ngày, tại sao không tận dụng.

Anh Liên cho biết, làm kinh doanh du lịch đã giúp anh có chút điều kiện làm từ thiện
Anh Liên cho biết, làm kinh doanh du lịch đã giúp anh có chút điều kiện làm từ thiện

Thế là khu du lịch khám phá rừng dừa Bảy Mẫu mang thương hiệu Tuấn Liên ra đời. Tạo cơ hội cho du khách có nơi để tham quan, khám phá, trải nghiệm các dịch vụ du lịch hấp dẫn chỉ riêng có tại Cẩm Thanh như câu cua, chèo thuyền, biểu diễn thuyền thúng, chém nước, được người dân dạy cách tết lá dừa, nghe kể về sự tích hào hùng của nơi đây, trải nghiệm các trò chơi dân gian hấp dẫn giúp du khách quên đi sự mệt nhọc, thư giãn, trải nghiệm, khám phá du lịch cộng đồng.

Theo anh, làm du lịch phải gắn kết với cộng đồng, dựa vào cộng đồng mà phát triển. Làm du lịch khám phá cộng đồng cũng đều nhờ vào sự giúp đỡ của nhiều người, nhất là người dân Cẩm Thanh. Anh yêu họ và cảm ơn những giúp đỡ của họ cho tôi trong suốt thời gian qua.

Hiện tại, du lịch Cẩm Thanh làm được quanh năm, bên cạnh đó còn là bàn đỡ cho Cù Lao Chàm lúc biển động. Mùa hè thì khách nội địa, mùa đông chủ yếu khách nước ngoài, còn khi Cù Lao Chàm biển động khách lại vào Cẩm Thanh vui chơi, thu hút thêm khách du lịch đến với Hội An.

Khu du lịch sinh thái khám phá làng dừa Cẩm Thanh của anh Liên
Khu du lịch sinh thái khám phá làng dừa Cẩm Thanh của anh Liên

Hiện nay, nhân viên hớt tóc của anh cộng với khu du lịch có tổng cộng 30 người, 180 người dân Cẩm Thanh làm việc thời vụ cho như sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn lúc rảnh rỗi cũng thường đến đây làm việc.

Thuyền thúng chở khách được chia phiên theo vòng tròn, khi chưa đến lượt họ có thể đến nơi khác chèo rồi sau đó đến lượt thì lại về đây.

Không quên chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn

Làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn với anh là việc làm thường xuyên, luôn phải duy trì, đó cũng chính là một trong những lý do cho sự ra đời khu du lịch Tuấn Liên.

Anh tham gia hội từ thiện Ong Vàng (TP Hội An) đến nay đã được 4 năm. Trước kia anh thường theo một nhóm đam mê phượt ở Đà Nẵng đến các huyện miền núi xa xôi để cắt tóc miễn phí, hoặc quyên góp quần áo ấm tặng các em.

Anh chia sẻ: “Nhờ người dân Cẩm Thanh, bạn bè, gia đình giúp đỡ, ủng hộ tôi mới có ngày hôm nay, tôi giúp đỡ lại người khác là chuyện đương nhiên, chẳng có gì đáng nói. Với lại sức tôi có hạn, tôi phải gắn kết với nhiều nhà hảo tâm khác mới làm nên, đó chẳng phải công sức của riêng ai mà là của chung mọi người”.

Việc từ thiện của anh và mọi người ngoài quyên góp của bản thân còn kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ, rồi nhờ sinh viên giúp sức thêm bằng cách góp quà, dạy học, góp công, xây dựng lớp học cho trẻ em miền núi…

Bên cạnh đó, những hoàn cảnh khó khăn, cần sự trợ giúp ở chính quê nhà Cẩm Thanh cũng được anh nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ.

Ở tiệm tóc của anh cũng có một thùng tiết kiệm của chính anh, khi nào có tiền thì bỏ vào đó rồi tổng kết đóng góp làm từ thiện. Nhiều khách đến hớt tóc, thấy hay cũng đóng góp thêm vào.

Được sự ủng hộ từ gia đình, vợ con chính là niềm động lực lớn nhất cho anh Tuấn Liên trong công việc cũng như trong công tác xã hội.

N.Linh-C.Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm