Gặp ông chủ 8X của những tàu cá “khủng” miền Trung

(Dân trí) - Ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung, cái tên Lê Văn Sang không xa lạ với những ai làm nghề cá. Anh là ngư dân Đà Nẵng đầu tiên đầu tư đóng tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung, và anh cũng là người đầu tiên đóng tàu cá bằng vỏ thép...

Những ngày này, ngư dân Lê Văn Sang tất bật chuẩn bị cho mấy chiếc tàu của mình ra khơi sau kỳ nghỉ Tết. Gặp anh ở cảng cá Thọ Quang, nơi neo đậu chiếc tàu hậu cần nghề cá được xem là lớn nhất miền Trung ĐNa 90444TS. Chỉ con tàu Sang bảo: “Em đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm. Vài ngày nữa đi chuyến đầu tiên”.

Lê Văn Sang trên tàu hậu cần nghề cá ĐNa 90444TS lúc hạ thủy
Lê Văn Sang trên tàu hậu cần nghề cá ĐNa 90444TS lúc hạ thủy

Những ai mới nghe cái tên Lê Văn Sang, chủ tàu hậu cần nghề cá lớn nhất khu vực miền Trung tưởng đâu là một ông ngư dân vạm vỡ, nước da đen đặc thù của dân nghề biển hay ăn to nói lớn như những ngọn sóng ngoài khơi xa. Nhưng trái ngược hoàn toàn, Sang thuộc lứa “8X” (Lê Văn Sang SN 1985), người nhỏ con, giọng nói cũng nhẹ nhàng và ra dáng thư sinh hơn là một ngư dân chính hiệu.

Tôi đã gặp Sang nhiều lần, mãi đến năm 2012 khi Sang hạ thủy chiếc tàu hậu cần nghề cá TS 90444 TS mới có chút ấn tượng về chàng ngư dân này. Hôm đó là ngày 31/5/2012, khi hỏi Sang về số liệu tàu cá ĐNa 90444TS trước khi hạ thủy tàu thì Sang cũng chỉ nói “khiêm tốn” về con tàu này. Bởi sau này Sang có tâm sự rằng lỡ nói quá về con tàu mà không thành công thì mang tiếng, còn “khiêm tốn” một chút nhưng công việc thành công thì cũng không sao.

Tàu hậu cần này có chiều dài 26m, rộng 6m, khoang chứa với tổng thể tích 120m³, công suất 1.160CV, tốc độ 10-12 hải lý/giờ, có thể chứa 5.000-7.000 lít dầu, 1.200-1.500 cây đá, 20 tấn lương thực, nước uống... và có thể hoạt động trong điều kiện gió bão cấp 7-8. Chi phí đóng tàu hơn 3 tỷ đồng. Một tuần sau ngày hạ thủy, tàu ĐNa 90444TS hùng dũng vươn khơi tiến ra ngư trường Hoàng Sa tham gia chuyến đi biển đầu tiên.

Tàu vỏ thép Sang Fish 01 đầu tiên của ngư dân Lê Văn Sang neo đậu trên sông Hàn giữa năm 2014
Tàu vỏ thép Sang Fish 01 đầu tiên của ngư dân Lê Văn Sang neo đậu trên sông Hàn giữa năm 2014

Ngày đó, sau khi hạ thủy thành công tàu ĐNa 90444 TS thì Sang mới thở phào nhưng “nhẹ nhõm” chỉ một phần vì tiền vay tiền mượn cả tỉ đồng đổ vào mà làm ăn không ra gì thì lấy đâu mà trả. Cũng may lúc đó Sang là người tiên phong ở Đà Nẵng trong lĩnh vực hậu cần nghề cá nên có chiếc tàu lớn, Sang ra đến tận ngư trường mua cá rồi bán lại nhiên liệu, nước đá, thực phẩm để ngư dân tiếp tục bám biển.

Sang cho biết, mỗi năm tàu ĐNa 90444TS thực hiện hơn 50 chuyến biển, vận chuyển hàng chục nghìn lít xăng dầu, hàng nghìn tấn nước, hàng chục nghìn cây đá, hàng chục tấn lương thực ra khơi cung cấp cho ngư dân, đồng thời chở về đất liền hơn một nghìn tấn hải sản các loại. 

Từ Đà Nẵng, tàu ĐNa 90444TS chạy ra chạy vào vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa như con thoi. Nhờ thế mà Sang cho biết gần hai năm sau đã trả xong nợ vay đóng tàu. Tuy có thể yên tâm “hái lộc” với con tàu hậu cần ĐNa 90444TS nhưng Sang lại không nghĩ thế. Sang tâm sự: “Mình muốn làm nhiều hơn chứ không dừng lại vì ngư dân cần”.

Đầu năm 2014, Sang bàn với anh rể đóng tàu bằng vỏ thép hành nghề khai thác và kiêm thêm hậu cần. Giữa năm 2014, tàu cá bằng vỏ thép mang tên Sang Fish 01 đã được đóng xong ở Cam Ranh (Khánh Hòa) và chạy về neo đậu trên sông Hàn (Đà Nẵng).

Sang cho biết tàu sắt này có công suất 750CV có trang thiết bị hiện đại, dài 26m, rộng 7,5m, tải trọng 182 tấn, với 25 thuyền viên, trị giá con tàu 12 tỉ đồng. Sang cho hay mình phải vay 1,5 tỉ đồng để góp với anh rể đóng con tàu này.

Lê Văn Sang bên cạnh con tàu ĐNa 90444TS đang đậu ở cảng cá Thọ Quang chuẩn bị xuất bến
Lê Văn Sang bên cạnh con tàu ĐNa 90444TS đang đậu ở cảng cá Thọ Quang chuẩn bị xuất bến

Hỏi Sang có dự định gì tiếp theo trong năm nay, Sang bảo: “Em dự định hùn vốn đóng tiếp tàu Sang Fish 02 trị giá 16 tỉ đồng”. Sang cho rằng để đủ tiền đóng mới tàu thì rất khó nên sau khi trả nợ trước vừa dứt là vay tiếp để đóng tàu mới. “Cứ trả xong nợ hay tiền lời làm ra là em tiếp tục vay tiền đóng tàu mới hoặc nâng cấp máy móc, ngư lưới cụ”.

Ngoài đoàn tàu 3 chiếc trong gia đình, Sang còn có đội xe tải đông lạnh 3 chiếc chở hàng đi khắp các tỉnh miền Trung. Cứ mỗi lần tàu vào cảng là cá đưa lên xe chở ra Huế, vào Quảng Ngãi hay Bình Định bán cá. Nhờ có phương tiện nên tiền lời cũng khá hơn.

Sang tâm sự: “Ước mơ là xúc tiến thành lập Hợp tác xã (HTX) hậu cần nghề cá vùng khơi để giải quyết bài toán về vốn và nhân lực, đồng thời giúp các chủ tàu cá có thể yên tâm bám biển dài ngày, vừa đánh bắt vừa bảo vệ vùng biển của mình. Đây cũng là chủ trương hiện đại hóa nghề cá của Nhà nước”.

Sang cho rằng những ngư dân làm hậu cần nghề cá như mình phải kết hợp với nhau để phát triển thành HTX. Từ đó sẽ mua bảo hiểm cho người lao động và liên kết trong việc vay vốn, huy động nguồn lực trong xã hội. Hiện đã có một số chủ tàu đồng ý tham gia HTX. Dự kiến HTX sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.

Lê Văn Sang được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Đây là những người trẻ xuất sắc trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất kinh doanh, quốc phòng, an ninh trật tự, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…

Năm nay, có tất cả 141 hồ sơ đăng ký tham dự vòng sơ khảo của giải thưởng. Ngày 4/3/2015 tại Hà Nội, Ban tổ chức đã xét chọn 20 gương mặt trẻ xuất sắc trong số hơn 140 hồ sơ tham gia vòng sơ khảo. Đây cũng là những cá nhân có nhiều đóng góp, nỗ lực cho xã hội, đất nước gồm 10 người được chọn là tiêu biểu và 10 người còn lại là giải triển vọng.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm