Gặp nữ tác giả 9X của bộ tranh truyện đang được yêu thích
(Dân trí) - Mặc dù chưa mang được một phong cách riêng biệt nhưng nét vẽ mềm mại, dễ thương cùng lối kể chuyện hài hước của Nguyễn Tố Uyên (1994) đã khiến cho các bạn trẻ rất yêu thích, đặc biệt là bộ tranh “4 người con gái” gần đây.
Hướng tới vẽ những thứ gần gũi
Sức hút và độ “nổi tiếng” của bộ tranh “Bốn người con gái bất kỳ đàn ông nào cũng hẹn hò” này là một sự bất ngờ đối với tác giả Tố Uyên (Wazza Pink): “Khi vẽ ra, em cũng không ngờ truyện được đón nhận nhiệt tình tới vậy vì đến câu chuyện thứ 3 vẫn ít người biết.
Cho đến bộ thứ cuối thì Facebook của em bỗng dưng “nổ tung” khi mọi người liên tục gửi lời khen và chia sẻ (share), và cho biết họ đã nhận ra có bản thân trong đó hoặc thấy đúng vì chứng kiến từ cuộc sống xung quanh, kể cả chưa trải qua hôn nhân”.
Không chỉ ở câu chuyện này, trước đây Uyên vẫn hướng tới vẽ những chủ đề gần gũi trong cuộc sống như: “Vài dòng tâm sự về tuổi thơ tôi” hay "Đàn ông và trò vợ chồng"…
“Vì em thấy, ngoài vấn đề liên quan đến độc giả, với bản thân, điều đó còn khiến em yêu đời hơn nữa. Vẽ những chủ đề như về bố mẹ, về tình yêu hay những thứ bình dị xung quanh, khiến em nhận ra bản thân rất giàu có về mặt tinh thần”, Uyên bày tỏ.
Dành trọn tình yêu cho vẽ
Yêu thích vẽ từ bé, nhưng Uyên đến với lớp học bài bản bộ môn này rất muộn. Tháng 9/2012, Uyên mới đăng ký lớp học vẽ truyện tranh nơi đang làm hiện tại. Ngày còn nhỏ, Uyên đã thường xuyên vẽ, thậm chí, thấy con gái vẽ đẹp, bố mẹ còn hãnh diện mang tranh đi…khoe với hàng xóm.
Tuy nhiên, vào năm lớp 11, khi Uyên muốn đi học lớp vẽ để theo con đường hội họa chuyên nghiệp thì vấp phải sự phản đối gay gắt của hai người: “Phần lớn những người lớn tuổi đều có suy nghĩ sự nghiệp mỹ thuật không lâu bền, thu nhập thấp và cũng khá nghèo nàn về công việc. Bố mẹ em cũng không ngoại lệ”.
Cho đến sau này, khi đã thi đỗ vào trường đại học theo ý của bố mẹ, Uyên mới thể hiện cho người thân của mình hiểu: Giờ đây người ta ứng dụng mĩ thuật vào mọi lĩnh vực trong đời sống, ngành nghề theo đuổi cũng rất đa dạng.
Và có lẽ chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” cũng là một bí quyết mà Uyên đã áp dụng thành công với gia đình mình. Cô bạn đã nhắc đi, nhắc lại nhiều lần để tác động và thay đổi nhận thức cùng với quyết định của bố mẹ trong việc ủng hộ bản thân được theo đuổi niềm đam mê hội họa.
Khi hỏi về quyết định và hướng đi sau này, Uyên đã rất chắc chắn khi nói rằng: “Em sẽ theo đuổi con đường này tới cùng”. Ban đầu Uyên đã có ý định thôi học ở trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội để tập trung theo đuổi đam mê vẽ nhưng cuối cùng chỉ bảo lưu một năm với suy nghĩ: “Ngoại ngữ cũng rất cần thiết trong cuộc sống cũng như công việc”.
Một số tấm hình Tố Uyên từng thực hiện.
Hiện tại Uyên đang là người vẽ minh họa chính đồng thời tham gia thực hiện vài dự án trong một công ty truyện tranh tại Hà Nội. Bên cạnh đó, Uyên còn thực hiện những dự án khác cho đối tác nước ngoài. Các dự án ấy hầu hết thuộc kiểu đặt hàng tự do và nhỏ lẻ trên nhiều lĩnh vực như game, minh họa hay thiết kế…
Một số bìa sách do Uyên thiết kế: John đi tìm Hùng, Xu Xu đừng khóc, Người lớn cô đơn… Ngoài quyển đầu tiên là vẽ theo yêu cầu của công ty, những quyển còn lại Uyên đều được đặt hàng trực tiếp bởi tác giả, quản lý đầu truyện của nhà phát hành sách.
Mặc dù chỉ mới bắt đầu học và hành nghề được thời gian rất ngắn, đã đạt được một số thành quả được không ít bạn trẻ ngưỡng mộ nhưng Uyên chỉ khiêm tốn chia sẻ rằng: “Về cơ bản, trong hơn một năm vừa học, vừa làm, phần lớn những dự án em hoàn thành thuộc dạng tích lũy nên mới chỉ dừng lại ở tranh đơn, bìa sách và những truyện minh họa ngắn”.
Cũng tự nhìn nhận được phong cách vẽ của bản thân còn chung chung và bị ảnh hưởng nhiều bởi Thái Mỹ Phương – họa sĩ minh họa nổi tiếng hiện nay nhưng Uyên cũng đang cố gắng thay đổi theo chiều hướng khác, tìm ra con đường riêng của mình.
“Em thực sự đến với vẽ khá muộn nên việc hình thành phong cách còn phải mất một thời gian nữa mới thực hiện được. Bởi nó đòi hỏi một trình độ hình họa nhất định.
Hoàng Dung