Gặp gỡ “thầy” 8X đam mê dạy hát quan họ

(Dân trí) - Cứ hai tuần một lần, Hữu Duy lại bắt xe buýt từ Bắc Ninh lên Hà Nội để đến với lớp học đặc biệt của mình, nơi các bạn trẻ đang đợi anh mang cho họ một làn điệu quan họ mới.

Chàng trai ấy là Nguyễn Hữu Duy, sinh năm 1986, một nghệ sĩ quan họ còn rất trẻ, và lớp học đặc biệt của anh chính là CLB quan họ do các bạn sinh viên trong Hội đồng hương sinh viên Kinh Bắc tổ chức.

 

Chàng trai trẻ với tình yêu quan họ

 

Không sinh ra trong một làng quan họ, gia đình cũng không có ai theo nghiệp ca hát, nhưng ngay từ nhỏ, chàng trai Nguyễn Hữu Duy đã cảm thấy yêu thích các làm điệu dân ca, đặc biệt là những câu ca quan họ trữ tình. Duy thổ lộ: “Mình hay nghe quan họ qua đài phát thanh và băng cát sét. Từ hồi học cấp 2 mình đã mơ ước sau này có thể trở thành liền anh rồi”.

 
Gặp gỡ “thầy” 8X đam mê dạy hát quan họ  - 1
Hữu Duy: "Quan họ thấm vào máu rồi học hát sẽ hay hơn"
 

Theo đuổi niềm đam mê đó, học hết THPT, Duy đã quyết định thi và đỗ vào lớp Diễn viên Quan họ khoá 6 của trường VHNT Bắc Ninh. Không chỉ học hát quan họ ở trường với sự giúp đỡ của các thầy cô, Duy còn đi về các làng quê tìm tòi, học hỏi về lối “chơi” quan họ từ các nghệ nhân. Chẳng vậy mà Duy hát rất hay và truyền cảm những làn điệu quan họ lời cổ.

 

Để thử sức mình, Duy cũng hay tham gia các cuộc thi hát quan họ và không ít lần giành được các giải thưởng cao, đặc biệt là Huy chương vàng của Liên hoan dân ca tỉnh Bắc Ninh năm 2010.

 

Yêu câu hát của quê hương mình, Duy luôn mong muốn có thể đem những gì mình học được truyền đạt lại cho những người có cùng đam mê. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp, không chỉ tham gia sinh hoạt trong Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, Duy còn dạy hát quan họ cho các bạn trẻ trong địa phương mình.

 

Và lớp học đặc biệt với các bạn trong CLB quan họ sinh viên Kinh Bắc tại đại học Bách Khoa ấy với Duy chính là cái “duyên” của những người cùng chí hướng.

 

Lớp học của những người cùng đam mê

 

Năm 2008, Duy đưa em lên Hà Nội thi ĐH, trong lúc lên mạng nghe dân ca, Duy tình cờ phát hiện ra một trang web về quan họ Bắc Ninh, trò chuyện cùng một bạn thành viên của trang web Duy mới biết cũng vì yêu mến quan họ mà các bạn ấy đã tự lập ra một câu lạc bộ, nhưng đã được một năm mà vẫn chưa có thầy dạy.

 

Nghe bạn thành viên đó chia sẻ, Duy hứa sẽ tới và giúp đỡ các bạn. Duy tâm sự: “Các bạn là SV, học hành xa nhà vất vả đủ điều mà có thể tổ chức được một CLB quan họ, gìn giữ truyền thống quê hương mình như vậy thật là đáng quý, mình thấy thực sự xúc động”.

 
Gặp gỡ “thầy” 8X đam mê dạy hát quan họ  - 2

Hữu Duy và các thành viên trong CLB quan họ SV.
 

Duy kể về những buổi học đầu tiên của “thầy” và “trò” tại nhà ăn A1-5 Bách Khoa: “Các bạn không phải ai cũng có giọng và cũng có thể hát quan họ nên mình phải hát mẫu cho các bạn rất nhiều lần, sửa cho từng người sao cho hát được tròn âm rõ tiếng, sao cho hát được “vang”, “rền”. “nền”, “nảy”.

 

Không chỉ hướng dẫn các bạn hoc hát, mỗi buổi học 2 tiếng, Duy luôn dành 15-30 phút đầu tiên để chia sẻ với các bạn về văn hóa “chơi” quan họ, buổi sau ôn lại kiến thức của buổi trước. Nói như Duy thì “khi quan họ thấm vào máu rồi học hát sẽ tốt hơn”.

 

Cái khó nhất của lớp học ấy chính là các bạn trong câu lạc bộ đều là sinh viên, chỉ có thể đến học được vào buổi tối. Mỗi buổi đi dạy các bạn là chiều hôm đó, anh phải bắt xe buýt từ Bắc Ninh lên Hà Nội. Ngày nắng ráo không sao, có những ngày mưa bất chợt, lên rồi mà lớp không có ai đến anh lại đành bắt xe về.

 

Lịch diễn bận rộn, thời gian với Duy cũng không phải là dư giả. Nhiều người còn bảo Duy “hâm hấp, chả được gì mà cứ đi đi lại lại thế” nhưng anh chỉ cười. Đối với anh, điều đó đơn giản là vì anh trân trọng và ủng hộ những gì mà các bạn sinh viên đã làm được.

 

Vất vả là vậy nhưng khi nói về lớp học của mình, chỉ thấy “người thầy giáo trẻ” cười hồ hởi: “Học với các bạn thì chỉ có niềm vui thôi chứ chẳng có kỉ niệm buồn. Sự nhiệt tình của các bạn khiến mình hăng say hơn, nhiều hôm ốm mà mình vẫn cố gắng đến lớp gặp và hát cùng các bạn”.

 

Nói về “thầy Duy”, bạn Thành Biên, chủ nhiệm CLB không khỏi cảm mến: “Dù không phải là người thành lập nhưng anh Duy chính là người khiến cho CLB hoạt động được tốt như ngày hôm nay. Từ khi có anh Duy, câu lạc bộ mình như một lớp học thật sự, nhiều bạn đến tham gia hơn, mọi người đều tích cực, nghiêm túc”.

 

Biên cũng nói thêm: “Bây giờ chúng mình có thể tổ chức những chương trình lớn hơn chứ không chỉ còn là hát suông, giao lưu giữa các thành viên như trước nữa”.

 

Không một đồng kinh phí, không có khen thưởng cho cả “thầy” lẫn “trò”, trên hết chỉ có sự động viên, khích lệ lẫn nhau của những con người đam mê quan họ, yêu mến câu ca của quê hương mình.

 

Đỗ Chiêm