Gặp cô học trò “vào vai” con một gia đình công nhân…

(Dân trí) - Với hành văn mạch lạc, khúc chiết, bức thư của Nguyễn Đắc Xuân Thảo, học sinh lớp 7/10, trường THCS Nguyễn Huệ, TP.Đà Nẵng đã vượt qua hàng vạn bức thư khác của cả nước, giành giải nhất Cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 38.


Gặp cô học trò “vào vai” con một gia đình công nhân… - 1

Xuân Thảo ôn bài trước khi vào giờ học chính

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm nay có chủ đề là “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói vì sao điều kiện lao động thuận lợi có thể mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

 

Bức thư được Thảo viết cho chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bằng giọng văn đầy cảm xúc, trình bày sạch đẹp với lối hành văn mạch lạc, lời lẽ khúc chiết, trân trọng và thiết tha kể về chuyện của gia đình mình và những thắc mắc boăn khăn của một cô bé “ăn chưa no, lo chưa tới”.

 

Cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 38 có 39 giải thưởng cá nhân trong đó 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 30 giải Khuyến khích. Năm nay Đà Nẵng có 12 học sinh đoạt giải. Giải Nhất thuộc về em Nguyễn Đắc Xuân Thảo học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn Huệ, Hải Châu, Đà Nẵng.

Trong bức thư, Thảo “vào vai” con một gia đình có bố là công nhân, mẹ là một chủ tiệm làm đầu nho nhỏ tại nhà. “Nhìn lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì sẽ thấy mình còn sung sướng, hạnh phúc hơn nhiều người”. Nhưng rồi tai họa ập đến với gia đình em khi bố bị tai nạn lao động, không thể đi lại được, phải ngồi trên xe lăn; cuộc sống của gia đình Thảo bị xáo trộn, mọi gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ.

 

Trong suy nghĩ non nớt của Thảo, nguyên nhân dẫn đến tai nạn cho bố là do số phận đưa đẩy. Nhưng chính lần đẩy xe đưa bố ra thăm lại công trường nơi bố từng làm việc. Thảo đã choáng váng không tin vào mắt mình nữa. “Cái quang cảnh của xưởng làm cháu bất ngờ, hụt hẫng. Một cơ sở sản xuất với nhà xưởng được xây dựng khá tạm bợ, sức khỏe và tính mạng công nhân có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Những chiếc giá để thành phẩm được gá trên bức tường không hề chắc chắn chút nào. Điều kiện ánh sáng không đầy đủ, vệ sinh không thực sự đạt yêu cầu. Nhiều công nhân không được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động”.

 

Cô bé mới chợt hiểu ra, vì sao “điều kiện lao động thuận lợi có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn” và nhất thiết phải quan tâm đến an toàn trong lao động. “Và, cháu cũng tự hỏi rằng với điều kiện lao động như thế, nếu bố cháu và những người bạn đồng nghiệp của bố cháu cứ tiếp tục làm việc ở đây thì liệu họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn không? Cháu còn băn khoăn với câu hỏi liệu những tai nạn đã từng xảy ra với bố cháu và một số chú bác khác (mà cháu vô tình được biết thêm qua câu chuyện giữa bố cháu và bạn bè đang làm trong xưởng) đã có thể dừng lại chưa? Còn tai nạn nào sẽ xảy ra nữa? Còn gia đình nào sẽ mất chỗ dựa?”.
 
Gặp cô học trò “vào vai” con một gia đình công nhân… - 2

Thảo là một học sinh giỏi trong nhiều năm liền, học đều các môn trong đó khá nhất là môn văn

 

Đọc bức thư của Thảo, người đọc không khỏi ngạc nhiên bởi hành văn khúc chiết, thiết tha của một cô bé mới học lớp 7. Thảo là con thứ hai trong một gia đình có hai anh em. Mẹ Thảo bán ở căng tin một trường tiểu học, bố Thảo làm phụ hồ. Mỗi lần bố đi làm về, nhìn bố vất vả, đó cũng là “nguồn” cảm hứng để Thảo có ý tưởng viết bức thư này. Bức thư cũng là lời cầu nguyện sao cho những tai nạn do điều kiện lao động không an toàn không còn xảy ra nữa. “Cháu rất mong muốn và tin rằng bác cùng các bác lãnh đạo khác sẽ có những chủ trương, những hướng giải quyết thích hợp để giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn lao động và giúp biến ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp của người lao động thành hiện thực”.

 

Thảo là một học sinh giỏi trong nhiều năm liền, học đều các môn trong đó khá nhất là môn văn. Năm lớp 6, Thảo đạt giải 3 môn văn của trường. Phương pháp học của Thảo để học giỏi môn văn là luôn soạn bài đầy đủ và chăm viết bài. Ngoài ra, em thường đến nhà bạn để học nhóm, chỗ nào chưa hiểu thì hỏi thầy cô, bạn bè.

 

Để có bức thư hay, trọn vẹn, vượt qua hàng vạn bức thư của cả nước để giành giải nhất, các thầy cô ở trường THCS Nguyễn Huệ đã dành nhiều tâm huyết hướng dẫn cho Thảo, dù tất cả đó là ý tưởng của Thảo.

 

Bức thư của Thảo sẽ được Ban tổ chức gửi nguyên văn bản kèm theo bản dịch bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để tham dự quốc tế.

 

Khánh Hồng