Gặp cô gái lọt top 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc thế giới

(Dân trí) - Với nỗ lực bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà , cô gái Lê Thị Trang (sinh 1986, Đà Nẵng) đã lọt top 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc thế giới của Future For Nature Award 2015 (Giải bình chọn bảo tồn cho tương lai).

Thích động vật từ nhỏ

Trang kể, từ nhỏ em đã rất yêu thích động vật nhưng tốt nghiệp cấp 3 rồi không biết làm gì để có liên quan đến động vật. Rồi Trang cũng quyết định chọn thi vào ngành môi trường của ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong quá trình học Trang thấy chẳng có gì liên quan đến động vật cả.

Để có thể tiếp xúc được với động vật, trong thời gian đi học, Trang tích cực tham gia các câu lạc bộ bảo vệ môi trường và làm cộng tác viên tình nguyện cho Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV).

Sau khi Trang tốt nghiệp ra trường cũng là lúc ENV mở văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và mời Trang về làm trưởng đại diện. Công việc của Trang là tìm ra các đường dây mua bán động vật hoang dã ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

“Lúc đó em còn trẻ nên rất nhiệt huyết và rất thích thú với công việc của mình. Tuy nhiên, cái khó khăn của tụi em lúc đó là không có thiết bị chuyên dụng”, Trang chia sẻ.

Trang đang giới thiệu về loài voọc chà vá chân nâu

Trang đang giới thiệu về loài voọc chà vá chân nâu

Rồi trong một lần lên bán đảo Sơn Trà, Trang gặp các bạn ở Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Vanh (GreenViệt). Thấy mọi người trong trung tâm sống với nhau rất tình cảm như một gia đình nên Trang rất muốn được là một thành viên của trung tâm.  Năm 2013, Trang chuyển qua làm cho GreenViệt phụ trách mảng truyền thông.

Những ngày đầu thành lập GreenViệt, khi chưa có bất kỳ dự án nào tài trợ, nhưng với sự nhiệt huyết của mình, Trang sẵn sàng về làm việc mà không cần nhận lương.

Trang đang làm việc

Trang đang làm việc

Mở đầu với chiến dịch bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà, 2 năm qua, hàng loạt các chương trình truyền thông và giáo dục hiệu quả đã được Trang cùng GreenViệt thực hiện.

Với chiến dịch bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà, Trang và GreenViệt tuyên truyền đến không chỉ những người dân trong thành phố các em học sinh tại các trường…mà còn cả du khách khi đến thành phố biển này.

Mong mọi người hãy cùng bảo vệ voọc chà vá chân nâu 

Trang bảo, em đến với giải Future For Nature Award 2015 cũng rất ngẫu nhiên. Trước đó em không hề biết gì về giải này. Tiến sĩ Chia Luen Tan (Vườn thú San Diego của Mỹ) – là đối tác của GreenViệt bảo với em rằng: “Tao thấy mày đủ điều kiện để tham gia giải này đó Trang” . Thế rồi cô ấy làm hồ sơ giúp em để gửi đi tham gia giải.

“Hồ sơ tham gia giải phải trình bày được mình đã làm bảo vệ voọc chà vá chân nâu được mấy năm rồi. Sự đam mê với khu vực mình gắn kết và cam kết của mình với khu vực này”, Trang cho biết.

Và tháng 11 vừa qua, Trang thật sự bất ngờ khi nhận được email của giải thông báo mình đã lọt vào top 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc thế giới năm 2015.

Trang đang làm việc

Và trong một lần đưa các bạn sinh viên đi tham quan và tìm hiểu về voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà
Chia sẻ niềm vui với Trang, anh Trần Hữu Vỹ - giám đốc GreenViệt cho biết: “Trước hết là mừng cho Trang nhưng đó cũng là niềm tự hào cho tổ chức. Trang được xếp vào top 10 nhà bảo tồn trẻ là rất xứng đáng bởi em đã có nhiều đóng góp cho trung tâm và trước đó là cho ENV.
Từ khi thông tin này được công bố,  nhiều người biết đến GreenViệt hơn, uy tín của trung tâm cũng được nâng lên. Đó cũng là cơ hội để khi các tổ chức khi đến Đà Nẵng làm dự án, họ sẽ nghĩ đến việc hợp tác với GreenViệt”.
Theo Trang, trong số 10 người này, giải sẽ tiếp tục chọn ra 3 nhà bảo tồn xuất sắc nhất để trao số tiền 50.000 euro cho mỗi cá nhân. Trong thư gửi cho Trang, ban tổ chức có hỏi Trang: “Nếu nhận được số tiền đó, bạn sẽ làm gì?”.

Trang cho biết sẽ dùng số tiền này  để tiến hành khảo sát quần thể vọoc chà vá chân nâu nhằm  đưa ra được số lượng chính xác các quần thể và số đàn chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà vì số liệu thống kê về loài này đã quá cũ và không còn hợp lý nữa. Xây dựng một kế hoạch hành động 10 năm nhằm bảo tồn voọc chà vá chân đỏ tại Sơn Trà, sẽ được phê duyệt và thực hiện bởi chính quyền thành phố Đà Nẵng. Mở rộng chương trình của GreenViệt hiện nay là giáo dục bảo tồn trên tất cả 19 trường tiểu học và trung học ở quận Sơn Trà và thành lập một câu lạc bộ bảo tồn sau giờ học tại mỗi trường với mục đích để thấm nhuần tình yêu thiên nhiên và động vật hoang dã. Và cuối cùng là tổ chức các tour du lịch quan sát hàng tuần miễn phí “I love Son Tra” cho công dân thành phố Đà Nẵng để giúp nâng cao nhận thức về voọc Chà vá chân nâu và bảo tồn đa dạng sinh học Sơn Trà.
Trang cùng những người bạn yêu động vật trong GreenViệt

Trang cùng những người bạn yêu động vật trong GreenViệt

Nói về kế hoạch bảo tồn voọc chà vá chân nâu lâu dài, Trang cho biết:  “Việc bảo vệ động vật hoang dã nói chung và voọc chà vá chân nâu nói riêng không chỉ của riêng ai. Vì thế, em mong muốn các bạn trẻ Đà Nẵng, người dân Đà Nẵng hãy cùng nhau cùng tay để vào vệ loài động vật này”.

Loài voọc chà vá chân nâu đang sống trên bán đảo Sơn Trà
Loài voọc chà vá chân nâu đang sống trên bán đảo Sơn Trà

Voọc chà vá chân nâu là loài linh trưởng đặc hữu của Phương Đông. Với bộ lông 5 màu đặc trưng nổi bật, loài này được mệnh danh là “nữ hoàng “ trong thế giới các loại linh trưởng. Bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng hiện là ngôi nhà của khoảng 300 cá thể. Thức ăn chủ yếu là lá và quả. Các loại thực vật: đa, chò, dẻ, trâm, trắng… thường được loài này sử dụng. Chúng sống theo bầy đàn gồm nhiều gia đình nhỏ. Mỗi gia đình có khoảng 5 -7  cá thể. Sách đỏ Việt Nam (2007) xếp loài này vào bậc nguy cấp (EN).

Theo nghị định số 32/2006/NĐ-CP về “quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm”, loài được xếp vào nhóm IB – nghiêm cấm khai thác và sử dụng. Tại bán đảo Sơn Trà, sự chia cắt và mất sinh cảnh sống cũng như một số hoạt động du lịch không thân thiện với môi trường đang gây ảnh hưởng đến đời sống của loài.

Khánh Hồng 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm