Gặp chủ nhân kênh podcast chuyên giải đáp "tất tần tật" hút gần 400.000 lượt theo dõi
(Dân trí) - Mỗi chúng ta đều từng là trẻ con, đều mong muốn khám phá thế giới bằng cách đặt câu hỏi vì sao. Đó là lí do khiến kênh podcast "Vì sao thế nhỉ" thu hút tới gần 400.000 lượt theo dõi trên TikTok.
Từ "thèm tiếng người" đến kênh podcast gần 400 nghìn lượt theo dõi
Xuất phát từ sự tò mò không ngừng về thế giới và luôn đặt ra câu hỏi "Vì sao", Đỗ Thùy Linh đã ấp ủ và quyết định thành lập kênh TikTok "Vì sao thế nhỉ" vào đầu năm 2022. Thùy Linh kể, thực ra cô bạn đã "thai nghén" và lên kịch bản cho những video đầu tiên từ cuối năm 2021.
Ban đầu, Thùy Linh chỉ dự định phát triển một kênh TikTok, để thỏa mãn khát khao được nói, được chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống bằng cái nhìn đa chiều dựa trên tư duy nguyên bản - First Principles Thinking.
Điểm đặc biệt của "Vì sao thế nhỉ" có lẽ là cách cô bạn sắp xếp các hình ảnh, khi đặt cạnh nhau, các tập sẽ tạo ra một thông điệp lớn.
Thời điểm ấp ủ dự định lập kênh là thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng nhất, xã hội ở trong trạng thái cách ly, cô gái sinh năm 1998 thừa nhận mình "thèm tiếng người" và muốn được giao tiếp, được đối thoại.
Linh chia sẻ: "Khi dịch bệnh xảy ra, mọi người ở nhà, mình thấy rằng mọi người thay đổi khá nhiều về nhận thức, thế giới quan, mình thấy nhiều người gặp vấn đề về tâm lý.
Nói thì có vẻ hơi to tát, nhưng khoảng thời gian này mình nhen nhóm ý định sẽ làm một điều gì đó, dù chưa biết nó có thể đi được đến đâu, nhưng dám bắt tay vào làm thì cũng đã là một sự thay đổi lớn trong cuộc sống rồi".
Khi chạy kênh TikTok được một thời gian và có kha khá clip viral trên nền tảng này, Thùy Linh nhận được rất nhiều gợi ý của người theo dõi kênh về việc thành lập một kênh podcast, sản xuất nội dung đa nền tảng.
Podcast "Vì sao thế nhỉ" đã được ra đời như thế.
Cô giáo dạy tiếng Anh "bén duyên" làm podcast
Xuất thân là sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Hà Nội, Thùy Linh tự nhận mình là một tay ngang làm podcast. Ở thời điểm hiện tại, Linh đã có một công việc ổn định sau khi ra trường đúng với chuyên ngành.
Hai công việc tưởng chừng như không mấy liên quan đến nhau, nhưng Linh khẳng định chính việc đi dạy đã cho cô cơ hội tiếp xúc để hiểu hơn tâm lý của trẻ con. Linh kể: "Mình từng dạy một bé này, cứ mỗi lần trả lời sai, con lại tự đánh mình rất đau.
Mình hỏi vì sao thì con mới bảo rằng, vì con làm sai, xong mình mới tự đặt ra câu hỏi liệu không biết có phải ở nhà con hay làm sai nên là bị ba mẹ đánh hay không. Đây cũng là nguồn gốc và là cảm hứng để mình tìm hiểu, đọc các tài liệu liên quan và sản xuất tập podcast self-harm (tự làm đau chính mình)".
Vì là "tay ngang" nên Linh cũng gặp một số khó khăn nhất định, Linh nói: "Vấn đề khó khăn nhất có lẽ là công đoạn chỉnh sửa video và chèn chữ, quá trình ấy đòi hỏi rất nhiều thời gian và đôi lúc mình cảm thấy khá áp lực".
Học chuyên ngành ngôn ngữ nhưng lại lựa chọn xây dựng nội dung liên quan đến mảng tâm lý, Linh đã phải tìm đọc khá nhiều các tài liệu liên quan trang bị thêm kiến thức nền. May mắn là có thế mạnh ngôn ngữ nên Linh có thể đọc sách, báo nước ngoài khá dễ dàng.
"Bên trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ"
Thùy Linh chia sẻ: "Người lớn nào cũng từng là trẻ con. Mình luôn tin rằng những ảnh hưởng từ thời thơ ấu có tác động rất lớn đến cuộc sống sau này của bất cứ ai.
Thực ra, không phải chỉ có trẻ con mới hay đặt ra những câu hỏi vì sao, bản thân người lớn chúng mình cũng còn rất nhiều điều chưa biết và mong muốn được khám phá.
Bên trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ. Đó là lúc đứa trẻ trong chúng mình, hay nói cách khác là lúc bản tính tò mò trỗi dậy".
Tò mò là một bản tính tốt, nhờ tò mò mà con người khao khát khám phá, tìm hiểu về thế giới, đó cũng là lúc chúng ta lớn lên, trưởng thành hơn.
"Vì sao thế nhỉ" không đi giải thích những điều to lớn, mà đôi khi chỉ đơn giản là những chuyện xung quanh cuộc sống hàng ngày, nhưng mình hy vọng thông qua các tập podcast, có thể khơi mở một điều gì đó mới trong mỗi chúng ta, mà trước đó, chúng ta chưa từng nghĩ tới", Linh nói thêm.
"Nếu mệt quá, mình sẽ nghỉ"
Khi được hỏi về định hướng phát triển kênh podcast trong tương lai, Linh chia sẻ bản thân không phải một người có thói quen đặt ra các mục tiêu dài hạn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cô bạn vẫn cảm thấy có thể tự "gồng gánh" được.
Một mình chạy kênh trên đa nền tảng như: Facebook, Instagram, TikTok, Spotify, đồng thời vẫn phải duy trì cuộc sống với nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" sau khi ra trường, Thùy Linh tâm sự, bản thân cũng có lúc mệt mỏi, nhưng vì nghĩ rằng những điều mình làm có thể giúp ích cho ai đó, nên cô gái thấy mỗi ngày trôi qua đều rất ý nghĩa.
Thùy Linh bày tỏ quan điểm: "Gen Z chúng mình có nhiều sự lựa chọn, đây vừa là ưu điểm nhưng cũng lại là bất lợi. Vì nhiều quá, nên đôi khi thấy mất phương hướng và hoang mang.
Nếu mệt quá, mình sẽ nghỉ. Mình nghĩ ai cũng nên như vậy cả. Nhưng không phải là nghỉ hẳn luôn đâu. Mà là nghỉ một chút, để giữ sức, lấy đà rồi lại tiếp tục đi, tiếp tục làm, tiếp tục những điều còn dang dở. Bởi vì nếu không nghỉ thì có thể chúng mình sẽ kiệt sức mất".