Gần Tết, sinh viên “chạy xô” giúp việc theo giờ

Tranh thủ nhu cầu thuê người giúp việc tăng thời gian giáp Tết, nhiều sinh viên nữ “tạm gác” chuyện học hành, “chạy xô” kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Không còn xa lạ đối với sinh viên, giúp việc theo giờ đã trở thành một công việc quen thuộc trong danh sách những việc làm thêm có thu nhập ổn định. Nếu như trước kia gia sư, bán hàng, phát tờ rơi… là những công việc được nhiều bạn trẻ lựa chọn thì bây giờ giúp việc theo giờ lại đang được ưa chuộng, nhất là khi Tết đang cận kề.

 

Tuyển dụng “cháy việc”, sinh viên “chạy xô”

 

Cũng như các công việc khác, dịp Tết là dịp “cháy việc” trên một số trang web đăng tin tìm sinh viên giúp việc theo giờ. Trúc Nhân, quản lý một trang facebook giúp việc theo giờ ở Hà Nội cho biết: “Trung bình ngày thường, mình đăng khoảng 15 đến 20 tin, gần Tết mỗi ngày có thể lên đến 30 tin. Chỉ trong khoảng 15 phút là đã giao hết cho các bạn sinh viên. Có bạn không cập nhật facebook, gọi điện cho mình chậm 1, 2 phút không nhận được việc là chuyện bình thường”.

 

 
Sinh viên cần tỉnh táo, tránh để bị lừa trước khi lựa chọn một công việc (Ảnh minh họa)
Sinh viên cần tỉnh táo, tránh để bị lừa trước khi lựa chọn một công việc (Ảnh minh họa)

 

Cũng theo Trúc Nhân, gần Tết nhiều gia đình phải tìm sinh viên giúp việc theo giờ chỉ giúp việc chính đột xuất xin nghỉ, không có người trông con và nấu cơm. Thậm chí có gia đình còn thuê sinh viên đến ở lại qua Tết để trông nhà và chăm sóc vườn hoa hồng ngoại mấy chục triệu trên ban công vì vợ chồng, con cái bận đi du lịch.

 

Ban đầu khi lựa chọn công việc này, nhiều sinh viên cũng không khỏi ái ngại. Tuy nhiên nhu cầu tìm người giúp việc ngày càng tăng nhất là gần về gần Tết thì nhiều bạn coi đó là công việc "hái" ra tiền. Chỉ trong thời gian ngắn khoảng 1-2 tuần trước Tết, nhiều bạn có thể đút hầu bao rủng rỉnh lên đến tiền triệu.

 

Nhận một suất giúp việc theo giờ do một người quen giới thiệu, Hoàng Trâm, sinh viên năm 3 Học viện Tài chính chia sẻ: “Mình làm 3 buổi một tuần, mỗi buổi 4 đến 5 tiếng, 2 tuần gần Tết này, bác chủ nhà về quê, chỉ còn vợ chồng anh chị ở đây, mình nhận làm cả tuần để kiếm thêm một khoản tiêu Tết. Anh chị cũng nói rằng 2 tuần sát Tết sẽ tăng lương từ 30 nghìn đồng/giờ lên 50 nghìn đồng/giờ”.

 

Chưa kể, nhiều bạn sinh viên còn “chạy xô” mấy ca liền trong khoảng 1-2 tuần trước Tết. Làm ca sáng từ 9 giờ đến 12 giờ ở một gia đình trên phố Định Công, Hoàng Mai, nhưng Lan Anh (Đại học Kinh tế kĩ thuật Công nghiệp) cũng tranh thủ nhận thêm ca sáng và buổi chiều tối ở hai gia đình khác để tăng thêm thu nhập.

 

“Mình đang đi thực tập nên rất nhàn, tranh thủ đợt Tết nhiều nhà cần người làm, mình nhận hẳn 3 ca. Công việc của mình là dọn nhà, phơi quần áo, rửa bát và tưới hoa. Đi làm sáng 3 tiếng, chiều và tối lại tiếp tục làm thêm 5 tiếng nữa. Khá mệt nhưng mình chỉ nhận làm hết ngày 29 Tết thôi, nên sẽ cố gắng”.

 

Lan Anh cũng bật mí tổng số tiền lương 3 ca nhận được theo hợp đồng trong 2 tuần trước Tết là gần 3 triệu đồng, chưa kể thưởng Tết, đó là một số tiền khá lớn với sinh viên như Lan Anh, cô cho biết sẽ giành để mua quà Tết biếu bố mẹ ở quê.

 

Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay Lan Anh cũng không ở lại giúp việc qua Tết, mà nói rằng sẽ về quê ăn Tết cùng gia đình, cho dù chủ nhà trả lương rất hậu hĩnh lên đến 600 nghìn đồng/ngày.

 
Sinh viên giúp việc cũng gặp nhiều rủi ro (Ảnh minh họa)
Sinh viên giúp việc cũng gặp nhiều rủi ro (Ảnh minh họa)
 

Những tình huống bi hài

 

Chính vì sức hút như vậy, nhiều sinh viên sẵn sàng tranh thủ “cày cuốc” cật lực suốt thời gian trước Tết để kiếm tiền. Không thể phủ nhận đây là “thời điểm vàng” đối với việc kiếm thêm, khi tiền lương cao lại kèm thưởng Tết. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, nếu không tỉnh táo, sinh viên có thể gặp bẫy từ nhà tuyển dụng, hay những “tai nạn nghề nghiệp” không lường trước được.

 

Đã gần một năm nhưng Huệ (sinh viên năm cuối Đại học Sư phạm Hà Nội) vẫn chưa hết sờ sợ sau chuyến đi làm giúp việc ấy. Công việc khá nhàn và lương hấp dẫn nhưng Huệ chỉ làm được một tuần rồi vội vàng xin nghỉ, vì gặp phải chủ nhà “dê xồm”.

 

“Một lần mình đang rửa bát dưới nhà bếp, ông chủ nhà lấy cớ xuống uống nước rồi bất ngờ ôm chầm mình từ phía sau, mình giật mình tuột tay đánh vỡ chồng bát đĩa đắt tiền. Bà chủ nhà chạy xuống rồi vợ chồng nhà ấy thi nhau chửi ầm lên đòi trừ lương. Sau lần đó, lấy cớ bận thi học kỳ mình xin nghỉ việc, đến giờ vẫn chưa khỏi ấm ức”, Huệ chia sẻ.

 

Câu chuyện của Hồng Chuyên, (Quê Hà Tĩnh) lại có thể là bài học cho rất nhiều bạn khi lựa chọn công việc này dịp Tết, nhất là khi chủ nhà tha thiết đề nghị làm qua Tết. Nhà xa lại khó khăn, nên Tết nguyên đán 2014, Chuyên xin bố mẹ ở lại Hà Nội giúp việc cho chủ nhà để thêm tiền đóng học phí.

 

“Mùng 2 Tết cô chú đi từ sáng, và bảo mình ở nhà quét dọn, chuẩn bị làm cơm tối. Tầm ban trưa thì có 2 người phụ nữ đến chúc Tết, họ giới thiệu tên và nói là bạn của chủ. Mình không dám chắc nên gọi điện thông báo, ra đến cửa thì thấy họ lủi mất từ bao giờ. Cô chú về thì ngỡ ra không phải, cũng may là mình chưa mời kẻ lạ vào nhà”.

 

Còn hàng chục trường hợp dở khóc dở cười mà nhiều sinh viên gặp phải như chủ nhà say rượu rồi đánh đập, chửi bới vì mất đồ không rõ nguyên nhân, hay trừ lương chỉ vì để đứa trẻ bị… muỗi đốt.

 

Mặc dù dịp Tết là dịp có thể kiếm bộn tiền nhưng những câu chuyện trên sẽ là kinh nghiệm quý báu giúp cho sinh viên trước khi lựa chọn một công việc làm thêm. Vẫn biết mỗi công việc đều có những mặt hạn chế của nó, vì vậy nên tỉnh táo trước những cám dỗ trong xã hội là cách tốt nhất để có thể hoàn thành tốt một công việc và học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống.

 

Theo Hà Triệu

An ninh thủ đô