Gái bản lấy Tây

Jackson William là cán bộ ngoại giao người Canada, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội. William to cao lực lưỡng, ước chừng nặng cỡ trên tạ, cao xấp xỉ 2m, còn vợ anh, Lý Thị So - một cô gái Mông khá trắng trẻo, xinh đẹp - nhưng đứng bên Uyliam thì chỉ đến quá rốn một chút.

Chuyện tình của William với Lý Thị So có thể nói như một thiên tiểu thuyết thời hiện đại. Để đến được với nhau họ phải vượt qua rào cản địa lý nửa vòng trái đất, rồi phong tục tập quán, tiếng nói và khốn khổ nhất là rào cản pháp lý.

Đưa em về phố

Cách đây 6 năm, William cùng bạn bè sang Việt Nam du lịch. Anh quen So nhờ chuyến chinh phục đỉnh Phanxipăng. Hồi đó, So bán hàng rong ở Sapa, nhưng lúc nào khách sạn gọi thì cô lại đi làm hướng dẫn viên. Tiếp xúc với khách Tây nhiều, tiếng Anh bồi nói nhanh như gió, trong khi tiếng Việt còn trọ trẹ.

Đứng trên nóc nhà Đông Dương lộng gió, tuyết phủ trắng xóa, William tỏ tình với So. Trong lòng cô rất muốn bỏ chạy, cô muốn người đàn ông yêu mình phải kéo cô theo đúng phong tục cướp vợ của người Mông. Nhưng đứng ở nơi giáp ranh giữa trời và đất này, cái phong tục ấy xem ra không cần thiết lắm. Thế là thay vì chạy như bà, như mẹ cô thuở trước, So liền đổ vào lòng anh chàng Tây.

Bạn bè William về nước, còn anh quyết ở lại sống với cô. Khi ấy, Lý Thị So mới 16 tuổi nên hai người không thể kết hôn, do vậy William không đưa cô về Canada được.

Để được gần người tình, William đã xin làm việc ở một dự án cai nghiện ở huyện Bát Xát. Ngày So tròn 18 tuổi cũng là ngày hai người làm thủ tục đăng ký kết hôn ở Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai. Để ăn mừng sau cả quãng thời gian yêu đương, chờ đợi vất vả, William đã tổ chức lễ cưới hết sức linh đình. Gia đình Lý Thị So mời nhân dân cả xã Lao Chải đến nhậu nhẹt mấy ngày liền. Cưới xong một thời gian, William xin việc ở một cơ quan ngoại giao và anh đã đưa vợ về Hà Nội sống.

Đến nay, William và Lý Thị So cưới nhau đã được bốn năm. So không đi làm hướng dẫn viên du lịch nữa mà đang đi học lớp nấu ăn ở Trường Hoa Sữa. Hai người đã có hai đứa con xinh xắn, một gái, một trai.

Mặc dù rời dãy Hoàng Liên Sơn xuống thủ đô sống từ 4 năm nay, nhưng Lý Thị So vẫn giữ được mình là một cô gái Mông chính hiệu. So bảo: “Anh chồng mình lạ lắm. Anh ấy bắt mình sinh hoạt, nuôi con, dạy dỗ con cái hoàn toàn theo phong tục dân tộc Mông. Ra phố, đến trường mình vẫn phải mặc trang phục người Mông. Đi đến đâu mọi người cũng nhìn như thể mình từ trên trời rơi xuống. Mình ngượng lắm, nhưng anh ấy lại thích thú”.

Hiện có bốn cô gái Mông ở Sa Pa lấy chồng Tây và bỏ núi xuống Hà Nội sinh sống. Tất cả họ vẫn ăn mặc, sinh hoạt và giữ gìn văn hóa Mông giữa chốn thủ đô.

Phong trào lấy Tây

Gái bản lấy Tây - 1

Những hướng dẫn viên bản địa xinh đẹp luôn là mục tiêu tán tỉnh của một số khách du lịch.

Sau đám cưới của Lý Thị So, các cô gái lấy Tây ở xã Lao Chải đều bắt chú rể chi tiền làm đám cưới hoành tráng và đều mời khắp xã, từ trẻ con cho đến cán bộ các ban ngành. Các cô gái Mông thích cưới xin hoành tráng cũng một phần vì sĩ diện, muốn chứng minh cho cả xã, cả bản biết rằng họ lấy Tây nghiêm túc chứ không phải bồ bịch hoặc làm gái cho Tây.

Nhà ông Lý A Páo rất nổi tiếng vì con gái Lý Thị Sài của ông vừa cưới một anh Tây và tổ chức đám cưới linh đình nhất xã từ trước đến nay. Chỉ có điều ngôi nhà vợ chồng và đám con ông đang sống vẫn rách nát, vẫn vá chằng vá đụp như xưa.

Ông Páo tợp ngụm rượu rồi khà khà: “Kệ nó thôi. Thằng Tây bắt được con gái tao thì con gái tao là của nó. Thỉnh thoảng vợ chồng nó về đây ngủ, cho tiền tao mua rượu là sướng nhất rồi à. Tây nó tốt lắm”.

Nhưng ông Páo không biết tên con rể mình là gì. Ông bảo đọc cứ méo cả mồm nên không muốn đọc nữa. Tôi hỏi các đồng chí công an huyện mới biết anh ta người Nauy, tên là Tomy. Vợ chồng Tomy sống ở thị trấn Sapa. Sài làm hướng dẫn viên du lịch cho một khách sạn, còn Tomy làm ở công ty liên doanh du lịch và bảo tồn.

Thượng tá Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Công an huyện Sapa, cho biết, hiện tượng các cô gái dân tộc Mông yêu và lấy Tây khá nhiều. Đặc biết, xã Lao Chải là nơi mà chuyện lấy Tây đã trở thành phong trào.

Lấy Tây trước tuổi

Lao Chải là xã điểm đầu của tuyến du lịch khám phá bản làng, cách thị trấn Sapa gần chục cây số. Tuyến du lịch này xuyên từ xã Lao Chải sang Tả Van rồi vòng lên bãi đá cổ ở xã Hầu Thào. Hầu hết khách du lịch Tây lên Sapa đều thích khám phá tuyến này. Các cô gái dân tộc Mông, Dao, Giáy từ lúc 5 tuổi đã biết mang hàng đeo bám khách. Cuộc sống của dân bản ở đây cũng vì thế mà Tây hóa nhanh hơn Việt hóa.

Theo Lý A Chư, Trưởng công an xã, xã có gần 20 cô gái Mông lấy chồng Tây. Tuy nhiên, hiện chỉ có 5 cặp đã đăng ký kết hôn. Sau khi kết hôn, có cặp về Hà Nội, có cô theo chồng ra nước ngoài, có cặp về Sapa sinh sống.

Chư bảo: “Cả xã giờ con gái vắng tanh vắng ngắt. Các cô gái lên Sapa làm du lịch và yêu Tây hết rồi. Tối thanh niên đi cướp vợ, nhưng chẳng có gái mà cướp”. Bằng tuổi Chư, trai Mông ở đây lẽ ra đều có vợ có con cả rồi, vậy mà Chư vẫn chưa có người yêu. Lý A Chư kể rằng các ông Tây rất khoái món “cướp vợ”.

Đội trưởng đội an ninh Công an huyện Sapa Sùng A Lành cho biết, các anh chưa bắt được vụ xâm hại tình dục trẻ em nào, nhưng cứ nhìn vào danh sách mà anh ghi chép về những cặp vợ chồng trai Tây, gái Mông là biết cô nào lấy Tây khi chưa đủ tuổi. Như cặp vợ chồng Thào Thị Dở (bản Lao Chải San, xã Lao Chải) và Oliver Danian (người Pháp). Ngày cưới, Thào Thị Dở mới tròn 18 tuổi nhưng cặp này đã sống với nhau từ mấy năm trước khi kết hôn. Như vậy, khó có thể khẳng định rằng Thào Thị Dở không bị xâm hại tình dục ở tuổi vị thành niên.

Trường hợp của cô gái Giàng Thị Si, con ông Giàng A Giăng ở xã Tả Van, cũng là một trường hợp đáng cảnh báo. Si và một người Tây đã yêu nhau từ mấy năm nay. Hai người cũng làm thủ tục cưới xin nhưng chưa đủ tuổi nên Sở Tư pháp Lào Cai chưa cấp giấy kết hôn. Tuy nhiên, cả hai thường xuyên ở với nhau như vợ chồng.

Công an xã tìm đến ông Giàng A Giăng để giải thích rằng việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, nhất là với trẻ vị thành niên là phạm pháp, nhưng chẳng có tác dụng gì vì ông Giăng cãi lý: “Tao ngủ với vợ tao từ hồi 13 tuổi nhưng tao có bị đi tù đâu?”.

Theo Phạm Ngọc Dương
Tuổi Trẻ