Giám đốc Tạ Duy Sáu và em bé 8 tuổi nằm liệt giường
Tuổi thơ lang bạt
Mùa đông, trong cái giá lạnh và mưa phùn, chúng tôi tìm về xã Thọ Thành (Yên Thành, Nghệ An) để được gặp gã “giám đốc khùng” Tạ Duy Sáu. Trong tiếng ồn ào vui đùa của những đứa trẻ, Sáu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy rẫy những đau thương và mất mát. Đó là những tháng ngày cơ cực, bần hàn của tuổi thơ trên những bước chân phiêu bạt giang hồ.
Mái tranh nghèo không thể nuôi nổi cảnh đông con nên Sáu đã quyết ra đi tìm cho mình con đường sống, bớt gánh nặng cho gia đình. Lang bạt vào Sài Gòn, tuổi nhỏ, sức yếu không ai thuê làm việc nên Sáu phải đi đánh giầy, bán báo để kiếm ăn qua ngày.
Đất Sài Gòn mênh mông vậy mà bước chân giang hồ của cậu bé 10 tuổi không ở đâu là không đặt chân tới. “Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”, không có tiền thuê nhà nên mùa hè Sáu lại ngủ Công viên còn mùa mưa thì chui lủi gầm cầu. “Quanh năm, suốt tháng, chui lủi, chưa bao giờ được một bữa ăn no”, Sáu ngậm ngùi kể lại.
Trung tâm bảo trợ trẻ em Hiền Lương hiện cưu mang có 47 cháu.
Tuổi thơ đầy rẫy những trang bi đát. Có lần bị bọn xã hội đen lừa, bắt đi đào đá đỏ ở tận Đăk Lăk. Vì nhỏ tuổi không làm nổi những công việc nặng nhọc nên bị chúng đánh đập dã man. Mãi đến năm 1996, khi lực lượng cơ động giải cứu thì Sáu mới thoát khỏi mỏ và lại tiếp tục trở về Sài Gòn mưu sinh.
Nâng niu cháu bé bị bại liệt trên tay, Sáu cảm động: “Ngay sau khi được giải thoát, mình trở về Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Do quá đói và mệt nên mình đã ngất xỉu trong công viên. Đó cũng là lúc có hai ông cháu mù hát rong đi qua, thấy vậy họ đã mua cháo và đút cho ăn.
Trung tâm bảo trợ trẻ em khuyết tật Hiền Lương được thành lập vào năm 2006. Đến 2008 trung tâm chính thức được UBND huyện Yên Thành cấp giấy phép hoạt động. Hiện tại, trung tâm đang cưu mang 47 trẻ em, trong đó 17 trẻ bị bãi não nằm một chỗ. Nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào sản xuất các mặt hàng thủ công và sự đóng góp từ các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. |
Khi mình tỉnh lại thì không thấy họ đâu cả nên trong lòng giấy lên niềm cảm kích và ao ước làm gì đó để giúp lại những người lang thang cơ nhỡ. Đặc biệt là trả ơn người đã cho mình mạng sống”. Đó cũng chính là lý do để Tạ Duy Sáu trở thành người cha cưu mang, nâng niu những số phận hẩm hiu.
Gã “giám đốc khùng” và 47 đứa con của đời
Người dân Thọ Thành vẫn thường gọi Tạ Duy Sáu với cái tên “giám đốc khùng” đầy mến phục. Ngay sau khi lập gia đình, Sáu đã cùng với vợ vay vốn ngân hàng, mở trung tâm bảo trợ trẻ em và đón nhận những mảnh đời sa cơ lỡ vận về nuôi dưỡng.
34 tuổi, thế nhưng trên khuôn mặt Sáu như già giặn và cứng rắn hơn bao giờ hết. Không những tìm kế sinh nhai nuôi sống gia đình mà Sáu còn phải vắt óc để tìm miếng ăn cho gần 50 đứa trẻ.
Kể về những ngày đầu tiên thành lập trung tâm, anh chia sẻ: “Thời gian đầu do chưa tổ chức sản xuất được nên nhiều lần mình đã phải đi vay đi mượn để có tiền nuôi các cháu. Về sau, mình phải chạy lên tận Mường Xén mua đót, mây về làm chổi và bắt đầu tự sản xuất lấy kinh phí hoạt động”.
Những ngày đầu nhận trẻ về nuôi là những ngày đấu tranh vật vã với dư luận. “Có người cho rằng đó là việc làm điên dại, thiếu suy nghĩ. Có người thiếu hiểu biết thì bảo đón nhận trẻ về nuôi để mang sang Trung Quốc bán. Nên có lần cả hai vợ chồng đã bị công an huyện bắt về để điều tra và cài người vào để theo dõi…”, anh Sáu kể lại.
Chị Lê Thị Lương, vợ của Sáu cũng từng xuất thân từ một cô gái lang thang bán báo mưu sinh.
Với ước mong mang lại nụ cười cho trẻ thơ, cho những người thiếu sự ưu ái của đời Tạ Duy Sáu đã không ngần ngại khó khăn, khổ ải. Người đời vẫn thường gặp cảnh anh lang thang trên những nẻo đường. Đó là những bước chân đi tìm những đứa trẻ cơ nhỡ, không nơi nương tựa để mang về chăm nom.
“Có hôm đang ăn cơm, nghe tin điện thoại báo có cháu bé bị bỏ rơi, thế là anh bỏ bát chạy đi tức khắc. Không màng gì đến ăn uống nữa!”, chị Lê Thị Lương, vợ anh Sáu chia sẻ.
Mỗi tháng trung tâm cần một khoảng chi phí không dưới 20 triệu đồng để hoạt động. Tâm sự với chúng tôi anh Sáu chia sẻ: “Tuy khó khăn, vất vả nhưng thấy các cháu không phải lang thang, không phải chịu cảnh đói rét là mình vui rồi. Nếu gặp những trẻ lang thang, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa thì báo ngay cho mình nhé!”.
Minh Hậu - Nguyễn Duy