Freelance: Con đường “không trải toàn hoa hồng”

(Dân trí) - Nghề tự do (Freelance) chứa đựng rất nhiều điều hấp dẫn, nhưng cũng “gian truân”, tiềm ẩn không ít rủi ro và thiếu sự đảm bảo được tương lai.

Những khó khăn thường trực

 

Tài chính không ổn định do dự án thiếu liên tục là một trong những vấn đề lớn nhất của người làm Freelance, đặc biệt là khoảng thời gian đầu.

 

Nguyễn Việt (1987, 4 năm làm thiết kế và nhiếp ảnh tự do) cho biết: “Công việc không thường xuyên, mình phải tự cân đối tài chính, xây dựng thương hiệu cá nhân”. Đối với người theo nhóm như anh Giang, còn gặp phải khó khăn về ý tưởng, nhân sự và kỹ năng quản lý.

 

Đa phần, những người tách ra làm tự do, trước hết phải có kinh nghiệm, tiếng tăm thì khách hàng mới biết đến, tin cậy và hợp tác. Bởi vậy, Freelancer thường phải trải qua một quá trình tạo dựng thương hiệu khá dài.

 

Trọng Hiếu (thiết kế trẻ khá nổi tiếng) cho biết: “Mình mất vài năm để làm điều này. Mình làm về nghệ thuật nên bắt đầu từ việc PR bản thân trên các website về kiến trúc, thiết kế của thế giới, sau đó được biết đến nhiều hơn”.

 
 
Freelance: Con đường “không trải toàn hoa hồng”
Làm freelance, đồng nghĩa bạn phải tự khẳng định thương hiệu chính mình giữa vô số chuyên gia, công ty cùng lĩnh vực.
 

Còn theo anh Giang, việc tải lên Apple Store, Google Play những sản phẩm nhóm đã hoàn thiện cũng giúp khách hàng có cơ sở đánh giá thực lực và tin tưởng giao dự án.

 

Đối với nhiều người, để có thể “sống sót” trong thời gian đầu, đã lựa chọn những công việc song song, mang tính bổ trợ hoặc khai thác, nắm giữ những mối quan hệ khi còn làm cố định.

 

Quyết định làm Freelance của Tuấn Anh còn vấp phải sự phản đối từ bố mẹ do mong muốn con cái xây dựng sự nghiệp ổn định. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm va chạm thực tế chưa nhiều, lựa chọn của Tuấn Anh được coi là khá mạo hiểm.

 

“Tuy nhiên, mình cho rằng, nếu một cuộc sống mà không có sự phiêu lưu nào thì thật nhàm chán. Mình luôn mong muốn khám phá ra những điều mới mẻ trên hành trình cuộc đời và sẵn sàng đón nhận thành công hay thất bại. Hơn nữa, quyết định này cũng nằm trong kế hoạch trước đó đã cân nhắc rất nhiều”.

 

Khi quyết định làm tự do, Freelancer cũng đồng nghĩa với việc phải từ bỏ những khoản phụ cấp: không bảo hiểm, không thưởng, không lương tháng 13, không nghỉ phép, không hỗ trợ nhân lực, đội ngũ...

 

Sau một thời gian dài bấp bênh, thậm chí vài lần rơi vào “khủng hoảng” tài chính, nhiều người đã biết cách cân đối hơn. Anh Nguyễn Việt cho biết: “Những lần thu nhập cao rất dễ “vung tay quá trán”, bởi vậy mà sau đó phải  rút kinh nghiệm để tìm cách cân bằng: chi tiêu có kế hoạch, mua sắm thiết bị có chừng mực, tiết chế những khoản về du lịch...nếu không “chết yểu” từ lâu rồi”.
 
 
Freelance: Con đường “không trải toàn hoa hồng”

Việc tự xây dựng kế hoạch tài chính, thời gian, công việc và làm trong áp lực là điều thường thấy.

 

Những người làm việc tự do không chỉ cạnh tranh với số lượng ngày càng nhiều người gia nhập Freelance, mà còn phải vượt qua rất nhiều đối thủ khác - các công ty, tập đoàn lớn mạnh. Cũng chính vì vậy mà để có thể tạo nên sự tự tin, chỗ đứng vững vàng trong thị trường ấy, Tuấn Anh cho rằng cần phải nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm làm việc và mở rộng các mối quan hệ.

 

Làm tự do, cũng đồng nghĩa với việc người đó phải thực sự chuyên nghiệp, nguyên tắc, cẩn trọng, luôn nghiêm khắc với bản thân, để đúng hạn và đạt chất lượng “chuẩn” trong công việc. “Bởi vì nếu thất bại, chúng ta là người chịu trách nhiệm chính, đồng thời làm mất chữ “tín” đối với khách hàng”, Tuấn Anh nói.

 

Anh Việt cũng từng có một số tính toán sai lầm, “trầy da, tróc vẩy”: “Như lúc thiết kế mình không cẩn thận bị sai chính tả, hoặc in ấn sai màu quá nhiều, khách không đồng ý. Mình bỏ ra công sức và chi phí để làm lại khá phổ biến”. 

 

Freelancer thường phải có quá trình tích lũy kinh ngiệm lâu dài, tuy nhiên, sau khi bỏ ra làm riêng, thường dễ bị tụt hậu. Theo anh Việt: “Luôn luôn trau dồi là việc rất cần thiết trong ngành, do đó các freelancer thường có một mối liên kết “mạng nhện”, để học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, còn phải tìm hiểu thêm từ các tạp chí, chuyên gia nước ngoài. Làm mới mình là “sống còn” của nghề này”.

 

Bên cạnh những tai nạn, người làm công việc tự do còn phải đối mặt với những rủi ro từ phía đối tác. T chia sẻ thêm, có một trường hợp mà hầu như ai cũng sẽ gặp phải khi mới vào nghề: Khách hàng trả lời là các thiết kế của mình không đạt, không dùng, chê bai ầm ĩ nên không trả tiền. Kết quả lại “chạy ầm ầm” trong chiến dịch của họ. “Cách để giải quyết là tuyệt đối không đưa file gốc cho đến khi nhận đủ số tiền đã thỏa thuận”.

 

Cũng chính vì lý do này mà bài học “xương máu” của nhiều người khi bước vào công việc tự do phải tìm hiểu và nắm rõ về các luật lệ, thuế. “Trước khi ký hợp đồng, phải đọc, xem xét kỹ về nội dung để tránh bị lừa đảo”, anh Hải chia sẻ.

 

Thử thách bản lĩnh với lựa chọn lâu dài

 

Với nghề tự do, bám trụ đã khó, thành công lại càng khó hơn, vì thế mà không ít người như “con chim mỏi cánh”, đã tìm về với công việc cố định. Với anh T (tư vấn truyền thông xã hội, SEO và thiết kế), sau thời gian hoàn thành dự án cũng sẽ tìm đến một công ty.

 

Còn Giang, Tuấn Anh là những người yêu tự do, thích thử thách và tạo dựng những thứ thuộc về riêng mình, nên rất mong muốn được gắn bó lâu dài với công việc Freelance.

 

Anh Giang chia sẻ: “Là một người yêu tự do, thích thử thách và tạo dựng những thứ thuộc riêng bản thân nên mình rất mong được gắn bó với lựa chọn này lâu dài”.

 

“Mình là người luôn không hài lòng với các thành quả nên sẽ còn nhiều thay đổi ở phía trước. Tuy nhiên, rất lâu sắp tới, mình vẫn sẽ gắn bó với công việc Freelance này”, Tuấn Anh nói.

 

Nếu là người cá tính, yêu tự do và giàu bản lĩnh thì có thể bạn sẽ phù hợp với Freelance - con đường đầy rẫy khó khăn, rủi ro nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, thú vị.

 

Hoàng Dung