Festival Thanh niên SV thế giới: Ngất trời nhiệt huyết trẻ

Festival Thanh niên Sinh viên Thế giới lần thứ 18 tại Ecuador đã khai mạc lúc 18 giờ ngày 7/12 (6 giờ sáng 8/12 giờ Việt Nam) với sự góp mặt của trên 8.000 thanh niên đến từ khắp nơi trên thế giới.

Phải có mặt ở công viên Bicentenario của thủ đô Quito, Ecuador trong lễ khai mạc mới thấy được một trong những cái hết sức đặc biệt của Festival lần này: Vị tổng thống hơn 50 tuổi nhưng tác phong rất trẻ trung của nước chủ nhà người ướt sũng đã diễn thuyết vô cùng nhiệt huyết dưới mưa rất to trong một buổi tối trời lạnh giá. Tin chắc nhiều người có mặt không hiểu tiếng Tây Ban Nha mà ông nói nhưng không ai cảm thấy nhàm chán trước nhiệt tình hừng hực như núi lửa của nhà lãnh đạo người Mỹ Latin.

 

“Viva Việt Nam"

 

Xuất hiện tại lễ khai mạc, Đoàn đại biểu Việt Nam trong trang phục áo phông đỏ, áo khoác ngoài màu xanh, với một số nữ đại biểu mặc áo dài dân tộc, giương cao hàng chục lá cờ Tổ quốc và nhiều chân dung Bác Hồ đã thu hút sự chú ý và cổ vũ lớn của bạn bè quốc tế. Rất nhiều người đã chụp ảnh hoặc xin được chụp ảnh kỷ niệm với đoàn hoặc các đại biểu Việt Nam.

 

Khi anh Nguyễn Đắc Vinh và một nhóm đại diện của Việt Nam giương cao tấm biển hình hoa sen có chữ "Việt Nam", chân dung Bác và những lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ bước lên sân khấu, người dẫn chương trình và nhiều người có mặt đã hô lớn "Viva Việt Nam" (Việt Nam muôn năm). Một anh bạn người không biết nước nào đứng cạnh tôi say sưa ngắm nhìn các cô gái Việt Nam trong áo dài thốt lên: "Trời ơi, các cô gái của các bạn đẹp quá!".
 
Đoàn đại biểu Việt Nam khi đi qua sân khấu, MC hô Viva Việt Nam.
Đoàn đại biểu Việt Nam khi đi qua sân khấu, MC hô "Viva Việt Nam".

 

Suốt gần 4 tiếng đồng hồ trước khi Lễ khai mạc diễn ra, các nhóm của thanh niên 83 nước tới từ 5 châu lục, với biểu ngữ, cờ hoa, khẩu hiệu rợp trời, nhiều người mang trang phục truyền thống, tay bắt mặt mừng, tưng bừng trong các điệu nhảy sôi động, cùng hát vang và hô lớn những lời kêu gọi đoàn kết chống chủ nghĩa tư bản và đế quốc. Công viên Bicentenario nguyên là một sân bay dân dụng, khi cải tạo, đường băng của nó được giữ nguyên.

 

Trong chiều 7/12, gần 3 km đường băng có lúc gần như đã được phủ kín bởi các đoàn đại biểu, các nhóm thanh niên với rợp trời cờ và biểu ngữ thể hiện khát khao của tuổi trẻ cánh tả tiến bộ thế giới xây dựng một thế giới đoàn kết, công bằng và chống chủ nghĩa đế quốc.

 

Vừa vào gần cổng khu vực Festival, nhóm nhà báo Việt Nam đã gặp ngay màu đỏ rực của trang phục và cờ có hình búa liềm và các dòng chữ "Đoàn Thanh niên Komsomol Ucraina". Nghe giới thiệu "Việt Nam", gần 20 chàng trai, cô gái trong đoàn kêu lên "bạn của chúng ta". Cuộc trò chuyện ríu rít, Yanina, cô gái rất xinh đẹp cho biết, tổ chức đoàn của cô có 15.000 thành viên.

 

"Số người ủng hộ ở Ucraina chưa phải là nhiều nhưng chúng tôi đang cố làm cho nhiều lên", Yanina nói. Một lúc sau, tôi thấy tuyệt đẹp là hình hai đoàn thanh niên cộng sản Nga và Ucraina gặp nhau, hai khối màu đỏ của trang phục và cờ nhập vào làm một với tiếng hô vang động: "Lenin. Đoàn kết lại, chúng ta sẽ thắng".

 

Vừa chia tay đoàn Ucraina, đã thấy nhóm gần trăm người trống giong cờ mở vừa nhảy múa, vừa hát vừa hô theo nhịp như rap các khẩu hiệu chống đế quốc. Hỏi ra mới biết đó là các đại diện của xứ sở tango Argentina. Lại thấy một đoàn trai gái ăn mặc sặc sỡ, nhảy múa tưng bừng: Angola. Bỗng thấy xôn xao: Cuba, Cuba, Cuba...? Hơn 300 chàng trai cô gái của hòn đảo tự do áo phông đỏ, quần bò gọn gàng vừa đi vừa nhảy, ca hát, hò reo, kéo theo cả một cái đuôi người hâm mộ.

 

Lại bỗng thấy mấy chàng trai, cô gái như vừa bước ra từ truyện nghìn lẻ một đêm: Các đại diện của Sirya...? Các cô gái Triều Tiên quý phái trong bộ trang phục dân tộc hình tháp, bước đi giữa biển người đang chuyển động Braoning mà cứ như đang thả bước trong hoàng cung một thuở.

 

Cứ thế, cứ thế, con em của hàng trăm nước, mỗi nước có cách thể hiện riêng, làm nên một con rồng người vô cùng sặc sỡ, sinh động. Tinh thần chung của mấy nghìn người có lẽ thể hiện rõ qua ý kiến của bạn Mayra Medina Yambay, Hội trưởng Hội sinh viên Trường ĐH Milagro thuộc tỉnh Guaya, Ecuador: "Điều duy nhất thanh niên Ecuador mong muốn là một nền tảng hòa bình và không có chủ nghĩa đế quốc. Chủ nghĩa xã hội luôn ở trong lòng chúng tôi".

 
Các cô gái Ecuador duyên dáng trong lễ khai mạc.
Các cô gái Ecuador duyên dáng trong lễ khai mạc.
 

Thanh niên có thể thay đổi thế giới

 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới Dimitris Palmirys đã nêu bật vai trò của phong trào Festival trong đoàn kết tập hợp thanh niên tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công bằng và an toàn.

 

Anh kêu gọi thanh niên thế giới cùng đấu tranh vì một thế giới đảm bảo những điều kiện sống tối thiểu, trong đó con người đảm bảo được việc làm, kiểm soát được sự khai thác tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát không để xảy sự lũng đoạn về tài chính của chủ nghĩa tư bản.

 

Nước chủ nhà Ecuador đã tỏ ra đặc biệt quan tâm và trọng thị đối với Festival. Tổng thống Rafael Correa, Chủ tịch Quốc hội Gabriela Rivadeneina, Thị trưởng thành phố thủ đô Quito và nhiều quan chức cao cấp khác đã có mặt. Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội và Thị trưởng Quito đều ngồi trên đoàn chủ tịch lễ khai mạc và đều phát biểu ứng khẩu hết sức hùng biện.

 

Các bài phát biểu tại lễ khai mạc của chị Luisa Pamino - Chủ tịch Ủy ban trù bị cho Festival của Ecuador, của nữ Chủ tịch Quốc hội xinh đẹp mới 30 tuổi Gabriela Rivadeneira đều kêu gọi đấu tranh vì một thế giới tốt hơn không có bạo lực, vì hòa bình và với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, lấy cảm hứng từ những tấm gương của chiến sỹ cách mạng như Fidel Castro, Nestor Kichner, Hugo Chavez, và của người chiến sĩ đấu tranh cho tự do vừa qua đời Nelson Mandela.

 

Nữ Chủ tịch Quốc hội Ecuador kết thúc bài phát biểu bằng câu nói nổi tiếng của Che Guevara ngày chia tay các đồng chí Cuba lên đường đưa cách mạng đến các nước khác trong châu Mỹ Latin: "Một thế giới tốt đẹp hơn là điều có thể. Hẹn gặp lại ở ngày chiến thắng".

 

Đỉnh cao của lễ khai mạc là màn phát biểu, chính xác là diễn thuyết khoảng 40 phút dưới mưa lạnh thấu xương của Tổng thống Rafael Correa. Xuất hiện trong bộ quần áo sơ mi trắng mang theo lối cách điệu, trẻ trung, ông đã gây ngay được sự hào hứng lớn của mấy nghìn thanh niên có mặt.

 

Khi mưa sầm sập đổ xuống, ông mặc thêm chiếc áo khoác nhẹ màu đen. Trong cái mưa lạnh của vùng núi cao hơn 2.800m, nhiệt độ chỉ khoảng trên 10 độ, đầu tóc, quần áo ướt sũng, người đứng đầu nhà nước Ecuador đã nhiệt thành kêu gọi thanh niên thế giới phấn đấu để xây dựng một tương lai xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị để đứng lên nắm quyền và thực hiện những gì như đã được làm tại Ecuador, một quốc gia đánh giá rất cao những thay đổi qua các thế hệ. "Hãy chuẩn bị để nắm lấy quyền lực chính trị, để xây dựng một tương lai đoàn kết hơn, công bằng hơn, một tương lai xã hội chủ nghĩa, đồng thời, lên án những hành động bất công chống lại các quốc gia xã hội chủ nghĩa".

 

Cũng như các diễn giả Ecuador khác, ông cực lực lên án chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tự do mới (một tiến trình đang diễn ra trên thế giới thúc đẩy tư nhân hóa, thúc đẩy thương mại hóa, hàng hóa hóa, tự do hóa thị trường, đề cao tiêu dùng, giảm thiểu vai trò can thiệp của nhà nước...) đang bóc lột và tàn phá các nước đang phát triển. Ông lấy ví dụ hoạt động khai thác của tập đoàn dầu khí Mỹ Chevron đã làm ô nhiễm và tàn phá 2 triệu héc-ta rừng vùng Amazon của Ecuador và các nước Mỹ Latinh.

 

"Tôi mời các bạn tới để chứng kiến tận mắt doanh nghiệp dầu khí Mỹ đã phá hủy môi trường khu vực Amazon", Tổng thống Correa nói. Ông khẳng định rằng, đế quốc tài chính đang thống trị thế giới, do đó cần phải thay đổi điều đó, và cho rằng "các bạn có thể thay đổi thế giới" và kêu gọi các thanh niên đấu tranh cho tính ưu việt của con người so với tiền bạc.

 

Tổng thống Correa và các diễn giả trước đó đều ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của người dân Palestine, lên án bao vây cấm vận của Mỹ với Cuba, chống sự can thiệp mang lại thảm họa của chủ nghĩa đế quốc, như đã từng xảy ra ở Nam Tư, Iraq, Afghanistan, Libya...

 

Tổng thống Correa nhắc tới sự ra đi của lãnh tụ Nam Phi Nelson Mandela. Ông nói: "Mandela đã dạy cho chúng ta rằng tìm kiếm công lý và hòa bình phải bằng tình yêu"; và "chúng ta không quên rằng Mandela trong gần ba thập kỷ trong tù, bị đưa vào danh sách khủng bố thế giới; bị buộc tội vì thúc đẩy bạo lực tại Nam Phi, và chỉ vì có một màu da khác biệt".

 

Trước lễ khai mạc, phát biểu với các phóng viên Việt Nam sang tường thuật Festival, anh Nguyễn Đắc Vinh nói Việt Nam là thành viên truyền thống của Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới.

 

Chính vì vậy, mỗi dịp tham dự là ngày hội lớn của thanh niên Việt Nam cũng là cơ hội đoàn đại biểu chúng ta được giao lưu, tiếp xúc các bạn thanh niên đồng chí hướng, những người cùng yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tiến bộ, hướng tới mục tiêu cao cả là xây dưng chủ nghĩa xã hội. Với tinh thần như vậy, các đại biểu rất háo hức mong chờ liên hoan khai mạc, có sự chuẩn bị hết sức chu đáo để Việt Nam đến với quốc tế với hình ảnh đẹp nhất.

 

Sáng 7/12, anh Nguyễn Đắc Vinh tiếp lãnh đạo Đoàn đại biểu Thanh niên CHDCND Triều Tiên do đồng chí Jon Yong Nam, Chủ tịch đoàn Đoàn Thanh niên XHCN Kim Nhật Thành dẫn đầu.

 

Hai bên đã trao đổi thông tin về thanh niên và công tác Đoàn của hai nước, nhận thấy nhiều sự tương đồng trong nhiều chính sách đối với thế hệ trẻ, nhiều khẩu hiệu và phong trào hành động. Hai bên cũng thống nhất quan điểm ủng hộ việc ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên, đấu tranh thực hiện thống nhất hai miền Triều Tiên bằng con đường hòa bình.

 

Theo Lê Xuân Sơn

Tiền phong