Em là “nữ thợ săn”

Họ không phải thổ dân da đỏ trong các phim kinh dị mà là những cô gái tài năng nhận nhiệm vụ tìm kiếm, tuyển dụng nhân tài cho các công ty. Các "chiêu thức đi săn" càng lúc càng phức tạp để giành cho được những người tài cho khách hàng của mình.

Khi các công ty nước ngoài thuộc dạng "đại gia" thâm nhập thị trường Việt, việc làm đầu tiên của họ sẽ là tìm kiếm nhân tài. Nhưng lạ nước lạ cái, biết nhân tài ở đâu mà kiếm. Thế là, những công ty săn đầu người bắt đầu hình thành và ngày càng ăn nên làm ra. Những cô gái săn đầu người giỏi nhất sẽ vào cuộc.

Thùy Trang một "thợ săn" nữ có hạng kể: "Một tập đoàn vốn có chiến lược dùng người bản xứ tại các thị trường ngoài nước của họ. Chính vì thế, săn người cho công ty trở thành cả một vấn đề. Vì những vị trí mà họ đề nghị mình tìm có khi là giám đốc hoặc cá biệt là tổng giám đốc khu vực. Tìm được người thích hợp cho những vị trí này thật không phải dễ...".

Theo chân một nữ thợ săn đầu người suốt một tuần lễ, mới thấy nghề này không phải là "tốn chút nước bọt" với "ngồi tám" như nhiều người vẫn nghĩ. Hồng Khánh liệt kê: "Trong tuần này, em phải tìm được 2 người. Một giám đốc nhân sự, một quan hệ công chúng. Cả hai phải am hiểu pháp luật, văn hóa Việt Nam. Khách hàng yêu cầu giám đốc nhân sự phải vừa hiểu biết pháp luật Việt Nam rành rẽ như một luật sư, phải giao tế tốt, lại vừa có khả năng giải quyết được những bất đồng văn hóa trong nội bộ công ty đa quốc gia với nhiều nhân viên đến từ các nước khác nhau trên thế giới...".

Chỉ trong ngày chủ nhật 28/1 vừa qua, Khánh đã có đến 4 cuộc trò chuyện với 4 ứng viên mà theo cô rất triển vọng. Nhưng đến cuối buổi, Khánh vẫn lắc đầu: "Chưa được, mai tìm tiếp".

Với các nữ săn đầu người, Internet là kênh thông tin không thể thiếu. Họ lướt web tìm các ứng viên tiềm năng trên các trang web tuyển dụng hoặc gửi các bản mô tả công việc đến các ứng viên, các quản trị trang dịch vụ việc làm trực tuyến, gửi e-mail cho các ứng viên. Dĩ nhiên, khâu cuối cùng phải luôn là mặt đối mặt để trao đổi và quyết định xem có "săn" người này hay không. Với hầu hết nữ thợ săn, vấn đề đau đầu nhất luôn là câu hỏi: "Nhân tài ơi, anh đang ở đâu?". Nhất là vào mùa cuối năm, các công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm người còn những người tài chán chỗ cũ cũng manh nha dời gót sang công ty khác.

Là nữ, những thợ săn đầu người có thế mạnh của sự mềm mỏng, kiên nhẫn và cả những "tuyệt chiêu" riêng của phái nữ mà nam giới không có được. Mai Trang kể: "Có một anh ứng viên kia rất giỏi. Chuyên gia IT được đào tạo ở Mỹ về nhưng tính khá lập dị. Em gửi mail, gọi điện thoại năm lần bảy lượt mà không được. Một lần nọ, em gọi điện thoại, anh ta quát em đừng làm phiền nữa. Em ức quá, khóc. Chẳng hiểu sao anh ta thay đổi thái độ. Cuối cùng cũng đồng ý cho gặp và nhận lời làm việc cho khách hàng của em".

Tuy nhiên, nước mắt không được các nữ săn đầu người cố tình sử dụng như một vũ khí đi săn. Ngọc Hà cho hay: "Có một ứng viên nữ mà khách hàng của em rất muốn có. Nhưng hiện chị ấy đang làm cho một công ty đối thủ của khách hàng em và chưa hề có ý định đi. Em dò hỏi thông tin và biết chị ấy có một người mẹ già ốm đau liên tục. Thế là em làm quen với chị, đến thăm mẹ chị, lắng nghe những tâm tình. Khoảng 3 tháng sau, khi đã "thân thân" chị hỏi thẳng em cần gì, nhưng đến lúc này em từ chối không nói mục đích nữa vì thấy không cần thiết, em đã thực sự yêu mến chị ấy. Cuối cùng, do bất đồng ý kiến với ban giám đốc trong chiến lược tiếp thị, chị ấy mệt mỏi và xin nghỉ. Em không bỏ lỡ cơ hội mời chị ấy về với khách hàng của tụi em. Bây giờ, chị ấy vẫn là bạn của em đấy".

Thế mạnh của những thợ săn nữ so với đồng nghiệp còn ở sự tinh tế trong cảm giác, khi giao tiếp với ứng viên, đọc được ở họ nhu cầu thực sự để có thể giới thiệu họ cho những nơi cần. Khả năng phân tích ứng viên thông qua những đơn xin việc, sơ yếu lý lịch nghề nghiệp của họ cũng cần sự nhạy cảm nhất định. Có khi, "nữ thợ săn" vào vai một nhân viên đi xin việc để "chiêu dụ" chính người phỏng vấn mình về cho khách hàng.

Nữ thợ săn cũng có những nỗi niềm rất riêng. Minh Khiết kể: "Em đeo theo một ứng viên là giám đốc sáng tạo của một công ty quảng cáo gần 6 tháng mà vẫn chưa thuyết phục được họ. Định bỏ cuộc thì khách hàng có lời khích bác khá nặng. Máu tự ái nổi lên, em quyết định tấn công dồn dập. Biết anh ta thích ăn món Tàu và đọc sách triết học, em mời anh ta đi ăn và mua tặng sách. Bạn trai em cũng thích ăn món Tàu. Có lần, buổi sáng em và bạn trai cãi nhau, chiều em và ứng viên đang ăn thì bạn trai em bắt gặp. Suýt nữa chia tay. May mà sau này anh ấy cũng hiểu...".

Cuộc đua tìm kiếm nhân tài ngày càng sôi nổi. Những công ty săn đầu người ngày càng có trí quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cao cấp. Và đội ngũ "thợ săn đầu người" nữ ngày càng nhiều. Vì vậy, xin đừng ngạc nhiên nếu một ngày đẹp trời, bạn nhận được điện thoại với giọng nữ dịu dàng: "Em mời anh đi uống cà phê"...

Theo Vinh Nguyễn
Thanh Niên