Đường đến động lắc của dân có học

Thời gian gần đây, báo chí đã đưa nhiều thông tin liên quan đến sự nguy hại của “thuốc lắc” và cảnh báo về lối sống buông thả của một bộ phận lớp trẻ. Nhưng điều đáng nói là sự cám dỗ của “thuốc lắc” đã làm mê muội cả vào một bộ phận sinh viên có học lực khá.

Người lính từng bao năm chiến đấu tại chiến trường đã không khỏi bàng hoàng khi nghe tin đứa con trai của mình bị bắt quả tang vì tham gia vào "động lắc" ở số nhà 275 đường Đê La Thành, Hà Nội. Vợ ông cũng nghỉ luôn ở nhà vì vô cùng xấu hổ với mọi người xung quanh và các đồng nghiệp. 

 

Ngay cả khi đến lúc này, vợ chồng ông vẫn không muốn tin rằng, cậu con trai cả Nguyễn Đăng, sinh viên năm thứ 3 Học viện Ngân hàng, vốn là niềm tự hào của gia đình lại sa ngã vào chốn hư hỏng ấy.

 

Ông kể về những cuốn nhật ký từ lớp 1 đến lớp 12 mà hàng ngày, hai đứa con trai ông vẫn đều đặn ghi. Mong muốn Đăng có sức khoẻ để bổ trợ cho việc học, ông đã cho con trai mình chơi tennis và cũng không quên "bổ sung" phần "tâm hồn" khi ông mời hẳn một thầy dạy guitare ở một trường nghệ thuật về hướng dẫn riêng cho Đăng.

 

Sau khi chia tay với người bạn gái mà theo bố mẹ Đăng kể lại, cũng không phải là một cô gái ngoan hiền, Đăng buồn chán và thất vọng. Đăng gặp Công, một thanh niên kém Đăng 2 tuổi, có thể hình cao to và khá đẹp trai, nhưng đã bỏ học. Công cũng bị bắt giữ tại "động lắc" cùng với Đăng hôm đó.

 

Tuy còn ít tuổi, song Công đã "cặp" với một phụ nữ thuộc loại "dân chơi" nhiều gấp đôi tuổi mình. Người phụ nữ này khá giàu có và thường xuyên sử dụng chiếc xe ô tô Mercedes màu đen mỗi khi tới các điểm chơi.

 

Biết Đăng hay đi chơi với Công, gia đình Đăng đã kịch liệt phản đối. Vậy nhưng Đăng và Công vẫn gặp nhau ở các điểm chơi, ở sân tennis hay tại các nơi cá cược bóng đá. "Gần mực thì đen", không những không can ngăn được Công mà Đăng còn chẳng biết mình đã "dính" vào cái thú chơi "đỏ đen" từ bao giờ nữa.

 

Thầy Hoàng Minh Thanh, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Học viện Ngân hàng cho biết, thầy rất ngạc nhiên bởi Đăng là một sinh viên có học lực khá, lại tham gia đều đặn vào các phong trào của khoa và của trường.

 

Mặc dù rất thất vọng về con, nhưng mẹ Đăng không giấu giếm mà hứa rằng sẽ đến làm việc với nhà trường vào đầu tuần tới, để rút kinh nghiệm về phương pháp quản lý và giáo dục con.

 

Đường đến động lắc của dân có học  - 1

Lắc cuồng nhiệt!

Vũ Thị Hương Lan, sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học ở Hà Nội cũng bị bắt trong một đêm bay. Lan kể lại: "20h ngày 11/5, một người bạn đã gọi em đến địa chỉ này nói là tới dự sinh nhật. Khi mới lên, em thấy đây không phải quán bar, cũng không phải là quán karaoke, nhưng trong phòng có nhiều người với những amply, loa đài. Khoảng 30 phút sau, nhạc nhảy được bật lên và em thấy mọi người cùng nhau lắc. Một người bạn cho em biết, những người nhảy đều sử dụng "thuốc lắc". Sau đó, họ đưa cho em một viên và bảo dùng.

 

Giải thích nguyên nhân tại sao đồng ý tham gia, Lan bảo: "Là sinh viên báo chí nên em muốn tìm hiểu thực tế để viết bài". "Vậy em có sử dụng "thuốc lắc” không?". Lan bảo: "Các chú Công an đang xét nghiệm, còn kết quả ra sao thì em không biết".

 

Lan luôn cho rằng, có nhiều chi tiết báo chí viết về cô không đúng như cô từng tham gia dẫn chương trình ở Đài truyền hình, sử dụng "thuốc lắc"... Khi được đề nghị nêu rõ tên thật, địa chỉ trường học, thì Lan nhất quyết né tránh...

 

Rất buồn vì chuyện này, nhưng bố của Lan cũng thẳng thắn thừa nhận: "Dù sự việc có thế nào thì đây cũng là bài học cho gia đình trong cách giáo dục và quản lý con cái".

 

Trong đợt truy quét lần này, cơ quan Công an đã khởi tố Tống Anh Tú (22 tuổi), hiện là học sinh Trường Trung học Xây dựng Hà Nội, về tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý. Tú cũng chính là đối tượng cung cấp "thuốc lắc" cho "dân bay" ở 275 Đê La Thành. Rõ ràng là có học, nhưng nếu không tự tu dưỡng bản thân thì vẫn có thể sa ngã.


Theo Nguyễn Hưng, Hồng Hạnh
Công An Nhân Dân

 

* Tên các nhân vật đã được thay đổi.

Dòng sự kiện: Giới trẻ chơi lắc