Dương Anh Xuân với đam mê... xê dịch

Một cô gái 23 tuổi, thiếu kinh nghiệm, chưa hoàn hảo nhưng lại được chọn làm người dẫn chuyện và viết lời bình cho 8 tập phim <a href="http://www18.dantri.com.vn/nhipsongtre/2006/10/147683.vip">“Ngày mai của bạn và tôi”.</a> Phải chăng đó là sự ưu ái của dự án làm phim Liên Hợp Quốc dành cho… con gái của một ông tổng biên tập?

Đối thoại thẳng thắn về định kiến “con ông cháu cha”, Dương Anh Xuân - cô gái trực tiếp tham gia vào hành trình qua rất nhiều vùng miền trên tổ quốc để chứng kiến việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam - còn chia sẻ những trăn trở của một người trẻ trước những điều lớn lao của đất nước.

Xuân nói, bộ phim không chỉ nói lên trách nhiệm của thế hệ mình. Với bộ phim này, thêm một lần nữa Dương Anh Xuân góp mặt trong dự án của nhà biên kịch Phan Huyền Thư, sau “Những công dân @”. Sự ưu ái này có vì Xuân là... con của một ông tổng biên tập?

Tôi cũng không hiểu sao chị Thư lại có những ưu ái lớn đối với tôi như vậy. Chính tôi cũng thấy từ phim tài liệu “Những công dân @” với những gương mặt rất xuất sắc, trong đó chỉ có tôi là không mấy nổi bật.

Đến dự án làm phim của Liên Hiệp Quốc này thì chị Thư chỉ giới thiệu. Tôi phải vượt qua 40 ứng viên, trong đó nhiều người đang là phóng viên. Chính tôi cũng thắc mắc tại sao mình được chọn. Chị Matte Fjalland, là điều phối viên Liên Hiệp Quốc, thuộc nhóm thực hiện chương trình bảo, vì tôi là người thiếu kinh nghiệm, chưa hoàn hảo. Tôi cũng có những nét tính cách đại điện cho thế hệ trẻ của Việt Nam: năng động, nhiệt tình.

Việc tôi là “con ông cháu cha” chỉ giúp cho tôi có nền tảng vững để có thể “đánh bại” những ứng cử viên khác. Cơ hội luôn chia đều cho tất cả mọi người... Nếu có bạn không phải là “con ông cháu cha” chạnh lòng thì điều này tốt cho các bạn, nếu các bạn lấy đây là động lực để vươn lên.

Điều gì là của riêng bạn để thuyết phục mọi người giao cho bạn - một sinh viên, phóng viên tập sự - đảm nhận nhiệm vụ rất trọng đại là xâm nhập thực tế để tìm hiểu về việc thực hiện 8 mục tiêu thiên niên kỷ ở Việt Nam?

Tôi có thể nói đó là thói quen và ham mê xê dịch, khi trong bộ phim này, người dẫn chuyện phải đi rất nhiều. Từ lâu tôi đã thấy một điều, con người sẽ trưởng thành hơn qua mỗi chuyến đi. Có thể chỉ đi về quê thôi, chưa cần nói đi đâu xa, cũng có thể giúp mình có thêm nhiều bài học.

Nhiều người trẻ thế hệ trước không có thói quen xê dịch mạnh mẽ. Hoặc ngay với giới trẻ ngày nay, xê dịch, nhiều khi chỉ để nhìn ngắm phong cảnh, đi theo tour... mà chưa biết cách đi.... Nếu tự thân đi, chủ động tìm kiếm, khám phá thì chuyến đi ấy sẽ có ảnh hưởng đến bản thân và tương lai của mình nhiều hơn.

Tôi đã từng nghĩ chắc mình không thể xa Hà Nội được một tuần, vì lúc nào cũng thấy gắn bó với nơi đây. Nhưng khi đã chủ động muốn đến những nơi khác Hà Nội, tôi đã có được nhiều điều mà nếu chỉ ở một chỗ - đôi khi tự thấy rất ngột ngạt - tôi sẽ không thể có được...

Sau cuộc hành trình dài cho “Ngày mai của bạn và tôi”, Xuân đã “có được” gì, muốn chia sẻ điều gì?

Tôi có hai điều muốn nói. Người ta đang nói nhiều đến thế hệ 8X, 9X với những điều mới mẻ, những sự tung hô. 8X là gắn với hip hop, Internet, sành điệu... Và chính những người thuộc thế hệ 8X cũng tự hài lòng với “tổ ấm” riêng, sống cá nhân, cho rằng mình khác, lạ; thực ra thế hệ nào chẳng khác nhau. Nếu đi nhiều, trải nghiệm nhiều thì rất có thể thấy mình cần hòa nhập hơn vào cuộc sống chứ không nên sống cá nhân quá...

Với bộ phim này mình cũng mong muốn sẽ khiến các bạn trẻ không chỉ suy nghĩ mà còn hành động. Mỗi người hãy sống có trách nhiệm với chính bản thân mình hơn nữa, như thế chính là đã giúp ích cho xã hội. Bây giờ giới trẻ hội nhập với nhiều xu hướng khác nhau, dễ bị lạc, nên rất cần dừng lại để nhận ra con đường đi của riêng mình...

Trong số 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc (MDGs), Xuân thấy mục tiêu nào là thách thức lớn nhất với Việt Nam?

Hai mục tiêu khiến tôi trăn trở là xóa bỏ đói nghèo và đẩy lùi HIV/AIDS. Đói nghèo chính là nguyên nhân chính dẫn đến những vấn nạn, thách thức khác. Có thể đâu đó không còn đói, nhưng người nghèo thì vẫn còn rất nhiều trên đất nước ta... Còn với HIV/AIDS, tôi đau lòng nhất là sự kỳ thị của cộng đồng với người nhiễm chưa mất đi.

Khi thực hiện bộ phim, tôi đã có những kỷ niệm không thể quên với hai vấn nạn, thách thức này, có những kỉ niệm không có trong phim. Đó là khi tôi tới Đồng Văn (Hà Giang) và chứng kiến cái chết thương tâm của một gia đình 5 người. Cả nhà chết vì ngộ độc vì thức ăn để lâu ngày, đã hỏng. Vì quá đói nghèo mà họ đã phải chết thảm thương như thế. Với nhiều người thì miếng cơm manh áo vẫn còn là nỗi lo toan cực nhọc, là điều còn phải mơ tới.

Câu chuyện về HIV gắn với hình ảnh em Hồ Thị Minh Thùy, 8 tuổi, nhiễm HIV giai đoạn cuối. Thùy buộc phải nghỉ học vì căn bệnh này. Cuộc sống của đứa trẻ gầy yếu như em về vật chất đã khổ, tinh thần còn khổ hơn nhiều khi phải đối mặt với sự kỳ thị của những người xung quanh.

Nghe nói bộ phim còn có sự tham gia của ngôi sao hành động Thành Long (Jackie Chan), như vậy Xuân đã gặp nhân vậy này?

Đúng vậy, Thành Long có góp mặt trong phim trong chuyến sang thăm Việt Nam. Để mỗi tập phim trở nên hấp dẫn thu hút bạn trẻ thì luôn có sự xuất hiện của những người nổi tiếng như Mỹ Linh hay ban nhạc Bức Tường... Họ sẽ cùng giới trẻ nói về việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỳ.

Theo Bùi Nguyễn Việt
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm