Đừng tự ru ngủ với câu cửa miệng “Sống chung với lũ”

(Dân trí) - Trong sự kiện Ngày hội Lãnh đạo trẻ toàn cầu mới đây, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ với hơn 300 học sinh, sinh viên Hà Nội về chủ nghĩa anh hùng bằng những thông điệp, giá trị có sức lan tỏa mạnh mẽ, tràn đầy cảm hứng.

Để truyền tải nội dung Người trẻ muốn làm gì để kiến tạo xã hội, TS. Đặng Hoàng Giang (Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, tác giả cuốn sách “Bức xúc không làm ta vô can”) đã có một bài diễn thuyết dài 20 phút về Chủ nghĩa anh hùng.

Mở đầu chương trình, TS. Đặng Hoàng Giang chia sẻ: “Trước khi trả lời câu hỏi: Nên làm gì?, chúng ta cũng trả lời câu hỏi Không nên làm gì? Và việc đầu tiên là “không nên sống chung với lũ”…

Họ nói rằng mọi việc xung quanh rất là tệ, những cái xấu đang diễn ra, nhưng tôi vẫn phải sống theo nó, không thể đi ngược lại nó. Trách nhiệm không thuộc về tôi, mà trách nhiệm thuộc về bên ngoài, ở tập thể, ở môi trường.... Và với tư duy này, họ ru ngủ bản thân, ve vãn lương tâm của mình, trong khi đó vẫn dung túng, trục lợi từ những điều sai trái xảy ra ở bên ngoài.

Chúng ta phải thay đổi vì nếu chọn tư duy này sẽ đi vào cái dốc trơn trượt sai trái, mà bắt nguồn từ việc chúng ta vô tâm làm việc gì đó sai trái nhỏ thôi, nhưng không có đủ dũng cảm để chịu trách nhiệm... Chúng ta không thách thức, không phê phán chuẩn mực của đám đông. Đôi khi chúng ta thấy đám đông là sai, nhưng vì đó là đám đông, chúng ta đi theo nó”.


Chúng ta có thể không thể trở thành Lý Quang Diệu nhưng có thể tạo ra cho cộng đồng của mình những giá trị đáng quý, TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ.

"Chúng ta có thể không thể trở thành Lý Quang Diệu nhưng có thể tạo ra cho cộng đồng của mình những giá trị đáng quý", TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ.

Điều thứ hai mà TS.Đặng Hoàng Giang cho rằng không nên làm được gửi gắm qua câu chuyện trốn vé tàu. Tiến sĩ ví von Việt Nam là một đoàn tàu đang đi tới tương lai.

Và đoàn tàu này chỉ có thể chạy được khi mỗi người đều trả vé. Nhưng thực tế có những người không mua vé, họ ngồi trên tàu và mong rằng những người khác sẽ mua vé, và khi tàu chạy, họ sẽ được hưởng lợi theo.

“Bên cạnh hai khía cạnh chúng ta cần tránh, chúng ta nên trở thành những người anh hùng thường nhật. Bình thường chúng ta hay nghĩ đất nước đi lên cần những người như Lý Quang Diệu hay San Suu Kyi của Myanmar, mình thì bé nhỏ không làm được gì.

Thế nhưng ông Philip George Zimbardo nói rằng, chúng ta có thể làm được những anh hùng trong các hoàn cảnh rất cụ thể, thường nhật. Những môi trường đó có thể rất là bé như trường học, gia đình, cơ quan... Và ai cũng có thể trở thành anh hùng thường nhật. Chúng ta có thể không thể trở thành Lý Quang Diệu nhưng có thể tạo ra cho cộng đồng của mình những giá trị đáng quý”, tiến sĩ nói.

TS. Đặng Hoàng Giang đã đưa ra nhiều ví dụ, dẫn chứng về những người anh hùng thường nhật trên thế giới và Việt Nam. 1/12/1955, Rosa Parks, một thợ may ở Montgomery (Alabama, Mỹ) từ chối nhường ghế của mình trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng (lúc này ở bang cô ấy sống phân chia khu vực người da trắng và da đen trên xe buýt, và nếu người da trắng hết chỗ thì người da đen phải đứng lên, nhường chỗ cho người da trắng).

Cô bị bắt, bị buộc tội vi phạm sắc lệnh phân biệt của địa phương và bị đuổi việc. Theo Tiến sĩ, hành động của cô ấy đã trở thành biểu tượng của phong trào chống kỳ thị người da đen.


TS. Đặng Hoàng Giang cũng cho rằng, người trẻ nên nuôi dưỡng bản thân, bằng những nguồn cho mình năng lượng: những người bạn tốt, tác phẩm nghệ thuật, thiên nhiên... nếu không, sẽ bị kiệt quệ, cả về mặt tim lẫn mặt óc.

TS. Đặng Hoàng Giang cũng cho rằng, người trẻ nên nuôi dưỡng bản thân, bằng những nguồn cho mình năng lượng: những người bạn tốt, tác phẩm nghệ thuật, thiên nhiên... nếu không, sẽ bị kiệt quệ, cả về mặt tim lẫn mặt óc.

TS.Đặng Hoàng Giang cũng đưa ra câu chuyện về cô bé 7 tuổi da đen đi học trong ngôi trường học sinh da trắng (năm đó, Mỹ ra quyết định các trường da trắng phải nhận cả học sinh da đen vào học).

Ngày khai giảng, có 4 cảnh sát hộ tống mẹ con cô bé đến trường, đi qua một đám đông khổng lồ của những phụ huynh da trắng kêu gào, đập phá, lăng nhục, và ném cà chua, đe dọa giết vì họ không chấp nhận trẻ em da đen học chung với con cái của họ. Nhưng gia đình của em vẫn quyết định để em tiếp tục học trong trường.

Và trong một năm đó, chỉ có một cô và 1 trò, đồng thời luôn đi qua đám đông hung dữ kỳ thị như thế. Nhưng họ vẫn kiên trì không chuyển sang một trường da đen khác để bé cùng học, cùng chơi, có một cuộc sống “bình thường”. Tiến sĩ cho rằng, họ không muốn có một cuộc sống “bình thường” vì họ muốn chiến đấu cho giá trị của họ.

Ở Việt Nam, TS.Đặng Hoàng Giang lấy dẫn chứng về thầy giáo Nguyễn Thận đã dành 15 năm trong cuộc đời mình để đi giành công lý và giải oan cho người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén – học trò của mình bị tuyên án sai là giết người và chịu tù chung thân.

Hay trường hợp giáo viên Trần Thị Phương Nhung, công tác tại trường Tiểu học Nam Trung Yên. Khi cô hiệu trưởng và hiệu phó gây vụ gãy chân cho học sinh đã yêu cầu các giáo viên ký vào bản khảo sát không thấy xe trong trường nhưng cô Nhung và một vài người bạn từ chối, đồng thời gặp báo chí và đưa vụ việc ra ánh sáng.

Theo Tiến sĩ, không có chị Nhung thì báo chí không thể biết bản chất đằng sau đó. Đây là trường hợp kinh điển của một người anh hùng thường nhật.

Cũng là giáo viên cấp 1, nhưng chị Nhung lại làm việc ấy trong khi nhiều người khác lại không làm được? Câu trả lời là chị Nhung đã tạo cho mình một sức kháng cự và sự dẻo dai để có thể đứng vững trong môi trường ấy.

Ban đầu là đứng ra chịu trách nhiệm cái mình làm, đưa ra tôn chỉ sống, tuân theo quyền lực đúng chứ không theo quyền lực sai. Ai cũng muốn tập thể yêu thương chấp nhận, nhưng nếu tập thể ấy sai, thì thà là lẻ loi và bị hắt hủi, còn hơn là phụng sự cho cái sai của tập thể.

Từ đó, TS.Đặng Hoàng Giang dùng từ “Lựa chọn” cho những hành động của các anh hùng thường nhật. “Ông Nguyễn Thận đã lựa chọn 15 năm của ông ấy và ông ấy hạnh phúc với lựa chọn đấy.

Chị Nhung chắc chắn là hài lòng, yên tâm vào lựa chọn của mình, và không coi hành động đấy là sự hy sinh. Đó là hành động cần thiết để căn tính của chị ấy được bảo đảm. Nếu chị không làm việc đó thì chị không phải là chị nữa.

Để trở thành anh hùng thường nhật, cần một sự dũng cảm nhất định, cần phải có một sự đánh đổi...Đồng thời, chúng ta phải có những trang bị nhất định, không thể cứ lên đường mà đi, không thể dùng trái tim để khởi hành. Chúng ta cần xây dựng cho mình một hệ giá trị cái gì là đúng, cái gì là sai.

Hằng ngày chúng ta cần trao đổi để có thể chắc chắn về hệ giá trị đó của mình. Và chúng ta kết nối những người đồng chí hướng...Chúng ta không thể cứu được môi trường, không thể cứu được rừng cây, không thể ủng hộ quyền phụ nữ… nếu chúng ta chỉ có một mình”.

TS. Đặng Hoàng Giang cũng cho rằng, người trẻ nên nuôi dưỡng bản thân, bằng những nguồn cho mình năng lượng: những người bạn tốt, tác phẩm nghệ thuật, thiên nhiên... nếu không, sẽ bị kiệt quệ, cả về mặt tim lẫn mặt óc.

Theo Tiến sĩ, làm từ thiện hay xã hội, trái tim thôi sẽ không đủ, nếu không có kinh nghiệm, sẽ không thể đi đến đích. Ngoài ra người trẻ còn cần rất nhiều thứ, như sự đoàn kết, kỷ luật, một tinh thần vững chí không nản, rèn luyện sự thất bại, thành công...

“Cho nên tôi nghĩ là đối với các bạn trẻ thì điều quan trọng nhất là chúng ta sẽ có cho mình một trí óc minh mẫn, một thân thể khỏe mạnh, một tâm hồn tươi sáng và lúc ấy, chúng ta mới có thể đi được xa, và chịu được những phong trần, phong sương, mà chắc chắn cuộc đời sẽ đem lại cho các bạn”, TS.Đặng Hoàng Giang bày tỏ.

Hoàng Dung (ghi)