Đừng cầu nguyện không đau khổ, mà hãy cầu đủ sức mạnh vượt qua đau khổ
(Dân trí) - Chỉ có một trái tim đã từng tổn thương mới có thể dành sự chữa lành tốt nhất cho những trái tim tổn thương khác.
Hãy cầu nguyện có sức mạnh để vượt qua đau khổ
Sở dĩ mình chọn nói về chủ đề chữa lành một trái tim tan vỡ là bởi vì mình tin rằng đa số chúng ta đều đứng lên từ những vỡ vụn, trưởng thành từ những nỗi đau.
Con người thì ai cũng sợ khổ, cái gì mà khó khăn, khổ đau thì chúng ta đều không muốn trải qua. Thậm chí, ta đi đến những nơi thờ phụng các đấng linh thiêng, ta cũng cầu xin sự bình an và suôn sẻ trước mọi sự.
Trước đây mình cũng vậy, lúc nào đi đến cửa chùa mình cũng mong cầu sự may mắn và một đời sống lúc nào cũng chỉ toàn là hạnh phúc. Rồi mình lần lượt trải qua những biến cố; khi đó, mình mới bắt đầu nhận ra rằng có những chuyện khi mới đối mặt ta tưởng đó là bất hạnh, nhưng bước qua được rồi, ngoảnh đầu nhìn lại ta mới nhận ra đó là một sự may mắn.
Kể từ đó, mỗi lần đặt chân đến một nơi linh thiêng mình không còn cầu xin một cuộc đời không có khổ đau nữa, mà mình xin hãy cho mình có đủ sức mạnh để vượt qua sự khổ đau mà mình cần phải vượt qua, cũng như có đủ sự sáng suốt để có thể nhìn thấy bài học mà vũ trụ muốn mình phải học từ trong chính sự khổ đau đó.
Để có thể đồng cảm và thấu hiểu được với nỗi khổ của các bạn, mình cũng đã trải qua chính những cái khổ mà các bạn đang trải qua. Mình cũng có một trái tim tan vỡ và cứ mỗi một mảnh vỡ là một lần mình cảm nhận được sự trưởng thành vô cùng của linh hồn. Chỉ có một trái tim đã từng tổn thương mới có thể dành sự chữa lành tốt nhất cho những trái tim tổn thương khác.
Chữa lành lòng tin vào giá trị của bản thân
Những nỗi đau lớn nhất có thể khiến một người thay đổi toàn bộ nhân sinh quan của họ đó là: Nỗi đau trong chuyện tình cảm, nỗi đau đối với người thân trong gia đình, nỗi đau khi sự nghiệp bấp bênh, tụt dốc và nỗi đau do sự phản trắc của bạn bè hoặc sự phán xét của xã hội. Tất cả những nỗi đau đó đều có một điểm chung là khiến bạn hoài nghi vào giá trị của bản thân.
Bạn có thể mất một khoản tiền hoặc một tài sản nào đó, cái cảm giác tiếc của nó sẽ qua sau một thời gian ngắn, khi mà bạn tự an ủi bản thân: "Thôi thì của đi thay người". Nhưng khi bạn mất đi lòng tin vào giá trị và năng lực của chính mình, bạn sẽ trở nên hoài nghi mọi thứ và dần ngắt kết nối với thế giới xung quanh, để thu mình trong sự dằn vặt nội tâm.
Sự dày vò đó không bao giờ mất đi theo thời gian, mà ngược lại còn tăng lên, khi mà càng lúc bạn sẽ càng có xu hướng đổ lỗi và bởi vì bạn đang hoài nghi chính mình nên bạn cũng sẽ hoài nghi mọi thứ xung quanh. Điều này sẽ làm ngăn trở cơ hội để bạn có thể mở một cánh cửa mới tốt đẹp và xứng đáng với bạn hơn.
Vì vậy, chữa lành ở đây không phải là chúng ta chữa lành cái câu chuyện đau thương người khác đã gây ra cho bạn, mà là bạn đang tự tìm lại và chữa lành lòng tin vào giá trị của bản thân. Khi lòng tin vào bản thân của bạn quay trở lại, bạn mới có đủ sự bao dung và rộng mở để tha thứ cho những điều chưa trọn vẹn mà người khác đã gây ra.
Thay đổi là một điều hiển nhiên trong cuộc sống. Khi bạn chưa sẵn sàng để đối mặt, bạn sẽ nghĩ thay đổi là một sự kết thúc. Nhưng nếu bạn cởi mở tâm trí để đón nhận thì bạn sẽ thấy thay đổi chính là một sự chuyển tiếp. Mọi điều trên thế gian này muốn tồn tại và phát triển đều phải trải qua những lần chuyển tiếp. Không có sự chuyển tiếp thì vạn vật sẽ chỉ đi theo lối mòn sinh và diệt.
Có 5 giai đoạn cảm xúc mà con người sẽ trải qua trong quá thay đổi này mà nhà tâm lý học Kubler Ross đã chỉ ra, đó là: Chối bỏ - Phẫn nộ - Thỏa hiệp - Chán nản - Chấp nhận.
Điều đó cũng có nghĩa là trong hành trình chữa lành. Sẽ có những lúc bạn chối bỏ nguyên nhân thật sự khiến trái tim bạn tan vỡ. Bạn trở nên tức giận với người mà bạn cho là nguyên nhân khiến bạn đau khổ, sự tức giận đó lên đến đỉnh điểm sẽ khiến bạn cảm thấy rất bế tắc. Sau đó, bạn sẽ cảm thấy mắc kẹt vì tâm trí không thể thoát ra khỏi quá khứ và bắt đầu nghi ngờ chính mình.
Giai đoạn thứ tư, sự chán nản và buông xuôi tràn ngập trong mỗi một tế bào không khí mà bạn hít thở, đây cũng chính là giai đoạn đau đớn nhất. Bạn có thể rơi vào sự tuyệt vọng đến mức trầm cảm; thậm chí, nỗi đau đớn vô hạn khiến bạn muốn từ bỏ cuộc sống này. Nhưng nếu bạn biết đây là một phản ứng cần có, thì bạn sẽ kiên nhẫn với chính mình hơn một chút để chờ đợi giai đoạn cuối cùng.
Sự chấp nhận ở giai đoạn cuối cùng không phải là buông xuôi, mà chính là sự rộng mở về mặt tâm trí, bạn chấp nhận sự kết thúc của những thứ cần phải kết thúc, buông bỏ mọi cảm xúc tiêu cực, sự đổ lỗi để nhìn thấu mọi vấn đề ở mức độ rất sâu, để rồi bạn có đủ sức mạnh để vực dậy, tái sinh bước vào sự chuyển tiếp.
Cho dù bạn đã trải qua những gì đi chăng nữa, mình muốn bạn hiểu rằng cách mà người khác đối xử với bạn sẽ phản ánh giá trị của họ chứ không phải là hạ thấp đi giá trị của bạn.
Một trái tim đã từng tan vỡ và được chữa lành sẽ là một trái tim đẹp đẽ nhất. Nơi đó sẽ đủ rộng lớn để chứa đựng sự tha thứ, lòng nhân hậu và sự mạnh mẽ để vượt lên mở một cánh cửa mới tốt đẹp hơn gấp ngàn lần những gì đã thuộc về quá khứ.
Chúng ta chắc chắn sẽ sống tiếp nhưng không phải là một sự tồn tại vô nghĩa cho qua ngày đoạn tháng, mà phải là một cuộc sống đáng giá và kỳ diệu hơn những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng được!
Tác giả bài viết - Tuệ Nghi (tên thật là Phan Thanh Bảo Ngọc) - sinh năm 1993. Bên cạnh công việc chính là kinh doanh, Tuệ Nghi là tác giả của các cuốn sách liên tục nằm trong danh sách best-seller, như: Can trường bước tiếp, Luật Ngầm, Sẽ có cách, đừng lo!, Cứ bình tĩnh, Đàn ông hay hứa, Phụ nữ hay tin...