Đủ trò ép nhau nâng ly trên bàn nhậu

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Chàng trai trẻ muốn nhấp môi mời chung cả bàn, liền bị ép: "Đây là bậc chú lớn tuổi nhất trong bàn, đây rể của lớp, còn đây là mấy thằng cùng lớp anh. Em mời thế nào cho phải".

Bữa gặp mặt, nói chính xác là giỗ bà nội của gia chủ, người bà mất cách đây cả chục năm. Thời điểm ngay sau tết nên năm nào chủ nhà cũng tổ chức làm chục mâm cỗ mời đủ mọi thành phần, anh em họ hàng từ thân đến sơ, hàng xóm, bạn học cũ, dâu rể như "lời chào Xuân"... 

Ngoài nén hương thắp cho người quá cố, ngày giỗ chẳng khác nào bữa tiệc nhậu. Chỉ vài câu hỏi han qua loa ở đâu, làm gì, còn tất cả lời qua lại, trò chuyện ở bàn tiệc chỉ duy nhất một nội dung: Uống!

Đủ trò ép nhau nâng ly trên bàn nhậu - 1

Khắp các bàn, rượu cả can chục lít luôn sẵn sàng. Đủ các lời, anh mời em, mời chị, mời bác, mời chú ly này, mời nhóm riêng ly khác, mời cả bàn lại ly khác nữa... 

Có chàng trai trẻ, bị nhóm bạn cũ của cũ của chủ nhà kéo vào bàn - dù còn không biết tên, không rõ quan hệ thế nào - với yêu cầu: "Em phải uống với tụi anh chén". 

Chàng trai trẻ có chút gượng gạo, cầm ly lên: "Em xin phép mời cả bàn mình ly này, chúc sức khỏe cả nhà ạ". 

Cậu vừa ngắt lời, người thanh niên tên Trọng ngồi bên cạnh, đưa tay đẩy cái ly xuống: "Chú làm vậy là không được, thiếu tôn trọng bọn anh. Mời vậy sao bọn anh dám uống". 

Trọng đưa tay giới thiệu: "Đây là bậc chú lớn tuổi nhất trong bàn, đây rể của lớp, còn đây là mấy thằng cùng lớp anh. Em mời thế nào cho phải".

Cuối cùng, chàng trai trẻ phải nâng 3 ly để mời những người mình không quen biết. Chưa kể, có người còn mời "uống riêng với anh" vì "trông chú quen quen, hình như gần khu nhà anh", có người mới vào lại mời thêm ly nữa... 

Đủ trò ép nhau nâng ly trên bàn nhậu - 2

Cả chục mâm cỗ là đủ chiêu, đủ trò, đủ kiểu, để mời nhau uống. Câu chuyện không còn gì khác ngoài việc chú uống, anh uống, trọng anh, khinh anh. 

Tiệc kéo dài cũng là lúc nhiều người "kém lực nhậu" nằm giữa bàn nhưng vẫn bị đỡ dậy,  đẩy cho múi cam rồi... cầm ly tiếp; có người chạy ra ngoài "huệ ơi" vào vẫn đi chúc người khác hoặc tiếp tục bị ép...

Không chỉ cánh đàn ông ép nhau mà họ còn ép chị em phụ nữ uống. Vợ của chủ nhà, là dâu ở phố về, vừa trẻ vừa đẹp liên tục bị ép: "Uống với anh chén này", hay "Chị phải uống với em ly này". Hết ép chuyển sang gạ: "Chị mời tụi em ly". Đến anh chồng lâu lâu cũng ới: "Bà xã uống giúp anh". 

Có cô gái lắc đầu từ chối, xin phép chỉ nhấp môi thì nghe ngay: "Ở đây không có khái niệm nhấp môi. Ai nhấp thì nhấp nhiều lần hết".

Có đàn ông còn đưa tay, đẩy ép ly rượu lên tận miệng chị em vô cùng khiếm nhã. Hay ngồi "canh me" người khác, nhìn người khác uống bằng hết cũng chưa chắc đã tha... 

T.N.Thương, quê ở Hà Tĩnh cho biết, mỗi lần đi ăn uống, tiệc tùng, giỗ chạp cô rất sợ việc người ta ép nhau nhậu. Cô không uống rượu bia, nhưng có khi ngồi vào bàn, không thể nào đỡ lại được những kiểu mời, ép nhậu. 

"Nhiều người mời, ép rất vô văn hóa. Muốn thoát, chỉ có cách đứng dậy bỏ ra về. Tuy nhiên, nói thì dễ, không phải buổi gặp nào mình cũng có thể phản kháng theo cách đó", Thương nói. 

Đủ trò ép nhau nâng ly trên bàn nhậu - 3

Ép uống trở thành điều thường thấy ở nhiều bữa tiệc, gặp mặt (Ảnh: Lê Đăng Đạt)

Phải nói, thói quen nhậu ăn sâu trong sinh hoạt đến độ hiện nay những ngày như giỗ, cưới, tiệc, gặp mặt, sinh nhật, thậm chí là đầy tháng, đầy năm của con nhỏ... cũng trở thành dịp để người lớn ép nhau uống. 

Cũng bởi vậy, thực tế, có không ít buổi gặp mặt anh em họ hàng, bằng hữu kết thúc bằng những vụ ẩu đả, mâu thuẫn, đánh nhau, giết nhau... khi xuất phát từ rượu vào lời ra.

Cũng không ít trường hợp uống rượu bia cho đến loạn thần, bệnh tật hay cho đến chết. Chưa kể những hậu họa từ rượu bia có thể gây ra cho những người không sử dụng như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình... 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2016 một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn (tương đương 470 chai bia).
 
Tốc độ tiêu thụ bia rượu của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong khi mức sử dụng của thế giới đang giảm xuống. 
 
Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm.