Dự án gọi vốn của 9X Việt cạnh tranh vé vào Chung kết Sáng kiến toàn cầu Mỹ

(Dân trí) - Với mong muốn xây dựng, đóng góp xã hội phát triển, hạnh phúc hơn, Hoàng Yến Phương (SN 1990) đã xây dựng nền tảng gọi vốn cộng đồng có tên Fundy – một trong ba dự án đang cạnh tranh tấm vé vào chung kết Sáng kiến toàn cầu tại Silicon Valley (Mỹ).

Đóng góp để xã hội phát triển, hạnh phúc hơn

Tốt nghiệp trường ĐH Y tế công cộng với nhiều khen thưởng của Đoàn trường và Thành Đoàn Hà Nội về quá trình hoạt động thanh niên sôi nổi, Yến Phương đã làm trái ngành - biên tập viên và marketing online trong 3 năm.

Sau đó, việc bất ngờ trúng tuyển chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á (Chính phủ Nhật Bản) đã mang đến cho Phương một hành trình thú vị, có ý nghĩa bước ngoặt.

“Mình nhận được rất nhiều tình cảm – như ruột thịt, từ bạn bè, từ các gia đình quốc tế. Chính điều đó làm cho mình cảm thấy thế giới này có nhiều tình yêu vô điều kiện hơn bản thân vẫn nghĩ. Do đó, mình nhận ra niềm yêu thích của bản thân với việc khám phá và thay đổi thế giới để biến xã hội mình đang sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn”, Phương chia sẻ.


Hoàng Yến Phương từng là đại biểu Việt Nam tham dự chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á.

Hoàng Yến Phương từng là đại biểu Việt Nam tham dự chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á.

Từ những kinh nghiệm hoạt động và làm việc, Phương hiểu rõ một trong những thách thức lớn nhất của người thực hiện dự án xã hội là mời tài trợ và liên hệ báo chí – truyền thông.

Qua tìm hiểu, Phương biết đến crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) và nhận thấy mô hình này có thể quy tụ được các dự án, để tìm kiếm nguồn tài chính và giúp truyền thông dễ dàng đưa tin một cách chuyên nghiệp, hệ thống.

“Nhận thấy các nền tảng crowdfunding hiện nay ở Việt Nam có điểm yếu là thiếu dự án để gọi vốn, nên mình chủ động mời một số cộng sự tổ chức tốt những dự án xã hội chuyên nghiệp. Họ cũng hiểu rõ nhất về khách hàng – những người hoạt động cộng đồng để hợp tác hiệu quả”.

Theo Phương, một trong những lý do các nền tảng crowdfunding trước giờ chưa kiếm được nhiều tiền từ dự án để duy trì hoạt động là rào cản về thanh toán online ở Việt Nam vẫn còn quá lớn, khiến người đóng góp gặp khó khăn trong việc ủng hộ.

“Fundy có một số cách giải quyết: thông qua hệ thống hội chợ hằng tháng ở các thành phố lớn với mục đích nhận quyên góp offline, mời tài trợ từ những doanh nghiệp có nguồn tài chính dành cho xã hội, và hệ thống thương mại điện tử để cộng đồng thanh toán trên mạng”, Phương nói.

Theo Phương, hoạt động quản lý đối với các dự án nói chung sẽ qua 3 bước: duyệt hồ sơ dự án, phỏng vấn và chuyển giao nguồn vốn. Các dự án có số vốn lớn sẽ có khả năng được kiểm soát dưới một công ty kiểm toán độc lập. Dòng lợi nhuận chính của Fundy đến từ hoạt động gọi vốn cộng đồng, nguồn vốn của các doanh nghiệp, tổ chức.

Tiêu chí lựa chọn dự án là mang tính bền vững cao, phục vụ hoặc giải quyết vấn đề cho một nhóm đối tượng cụ thể, không nhận các dự án mang hình thức quyên góp trao tiền, trao quà. Và để xây đựng cộng đồng có nhiều dự án tốt, một trong những hoạt động được chú trọng của Fundy là đào tạo quản lý do các chuyên gia thực hiện.

Dự kiến Fundy sẽ khởi động và thực hiện gọi vốn cho dự án đầu tiên vào tháng 4 – 5 năm 2016, nhằm hỗ trợ trẻ em khu vực vùng sâu vùng xa tại Việt Nam.

Dự án gọi vốn của 9X Việt cạnh tranh vé vào Chung kết Sáng kiến toàn cầu Mỹ - 2

Tâm thế tích cực trong việc tiếp cận kiến thức “miễn phí”

Với dự án Fundy, Yến Phương đạt học bổng toàn phần chương trình Dream Project Incubator 2015 tới thành phố Boston (Mỹ) để học tập về thế giới khởi nghiệp. “Hành trình này đã giúp ý tưởng về Fundy dần định hình và trở nên thực tế hơn, đồng thời một lần nữa giúp mình khẳng định tính khả thi của dự án không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới”.

Và chỉ vài tháng sau khi thành lập, Fundy đã đạt được giải Nhì tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Viện ươm tạo công nghệ của Bộ khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức cuối năm 2015, và Học bổng toàn phần khóa học 5 tháng về Entrepreneurship do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tài trợ.

“Sau khi trình bày, dự án đã nhận được nhiều lời khen và động viên từ các cô chú thuộc thành phần ban giám khảo của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong đó, bác trưởng ban giám khảo nói rằng: Chưa biết các bạn sẽ làm thực tế được đến đâu, nhưng tôi và các anh chị ngồi đây đã muốn tham gia với các bạn rồi. Chính lời này đã cổ vũ tinh thần của các thành viên trong nhóm rất nhiều!”.

Không dừng tại đó, Fundy đã nhanh chóng được các nhà đầu tư và ươm tạo khởi nghiệp trên thế giới đánh giá cao khi lọt vào top các cuộc thi quy mô Đông Nam Á và thế giới như Top 30 Startup Pedia Asean 2016, top 8% chương trình Global Entrepreneurship Bootcamp 2016 của trường đại học MIT.

Đặc biệt, vượt qua hơn 900 dự án trên toàn thế giới, Fundy đang nằm trong danh sách bán kết của cuộc thi Sáng kiến khởi nghiệp (GIST Tech-I 2016) tại Silicon Valley.


Dự án Fundy của Yến Phương là một trong 3 dự án Việt Nam lọt vào Bán kết cuộc thi Sáng kiến toàn cầu của Mỹ.

Dự án Fundy của Yến Phương là một trong 3 dự án Việt Nam lọt vào Bán kết cuộc thi Sáng kiến toàn cầu của Mỹ.

Tham gia các cuộc thi này, xuất phát từ việc Phương xác định Fundy sẽ trở thành một trang gọi vốn cộng đồng mang tính quốc tế (có khả năng huy động vốn từ nước ngoài chứ không chỉ riêng tại Việt Nam).

“Và mình tham gia để học hỏi từ người làm startup trên thế giới, nhất là lĩnh vực crowdfunding – đã rất phát triển ở Mỹ, đồng thời có mạng lưới quan hệ tốt hơn.

Mặc dù mới chỉ dừng lại ở vòng bán kết 2 cuộc thi quốc tế trước đây, nhưng mình chưa bao giờ coi đó là thất bại. Mỗi cuộc thi đều đem lại sự tiến bộ trong việc phát triển ý tưởng của mình, giúp mình tìm ra điểm còn thiếu, và đánh giá xem bản thân đang ở đâu so với bạn bè thế giới”.

Phương tự nhận thấy bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực startup, nhiều khi cũng “nản lòng, thoái chí” vì không tìm ra được cách giải quyết những khó khăn. Nhưng với một tinh thần cầu tiến, học hỏi rất tích cực, Phương dần tích lũy nhiều kiến thức quý giá. Những sự kiện, hội thảo hay khóa học miễn phí, Phương rất chăm chỉ đón nhận.

“Mình lựa chọn ngồi hàng ghế đầu, vì nó giúp mình tăng 80% khối lượng giá trị “vắt” được từ sự kiện đó. Một cô giáo từng nói nhiều người thường không coi trọng giá trị của những buổi học miễn phí, song mình quan niệm ngược lại. Giá trị của một thứ không nằm ở giá trị mình phải bỏ ra, mà nằm ở giá trị mình thu được về từ nó.

Thế nên, mình thấy có một điều rõ ràng trong chuỗi học bổng liên tiếp nhau của mình, từ Nhật – Mỹ…cho đến các khóa trong nước: học bổng sau là do kết quả của học bổng trước nó. Nhờ những giá trị mà mình tích lũy được ở sự kiện trước, mình giành được những khóa học sau”.

Cuộc thi Sáng kiến toàn cầu (GIST Tech –I 2016) được khởi xướng bởi chính phủ Mỹ, nhằm chọn ra những công ty về công nghệ có giá trị cộng đồng cao. Năm 2016 có tổng cộng hơn 1000 hồ sợ nộp từ rất nhiều nước trên thế giới và đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam có đại diện lọt vào vòng bán kết (top 102 dự án trên tổng số 1075) GIST Tech - I 2016.

Độc giả hãy ủng hộ cho Funy và các sản phẩm khác của Việt Nam lọt vào top 30 dự án tranh tài tại chung kết cuộc thi này, hãy bình chọn tại trang web: http://www.gistnetwork.org/content/tech-i-semi-finalists-voting .

Hoài Thư

(Ảnh NVCC)