Đối thoại với Cấn Vân Khánh về văn trẻ, sex và tình yêu

(Dân trí) - “Bản thân tôi chưa bao giờ có cái mong muốn viết về sex sao cho “thấm”, cho “chín”. Tôi chỉ muốn truyện của tôi gợi cảm, tinh tế và mùi mẫn một cách vừa đủ” - Nhà văn trẻ Cấn Vân Khánh bức xúc khi có người “đánh đồng” cuốn “Khi nào anh thuộc về em?” của chị với những cuốn sách khác đề cập nhiều về sex.

17 truyện ngắn và tản văn trong cuốn sách có cái tên rất…gợi: “Khi nào anh thuộc về em?” chưa hẳn truyện ngắn nào, tản văn nào cũng đặc sắc. Nhưng những trang văn như Điệp khúc mỳ tôm, Em có muốn tắm không, Ngày kín, Phía sau khe cửa… đọng lại trong độc giả với hình ảnh vừa dịu dàng, vừa day dứt về một nhân vật nữ khao khát kiếm tìm tình yêu nhưng chưa bao giờ với tới sự trọn vẹn và kết cục luôn là một dấu chấm lửng…

 

Cuốn sách xuất hiện đúng lúc dòng văn học bị coi là “giải trí và không tư tưởng” trở thành những “hiện tượng”, “trào lưu” trong nền văn học. Có kẻ khen, người chê. Đã có hàng loạt những luồng ý kiến trái ngược nhau về xu hướng viết thiếu kiềm chế, thái quá khi đề cập tới sex và việc bộc lộ cái “tôi” một cách “nóng nảy” của “văn chương 8X”.

 

Với tư cách vừa là “nạn nhân” khi Ngày kín (Trong tập truyện Khi nào anh thuộc về em?) “bị” đem ra mổ xẻ, khen chê; vừa đại diện cho một thế hệ cây bút trẻ năng động, không ngại gian khó, trắc trở - Cấn Vân Khánh đã có cuộc trò chuyện với Dân trí.

 

Với cái tên rất... gợi: “Khi nào anh thuộc về em?”, nhiều độc giả không khỏi không “gờn gợn”  tới những đầu sách ra trước - những đầu sách bị coi là nghiêng về dòng văn giải trí, câu khách như: Xin lỗi, em chỉ là con đĩ (Bảo Thê; Trang Hạ dịch), Hễ sướng thì hét lên (Trì Lợi; Trần Trúc Ly dịch), Phải lấy người như anh (Trần Thu Trang)… Chị lý giải thế nào về điều này?

 

Dòng văn giải trí theo tôi, không có gì là xấu. Thời buổi hiện nay, con người luôn phải quay cuồng bận rộn giữa hàng núi công việc, họ không đủ tâm sức và thời gian dành cho những tác phẩm văn học được coi là bác học, cao siêu, giàu tư tưởng mà họ chỉ cần những trang viết đem đến sự thư giãn nhẹ nhàng. Nếu văn giải trí là một ly nước làm dịu mát thảnh thơi tâm hồn thì tôi nghĩ không nên lên án hay coi thường nó.

 

Còn việc nó làm được gì, đọng lại bao nhiêu, thời gian cũng như quy luật đào thải của nghệ thuật sẽ có câu trả lời rõ nhất. Có một số cuốn sách được liệt vào loại văn giải trí bán rất chạy, điều đó chứng tỏ công chúng đã nhiệt tình đón nhận.

 

Có thể độc giả sẽ “gờn gợn” với cái tittle truyện của tôi, nhưng khi đọc xong sách của tôi, tôi tin cảm giác ấy sẽ được thay thế bằng cảm giác khác tốt hơn.   

Đối thoại với Cấn Vân Khánh về văn trẻ, sex và tình yêu - 1
Bìa sách "Khi nào anh thuộc về em?" 

 

Cuốn sách “Khi nào anh thuộc về em?” của Cấn Vân Khánh đề cập nhiều tới sex. Viết về sex không xấu nhưng để viết cho “ra hồn”  thì không phải dễ. Như nhà văn Y Ban nói thì “các cô trẻ viết sex chưa “thấm”, chưa “chín”…”. Chị… “nóng mặt” chưa?

 

Xin phải nói chính xác hơn là sách của tôi đề cập nhiều đến tình yêu chứ không phải là sex. Mà tình yêu thì không chỉ dừng lại ở cái nắm tay, vì như thế sẽ chỉ là tình bạn mất rồi. Tôi luôn kính trọng chị Y Ban cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, nên chuyện “nóng mặt” là không thể  xảy ra.

 

Chị ấy nói thế có lẽ vì nghĩ rằng “các cô trẻ” chưa có đủ trải nghiệm để viết sex. Bản thân tôi chưa bao giờ có cái mong muốn viết về sex sao cho “thấm” và cho “chín”, tôi chỉ muốn truyện của tôi gợi cảm tinh tế và mùi mẫn một cách vừa đủ. Tôi không bao giờ lấy làm tự hào nếu người ta nhắc đến tôi là một nhà văn viết rất giỏi về sex, vì đấy thực sự không phải phong cách của tôi!  

 

Cũng tại buổi thảo luận ngày 28/6 ở Hội nhà văn Việt Nam về tác phẩm của 12 cây bút trong cuốn “Vũ điệu thân gầy” (NXB Trẻ), có người nói thẳng: “Các tác giả trong Vũ điệu thân gầy thường viết bung ra, thái quá, thiếu kiềm chế” trong đó có cả truyện “Ngày kín”. Chị nghĩ sao?

 

Truyện Ngày kín của tôi không có căn cứ gì để có thể kết luận là bung ra, thái quá, thiếu kìm chế. Bạn đọc có thể đọc lại truyện ngắn này của tôi trong tập truyện Vũ điệu thân gầy.

 

Ý kiến khác còn cho rằng, tập truyện “Khi nào anh thuộc về em?” không chỉ viết kiểu “bung ra, thái quá, thiếu kiềm chế” mà lối viết còn dễ dãi nữa?

 

Ý kiến này nọ với một tác phẩm nghệ thuật là việc hết sức bình thường. Nếu bạn đọc biết tôi viết những truyện như Sự nhạy cảm, Phía sau khe cửa vào lúc 2 giờ đêm trong lúc tôi bị ốm và cảm lạnh thì sẽ không đến mức nghĩ tôi viết dễ dãi thế?!

   

Đối thoại với Cấn Vân Khánh về văn trẻ, sex và tình yêu - 2

"Tôi đã từng yêu và từng chia tay rất nhẹ nhàng".

Ngoài vấn đề tình dục, 17 truyện cùng những tản văn ngắn trong tập “Khi nào anh thuộc về em?” còn là các cung bậc tình cảm, tâm trạng của một người con gái luôn day dứt, kiếm tìm tình yêu dù chưa bao giờ đạt được một mối tình trọn vẹn. Chị đã bao giờ yêu như vậy chưa?

 

Tôi đã từng yêu và cũng đã từng chia tay rất nhẹ nhàng, thanh thản khi cảm thấy cả hai không thể tiếp tục đi cùng nhau trên con đường dài nữa. Tôi luôn đối xử tốt với người tôi yêu và nếu tôi có là người ra đi thì tôi tin anh ấy sẽ không thể oán trách được tôi.

 

Tôi không phải là người chủ động trong tình cảm. Tôi thích những gì tự nhiên. Kiếm tìm tình yêu tạm thời nằm ngoài khả năng của tôi.  

 

Giữa một cô gái trong truyện bản năng, từng trải khi khát khao, ham muốn đến tổn thương và một Cấn Vân Khánh tự nhận mình “nhỏ bé và không dễ bị… bắt nạt” có điểm chung nào không?

 

Nhân vật trong truyện tôi viết không phải là con người thật của tôi, nếu bạn đọc nghĩ thế mà sau này gặp tôi ngoài đời sẽ… thất vọng đấy.

 

Hình như những người đàn ông trong tập truyện ngắn của chị được yêu điên cuồng nhưng lại khá nhu nhược và…bạc bẽo?

 

Những người đàn ông được yêu điên cuồng nhưng rốt cuộc lại xuất hiện với hình ảnh khá nhu nhược và bạc bẽo… Vô lý quá phải không? Phải chăng phụ nữ khi yêu thường mù quáng? Tôi hy vọng những người đàn ông sau khi đọc truyện của tôi, lỡ bắt gặp hình ảnh mình trong đó thay vì trách tôi, họ sẽ cư xử tốt với người phụ nữ họ yêu hơn. 

 

Vậy ngoài đời, một người đàn ông như thế nào thì hấp dẫn được chị?

 

Một người luôn có thái độ trân trọng phụ nữ, luôn nhẹ nhàng và cưng chiều tôi. Đấy là tôi đang nói đến sự hấp dẫn thôi đấy nhé.

 

Xin cảm ơn và chúc chị gặp nhiều may mắn!

 

Sinh năm 1979 tại Hà Tây. Năm 1998, Cấn Vân Khánh đạt giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong, từng in 2 tập truyện ngắn Chàng hề của em (NXB Trẻ, 1998) và Hạnh phúc mơ hồ (NXB Văn hoá Sài Gòn, 2006).

 

Khi nào anh thuộc về em do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành là cuốn thứ 3 và cũng có thể coi là cuốn “gây sự chú ý nhất” của Cấn Vân Khánh.

 

Về bản thân, Khánh tự nhận mình là cô gái nhỏ bé, lạc quan, dễ chịu và hơi nóng tính; rất thích màu xanh, nghe nhạc, nấu nướng và cà phê với bạn bè. 

 

Tác giả thích đọc là Lý Lan (trong nước) và tất cả cuốn sách đã được dịch tại Việt Nam của nhà văn người Ba Lan Janus Leon Wisniewski.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Hằng
(Thực hiện)