Đời sinh viên và một dấu ấn

Khai thác khả năng bản thân, khai thác cơ hội, khai thác thông tin toàn cầu... - một thao tác rất quan trọng nhưng lại không hề có trong các giáo trình dành cho những người trẻ tuổi. Nhưng đã có những người thành công khi họ tự trang bị các kỹ năng đó cho mình!

Khai thác vài % khả năng bản thân

 

Sau 4 năm, 5 năm mòn gót trên giảng đường rất nhiều người trẻ tuổi hoàn thành được mục tiêu để lại một dấu ấn. Điều đó không đơn giản nếu như bạn học ở một trường danh tiếng có đến hàng nghìn SV. Bình, Thạch, Sơn, Mạnh là 4 SV năm cuối của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Họ vừa hoàn thành xong đề tài Hệ thống tự động kiểm soát và quản lý phòng thực hành sử dụng công nghệ mã vạch. Đề tài này đạt giải nhất khoa Điện tử Viễn thông, kiêm giải nhất của trường và được đánh giá là tương lai gần của nhiều giải thưởng khác.

 

Đỗ Phan Cẩm Thạch bảo rằng: Trước khi bắt tay vào thực hiện đề tài, mục tiêu của cả nhóm là: phải khép lại cuộc đời SV bằng cách tạo một sản phẩm thực tế chứ không dừng lại ở những nghiên cứu lý thuyết. Điểm và bằng cấp có thể quan trọng nhưng không quan trọng bằng những gì mình học được. Và cách tốt nhất để khẳng định những điều học được là tạo ra sản phẩm hoặc là những nghiên cứu đồ sộ hoặc là những sản phẩm hữu ích.

 

Cô tự tin: Khoa học đã chứng minh chỉ cần sử dụng tốt vài phần trăm khả năng của bản thân bạn đã có thể trở thành một thiên tài. Vì thế người thành công là người luôn biết đặt ra mục tiêu và khai thác triệt để khả năng vốn có trong bản thân mình.

 

Khai thác thị trường để thành người sản xuất thông thái

 

Nhóm bạn này dành 4 tháng để hoàn thành đề tài đạt giải nhất SV nghiên cứu khoa học của trường nhưng có đến gần nửa số thời gian trong đó là sưu tầm tài liệu, khảo sát thị trường. Họ sẽ không bỏ kiến thức, công sức của mình để cho ra lò một sản phẩm chỉ để đem trưng bày. SV bây giờ thực tế hơn rất nhiều.

 

Có đến 80% các đề tài nghiên cứu khoa học của SV trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay có thể đem chào hàng và bán ra thị trường ngay sau khi bảo vệ. Và khách hàng đầu tiên của đề tài Hệ thống tự động kiểm soát và quản lý phòng thực hành sử dụng công nghệ mã vạch này là chính... giáo viên hướng dẫn đề tài. Bình, Thạch, Mạnh, Sơn đã phải cân não và lựa chọn gắt gao các đề tài và cuối cùng cả nhóm đã quyết định làm hệ thống này theo đơn đặt hàng của một trong hai người hướng dẫn là PGS.TS  Nguyễn Việt Hương.

 

Ngay sau khi hoàn thành đề tài, toàn bộ hệ thống kiểm soát và quản lý bằng công nghệ mã vạch này đã được chạy thử nghiệm tại trung tâm Đào tạo hợp tác quốc tế ĐH Bách Khoa - Genetics Singapore. Các SV đến phòng thực hành của trung tâm đều được nhận thẻ có ghi mã vạch và các số liệu liên quan để kiểm soát qua hệ thống đặt ngay tại cửa. Mọi số liệu thống kê có thể in ra bất cứ lúc nào.

 

Chưa hề có một công ty hay trung tâm nghiên cứu nào thực sự nổi bật ở VN trong việc sản xuất hệ thống quản lý này. Đó là kết quả nghiên cứu thị trường rất chắc chắn của nhóm. Trong khi đó nhu cầu về việc quản lý bằng hệ thống mã vạch ở các công ty lớn, trường học, phân xưởng ở VN lại đang đòi hỏi. Hệ thống của 4 cô cậu SV này lại hoàn toàn có thể cạnh tranh về giá cả. Chi phí sản xuất cho 1 sản phẩm của nhóm này chỉ dừng ở mức 7 đến 7,5 triệu đồng, trong khi đó sản phẩm cùng loại ở các cơ sở sản xuất khác lên đến hơn 100 triệu đồng.

 

Một xưởng sản xuất nhỏ đặt ở nhà của Hải Bình (trưởng nhóm) đã sẵn sàng cho việc sản xuất hàng loạt. Họ sẽ còn tiếp tục nghiên cứu và không chỉ dừng lại ở công nghệ mã vạch, hay chí ít hệ thống kiểm soát này có thể phát triển lên thành mô hình mạng LAN và mỗi module là một nút mạng phù hợp với một hệ thống phân xưởng, cơ quan, trường học lớn. Tất cả đều đang sẵn sàng chờ đợi các đơn đặt hàng.

 

Theo Sinh Viên Việt Nam