Đòi điện thoại, xe xịn, teen “mặc cả” chuyện đi học

(Dân trí) - Trách móc, hờn giận cha mẹ khi những đòi hỏi của mình không được đáp ứng, thậm chí không ít cô cậu học trò còn “ra giá” với phụ huynh yêu cầu về vật chất nếu không sẽ... nghỉ học

Bỏ ăn, bỏ học... đòi quà

Đầu năm học mới, không ít phụ huynh phải đau đầu vì những đòi hỏi vật chất của con trẻ. Chẳng phải là đồ dùng liên quan đến nhu cầu học tập mà quần áo, điện thoại, xe máy... mới là thứ nhiều bạn “vòi vĩnh” cha mẹ như thể món quà tới trường.

Đúng ngày khai giảng, Quốc Trung, học sinh lớp 11 tại TP.HCM hớn hở khoe bạn bè chiếc điện thoại còn mang theo vỏ hộp mới cong. Cậu chẳng ngại ngần khoe bạn bè chiếc điện thoại giá gần chục triệu đồng này là kết quả của hai tuần mè nheo phụ huynh.

Mới đầu, bố mẹ Trung phản đối, bảo điện thoại cũ còn dùng tốt nhưng Trung hậm hực, khó chịu chẳng nói chẳng rằng nhiều ngày liền. Chỉ mới vậy thôi, bố mẹ đã đổi ngay cho cậu điện thoại mới để cho yên chuyện.

Nhiều cô cậu học trò dùng việc học của mình để ra giá với bố mẹ để đổi điện thoại, xe máy. 
Nhiều cô cậu học trò dùng việc học của mình để "ra giá" với bố mẹ để đổi điện thoại, xe máy. 

Mặc ai lắc đầu không đồng tình, Trung thấy chẳng có vấn đề gì. Bạn bè trong lớp, đầu năm học nhiều người cũng có cái này cái kia cũng từ... vòi bố mẹ mà ra.

Không chỉ đòi hỏi, có trường hợp còn việc sinh hoạt, học hành của mình ra để gây áp lực với phụ huynh. Khi bố mẹ từ chối yêu cầu nào đó của mình họ sẵn sàng dùng đến chiêu bỏ bữa, thậm chí là dọa bỏ học, xem đây là vũ khí để “ra giá” với bố mẹ.

Giận hờn, bỏ ăn là chiêu lâu nay Thủy Anh, học sinh lớp 10 vẫn thường xuyên áp dụng mỗi khi bố mẹ không đồng ý đòi hỏi nào của mình. Cô gái hay kể về thành tích hồi lớp 9, từng nhịn ăn ba ngày liền để bố mẹ chịu chấp nhận để mình tham gia chuyến đi du lịch dài ngày với bạn bè.

Những ngày đầu năm học, Thủy Anh tung tung tăng trên chiếc xe tay ga đời mới mà cô lên tiếng đòi mua từ năm ngoài nhưng bố mẹ từ chối. Cô dọa bỏ học và làm thật, nghỉ liền mấy ngày ở nhà không chịu đến trường.
 
Sau đó cô gái vùng vằng nói rằng, đến trường mà đi xe đạp điện thì kết quả học tập cũng sẽ nằm hạng bét. Còn nếu đổi xe, cô sẽ cố gắng đạt được nhiều điểm cao. Bố mẹ Thủy Anh thở dài ngao ngán, chấp nhận đổi xe cho con như một cuộc “trao đổi” điểm – xe.

Mới đây, một nam sinh gây phẫn nộ khi lên Facebook xúc phạm bố mẹ chỉ vì chưa có quần áo mới để đến trường. Chỉ vì yêu cầu của mình chưa được đáp ứng ngay, cậu ta dùng những lời lẽ hết sức nặng nề, đau lòng để nói về người sinh ra mình như “không thấy nhục với con cái”, “không muốn nuôi nữa thì đuổi đi” thậm chí cả hù dọa “Ta mà lớn lên rồi biết tay, ta khinh”.

Mất mục tiêu học tập

Trước những yêu sách rất vô lý của con, không ít phụ huynh phải đầu hàng buông xuôi. Có những ông bố bà mẹ phải tằn tiện từng đồng dành dụm mua sách vở, quần áo mới cho con rồi lại căng mình lên để đáp ứng cách yêu cầu cao hơn.

Bác Lê Hồng Thoa, nhà ở Q.8, TP.HCM cho biết, cô con gái đang học lớp 8 của mình hơn một năm trở lại đây rất trau chuốt vẻ ngoài, thích mua sắm quần áo, giày dép thời gian cũng như đổi điện thoại đời mới cho mình.

“Để có được những thứ như vậy, cháu trao đổi với bố mẹ mỗi lần được điểm cao phải đổi bằng một món quà theo ý cháu. Nếu từ chối, tôi rất lo ngại việc học của cháu bị tụt”, người mẹ bày tỏ sự lo lắng. Bởi mới đây, con gái cô Thoa nói rằng nếu không có nhiều quần áo đẹp thì sẽ không đi học tiếng Anh ở trung tâm.

Đưa ra những đòi hỏi đối với bố mẹ, nhiều bạn trẻ đã tự cho rằng, bố mẹ có trách nhiệm phải đáp ứng các yêu cầu của mình. Với họ, những thứ bố mẹ dành cho mình đó như là sự hiển nhiên. Hơn nữa, nhiều bạn bắt được điểm yếu của bố mẹ là chú trọng đến việc học của mình nên dùng chính việc học cho chính bản thân để “ra giá” với bố mẹ.

Học vì những món quà từ bố mẹ, nhiều bạn trẻ đang mất đi mục tiêu học tập (Ảnh minh họa). 
Học vì những món quà từ bố mẹ, nhiều bạn trẻ đang mất đi mục tiêu học tập (Ảnh minh họa). 

Việc đòi hỏi của các bạn trẻ, theo ý kiến của các chuyên gia tâm lý trước hết xuất phát từ lý do ở độ tuổi này các bạn có nhu cầu thích thể hiện mình, thích đua theo bạn bè. Còn khi các bạn dùng việc học để “mặc cả” với bố mẹ có thể thấy họ đang đang không xác định được trách nhiệm về những việc mình làm, mà ở đây cụ thể là việc học.

Cũng có thể do bố mẹ quá kỳ vọng, yêu cầu con luôn phải kết quả này nọ nên họ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu với mong trẻ sẽ chú trọng việc học. Vì thế, trong suy nghĩ của nhiều học sinh, việc học là để cho bố mẹ, không phải cho mình. Các bạn mất mục tiêu trong học tập và kéo theo thái độ, lối sống thiếu trách nhiệm.

Các bạn trẻ cần hiểu rõ mục tiêu của việc học, trước hết là cho chính bản thân. Còn phía phụ huynh trong cuộc sống hàng ngày, đừng nên để con có cảm giác cuộc sống quá đầy đủ, muốn gì được nấy vì các em sẽ có tâm lý đòi hỏi.
 
Trước các đòi hỏi vô lý của con,cha mẹ nên phân tích cho con hiểu và kiên quyết từ chối. Đồng thời, cần chỉ hướng con đến cách sống có trách nhiệm trước mỗi hành vi, việc làm của mình. 

 

Cần cân nhắc trước “yêu sách” của con

 

“…Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái. Hãy nhớ rằng con cái chúng ta luôn luôn “được voi, đòi tiên”, bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái. Có thể các vị không thiếu tiền, nhưng ở đây là vấn đề giáo dục, nên có thể thừa tiền vẫn không cho. Trẻ em càngđược nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút, mà đó là điều tối kỵ.

 

Đối với con cái, nếu “yêu cho roi cho vọt” là quan điểm sai lầm thì “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém…” (Trích “tâm thư” đầu năm học của Giáo sư Văn Như Cương gửi phụ huynh).

 
Lê Đăng Đạt