Đội “cứu hộ” san hô

(Dân trí) - Họ là những người trẻ làm việc và sinh sống tại Đà Nẵng. Hơn một năm nay, công việc của họ là khảo sát và cứu hộ san hô tại vùng biển Sơn Trà – Đà Nẵng.

Một ngày cứu hộ san hô cùng Sasa team

Đó là nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã Sasa (Fanpage Facebook: Sasa Team Marine Animals Rescue - Trung Tâm Cứu Hộ Sinh Vật Biển). Một tuần ít nhất ba ngày, nhóm cứu hộ Sasa tìm về khu vực biển Sơn Trà nơi có lượng san hô bị đạp gãy để kịp thời cứu hộ.

Cứu hộ san hô …

Dù được đánh giá là sở hữu 104,6 ha rạn san hô, đa dạng không kém Nha Trang hay Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) nhưng khu vực “thủy cung Sơn Trà” của Đà Nẵng chưa thu hút được sự khám phá của du khách.

Không những thế, san hô ở đây đang đối diện với nhiều nguy cơ bị hư hại do việc khai thác du lịch tự phát, nhỏ lẻ cũng như sự thiếu ý thức bảo vệ của một bộ phận ngư dân và du khách.

Đội “cứu hộ” san hô - 1

Các rạn san hô ở Sơ Trà – Đà Nẵng rất phong phú và đa dạng

“Chúng tôi phát hiện rất nhiều cụm san hô lớn, có thể lên đến vài chục năm tuổi bị quật nát và bật khỏi giá thể bởi mỏ neo của một chiếc cano chở khách đi tour ngắm san hô.

Trong vài chục năm tồn tại của mình, không một thế lực nào trong tự nhiên có thể quật ngã được nó. Ngôi nhà của hàng triệu sinh vật biển, lá chắn những cơn sóng bão cho loài người bị quật ngã đơn giản bởi một chiếc mỏ neo.

Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để cứu hộ trường hợp này”, anh Chiến – trưởng nhóm Sasa team chia sẻ.

Đội “cứu hộ” san hô - 2

Hàng ngày có đến hàng nghìn cành san hô bị gãy bởi nhiều lý do khác nhau

Đều đặn 3 ngày 1 tuần, nhóm Sasa team tập trung lại với nhau tìm đến những điểm có nhiều san hô bị gãy để cứu hộ kịp thời. Theo như anh Chiến chia sẻ, một ngày nếu nhóm anh làm việc hết công suất thì cũng chỉ cứu được 100kg san hô và đặt được 2 bàn dưỡng san hô. Đó là một con số rất nhỏ so với con số mà san hô ở Sơn Trà bị đạp gãy.

“Chúng tôi phải tiếp tục làm và triển khai thêm các bàn dưỡng vì có quá nhiều san hô bị đạp gãy, và chắc chắn phải làm nhiều nữa.

Gần 6 tiếng đồng hồ ngâm mình dưới nước nhưng rất vui vì các bạn san hô đã dưỡng được 30 ngày đều rất ổn định, lấy lại được màu sắc và không bị rêu hại xâm lấn”, anh Chiến vui vẻ nói sau một ngày cứu hộ san hô.

Đội “cứu hộ” san hô - 3

Công việc cứu hộ san hô hoàn toàn mới và rất khó khăn. Yêu cầu thành viên phải có kiến thức, kỹ năng và sức khoẻ

Cứu hộ san hô là một trong những công việc hoàn toàn mới nên việc trang bị kiến thức cho người cứu hộ san hô cũng cần phải được chú ý.

Theo như anh Chiến, 5 bước trong việc giải cứu san hô đó là: 1- Reef Clean Up: dọn dẹp rạn san hô, loại bỏ các mối nguy hại gián tiếp và trực tiếp tới san hô như plastic và lưới; 2- Collect Broken Coral: Tìm kiếm và cứu hộ san hô bị tổn thương hay gãy; 3- Nursing: Chuẩn bị các bàn dưỡng, cố định và dưỡng san hô từ 1-2 tháng; 4- Caring: Chăm sóc, loại bỏ các yếu tố gây hại hoặc các loài gây hại đến san hô như tảo, ốc và sao biển ăn san hô; 5- Return to the Reef: cố định san hô sau khi dưỡng vào giá thể tự nhiên hoặc xây dựng giá thể nhân tạo.

Đội “cứu hộ” san hô - 4

Lượng san hô được cứu trong 1 ngày là rất hạn chế so với số lượng bị gãy

Tình yêu của mỗi thành viên ở đây dành cho các sinh vật biển, cho san hô là không thể nào đong đếm được. Chứng kiến những công việc của mỗi thành viên, thấy được sự chuyên nghiệp và đầy nhiệt huyết ở trong họ.

Họ là những người xa lạ, họ gặp nhau vì một tình yêu, họ sống và cống hiến hết sức trẻ của mình cho đại dương. Từ những hành động cá nhân, họ muốn lan toả, tuyên truyền công tác bảo vệ san hô đến với tất cả mọi người.

“Hàng ngày có đến hàng nghìn cành san hô bị gãy bởi nhiều lý do khác nhau. Một phần trong chương trình Cứu hộ san hô của Sasa Team là hướng dẫn, tuyên truyền mọi người cách cứu hộ các cành san hô quý giá này.

Những điều nhỏ nhặt chúng ta làm cho biển cả có thể chắp cánh cho một giấc mơ lớn lao là tái tạo rạn san hô” – Chị Hoàng Yến, thành viên nhóm Sasa team chia sẻ.

Bỏ tiền túi để … hoạt động

Hiện tại, Nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã Sasa còn gọi là Sasa Team với 7 thành viên chính thức, ngoài ra có một số bạn người nước ngoài tham gia nhưng không thường xuyên, tuổi đời từ 25-35.

Mỗi người có một việc khác nhau, quê quán khác nhau nhưng họ có chung một tình yêu đó là thiên nhiên, họ gặp nhau mà tạo thành những người hùng của đại dương.

Đội “cứu hộ” san hô - 5

Nhóm Sasa team đưa bàn dưỡng san hô về với đại dương

Hơn một năm thành lập, trải qua nhiều cuộc giải cứu khác nhau, từ cá heo cho đến các rạn san hô quý giá những thành viên phải tự bỏ tiền túi của mình cho những cuộc giải cứu.

"Trước khi chờ đợi ai đó tài trợ thì ta nên làm bằng chính khả năng của mình trước đã. San hô là động vật nếu trễ một ngày thì chúng sẽ chết. Nên tinh thần của nhóm từ xưa đến nay là mình cứ làm đi đã, còn lại tính sau”, anh Chiến tâm sự.

Công việc của nhóm sẽ tập trung vào các hoạt động cứu hộ sinh vật trên biển. Trên biển thì khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều, đòi hỏi nhiều kỹ năng như bơi, lặn, thể lực, hiểu biết về sinh vật đại dương, thú y…

Ngay sau khi thành lập, nhóm đã bắt tay vào quá trình tập luyện, trang bị các kỹ năng. Tất cả các trang bị đều do các cá nhân tự bỏ tiền túi ra mua, kể cả những chiến đi cứu hộ kéo dài 2-3 ngày, họ cũng phải tự chi trả.

Đội “cứu hộ” san hô - 6

Hiện tại nhóm đã đặt 8 bàn dưỡng san hô dưới biển Sơn Trà

Hơn một năm hoạt động, nhóm đã trải qua rất nhiều khó khăn. Nhưng vì tình yêu với san hô với biển cả, nhóm đã cố gắng vượt qua, dốc hết sức mình vì một cuộc sống xanh, bảo vệ sinh vật biển trước sự đe doạ từ con người và thiên nhiên.

Chấp nhận thực tế rằng có người xây thì có người phá, có người vứt thì có người dọn, nhưng những gì nhóm Sasa Team đang làm là hàn gắn lại vết thương mà do những người thiếu hiểu biết gây ra.

Thông điệp của nhóm muốn gửi đến tất cả mọi người là: “Hãy giúp chúng tôi bằng cách nói không với những dịch vụ du lịch phá hoại, thiếu bền vững”.

Thành Vân