“Đoạn trường” xe buýt sinh viên

(Dân trí) - Giờ cao điểm, tại các điểm chờ xe buýt ở đường Cầu Diễn, Nhổn (Từ Liêm, Hà Nội) luôn thấy cảnh sinh viên đứng dài cả trăm mét đợt xe. Nhìn thấy cũng chỉ mới thấm thía được phần nào “đoạn trường” đến trường, về nhà của sinh viên ở quãng đường này…

“Bỏ bến” đợi xe

Ở Hà Nội, cảnh người đợi xe buýt nhưng không đứng ở điểm chờ mà đứng trải rác thành hàng dài cả trăm mét chắc chỉ có tại các bến xe buýt trên quãng đường Cầu Diễn, Nhổn. Giờ cao điểm, mỗi một bến, cả trăm sinh viên nhấp nhổm đợi xe. Người đứng thấm thấp, người ngồi thì tay ôm cặp, xách mũ, luôn trong tư thế… “phi” khi xe buýt xuất hiện.

Có tình trạng sinh viên phải “xếp hàng” nhiều chỗ là vì những tuyến xe buýt qua đây đã luôn trong tình trạng quá tải, chỉ dừng để khách xuống, chứ chẳng mấy khi còn chỗ để đón khách lên.

Khi trả khách, xe buýt cũng dừng “né” bến, nên sinh viên đứng dạt ra hai bên chờ xe dừng hướng nào thì… lao theo hướng ấy. Bởi thế, lúc nào cũng sẽ thấy cảnh vài ba sinh viên trượt theo xe buýt ở đây.

    
“Đoạn trường” xe buýt sinh viên - 1
Xe đỗ “lệch” bến, vẫn tăng tốc đuổi theo. (Ảnh: H.Nam)
 
Nguyễn Thị Thảo, sinh viên năm nhất khoa Kế toán, ĐH Thương mại cho biết: “Mấy tuyến xe đi qua đây chẳng mấy khi dừng ngay bến mà chỉ dừng trước hoặc sau. Thế là sinh viên bọn em cứ đứng tản ra. Xe dừng ở chỗ nào thì người đứng vị trí đó may ra chen chân lên được. Còn nhiều người khác chạy theo rồi đành thở dài đứng... chờ tiếp”.

Nhiều người đứng chờ xe phải đứng nhìn từ tuyến này đến tuyến khác chạy qua. Có lúc hàng tiếng đồng hồ, qua giờ cao điểm mới chen được một chỗ lên xe.

Nghỉ học là chuyện thường

Diễn, Nhổn là khu vực ngày càng tập trung đông sinh viên tập sống trọ vì giá nhà trọ ở đây ít nhiều còn “dễ thở” trong thời buổi “khát” phòng trọ. Sống ở đây, phần lớn sinh viên ở xa đều đi lại bằng xe buýt. Nhưng “người đông, xe ít” nên sinh viên méo mặt vì lỡ việc đến trường là chuyện… bình thường ở bến xe buýt.

Nguyễn Trung Thắng, khoa Cầu đường, ĐH Giao thông Vận tải than thở: “Em sống trọ cuối Nhổn, có tuyến xe 32 và 20 để đến trường, thế mà gần như hôm nào cũng phải nhìn xe… đi qua. Đi học nghỉ toàn phải nghỉ mấy tiết đầu, chờ hết giờ cao điểm. Có hôm, nhìn đến 6 tuyến 32 bỏ bến mà em nóng hết gan hết ruột. Lên được tuyến thứ 7, đến được trường thì lớp đã tan ca…”.

Cũng vì “nóng” xe buýt nên nhiều sinh viên phải “trực” xe từ rất sớm, mong lên được xe đến trường trước. Buổi sáng, sau 5 giờ, khi các gánh hàng rau mới bắt đầu ra chợ, thì tại các điểm chờ xe buýt đã tấp nập người đứng… đợi xe.

Lê Thị Hồng, sinh viên năm hai, CĐ Thành đô nói: “Hôm nào cũng vậy, em ra bến xe từ rất sớm nhưng vẫn nhiều lần không chen được. Hôm nào có xe thì lại vật vờ ở trường đợi cả tiếng mới đến giờ học. Nhiều bạn trường em và trường ĐH Công nghiệp đi xe buýt không năm lần bảy lượt nghỉ học thì cũng phải nghỉ vài tiết đầu thường xuyên. Mệt mỏi lắm!”.

Việc chờ xe buýt ở trên quãng đường này trở thành nỗi căng thẳng của rất nhiều sinh viên. Trời mưa thì phải chen chân tìm chỗ tránh mưa, trời nắng thì đứng ngồi vật vờ đợi xe. Ai cũng mong mình may máy “nhảy” được lên xe, khi những tuyến xe bỏ bến đi qua, họ lại nhìn nhau kêu trời: “Lại chậm học rồi”.

Một giảng viên của trường ĐH Công nghiệp, Hà Nội cũng phải… thông cảm lý do đi học muộn, hoặc nghỉ học của sinh viên: “Phần lớn lý do đều bị xe buýt bỏ bến. Chỗ khác thì chẳng tin nhưng thấy các em vật vờ, chen chúc đứng chờ xe buýt trên dọc đường Diễn thì không thể không tin”.

Mạnh Hùng, ĐH Công nghiệp thở dài: “Biết đi xe buýt phải sống chung với nhiều nỗi khổ nhưng chờ xe ở Cầu Diễn mới ngấm hết “vị” xe buýt. Con đường đến trường của nhiều sinh viên cực quá”.

"Nếu không thể tăng cường thêm vài tuyến xe nữa thì có lẽ các trường quanh đây, nhất là trường ĐH Công nghiệp có đến hai cơ sở gần đây nên bố trí giờ học lệnh nhau một chút để bớt “kẹt” xe, sinh viên cũng ít nghỉ học vì yếu tốc khách quan hơn", Hùng bày tỏ mong muốn.

Hoài Nam