Đoàn thanh niên cưu mang trẻ em nghèo bất hạnh, nâng bước em đến trường
(Dân trí) - Qua 6 năm triển khai, mô hình "Em nuôi của Đoàn" nhân rộng tại 5 địa phương, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ gần 80 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Quảng Trị vươn lên trong cuộc sống và học tập.
Được triển khai từ năm 2015 tại huyện Vĩnh Linh, mô hình "Em nuôi của Đoàn" đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo chi đoàn và đoàn viên thanh niên.
Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn, phát huy truyền thống "tương thân tương ái", thể hiện sự quan tâm của các cấp Đoàn, Đội trong công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, giúp đỡ các em có thêm điều kiện trang trải việc học tập lẫn trong cuộc sống.
Đến nay, mô hình được nhân rộng khắp các cơ sở đoàn của 5 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, thiết thực giúp đỡ, hỗ trợ các học sinh tiếp bước đến trường để không bị dở dang việc học tập.
Gia đình em Lê Minh Đức (lớp 2, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hải Dương, huyện Hải Lăng) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Mẹ em không may mất sớm, bố đi làm xa, em phải sống với ông bà ngoại già yếu và người dì bị di chứng của chất độc da cam. Thế nhưng, thời gian qua, em nhận được tình yêu thương và sự động viên kịp thời của anh chị đoàn viên.
Hàng tháng, ngoài việc nhận hỗ trợ từ Đoàn thanh niên 300.000 đồng, Đức còn được các anh, chị đoàn viên, thanh niên trong xã thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ động viên cũng như dạy dỗ bài vở. Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh và ý chí học tập cho em đến trường.
Em Lê Minh Đức chia sẻ, em rất vui khi được các anh chị đoàn viên, thanh niên động viên, hướng dẫn học tập. Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng thầy cô, gia đình, các anh chị đoàn viên thanh niên và mọi người.
Em Đức chỉ là một trong số 77 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà Đoàn thanh niên tỉnh Quảng Trị đang đảm nhận đỡ đầu, chăm sóc.
Là học sinh giỏi suốt 4 năm liền, thế nhưng em Lê Thị Hồng Tươi (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hải Dương), đang đứng trước nhiều khó khăn khi mẹ bị bại liệt sau tai nạn và nằm một chỗ nhiều năm. Một mình bố phải gồng gánh nuôi cả gia đình 5 miệng ăn. Sau mỗi buổi học, em lại phụ giúp bố trông em và làm việc nhà.
Em Tươi tâm sự: "Em thương bố lắm, một mình bố đi làm để trang trải chi phí điều trị cho mẹ và nuôi 3 chị em ăn học. Rất may, có các anh, chị đoàn viên thanh niên nhận đỡ đầu, hàng tháng ngoài việc hỗ trợ em tiền còn đến giúp em làm việc nhà, dạy em học cũng như kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình em".
Với phương châm mỗi cơ sở Đoàn đảm nhận đỡ đầu ít nhất một thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, đến nay các cơ sở Đoàn tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều hoạt động, phong trào, cách làm hay, sáng tạo để hỗ trợ thiếu nhi trong mô hình "Em nuôi của Đoàn".
Thông qua hình thức đỡ đầu hỗ trợ tiền mặt từ 300.000-1.000.000 đồng/em/tháng, các đoàn viên, thanh niên còn nhận chăm sóc, dạy dỗ các em.
Để duy trì hoạt động của mô hình, các cơ sở đoàn đã tích cực xây dựng nguồn quỹ bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, huy động sự đóng góp của cán bộ, đoàn viên tại cơ sở Đoàn. Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động đảm nhận các công trình, phần việc để gây quỹ.
Bên cạnh việc hỗ trợ vật chất, các cơ sở Đoàn cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên các em trong cuộc sống. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực, nhiều thiếu nhi đã vượt qua khó khăn, trở thành con ngoan, trò giỏi.
Có thể nói rằng, mô hình "Em nuôi của Đoàn" đã thực sự phát huy được hiệu quả trong việc giúp đỡ các trẻ em nghèo đến trường, giảm thiểu nguy cơ bỏ học giữa chừng.
Chị Trần Thị Thu - Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị cho biết: Mô hình "Em nuôi của Đoàn" thể hiện sự đồng hành cùng các em học sinh, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, thể hiện rõ vai trò đồng hành, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi của Đoàn.
Đối với các bạn trẻ, mô hình này cũng giúp các bạn nhân lên lòng nhân ái của mình, qua đó góp phần giáo dục các đoàn viên, thanh niên biết lắng nghe, chia sẻ rất hiệu quả.
Hiện nay, Tỉnh Đoàn đã và đang chỉ đạo nhân rộng mô hình này trong toàn Đoàn hướng tới mục tiêu "đỡ đầu mới ít nhất 200 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn" trong đó tập trung vào việc đỡ đầu dài hạn các em.