Đỗ Doãn Hoàng - Cuộc sống chảy trên mặt báo

(Dân trí) - Với mỗi người viết, một ngày qua đi, chưa viết được gì, người ta có cảm giác như mình “nợ”... chữ, và đi đâu, gặp ai cũng có cảm giác “nợ” người đọc. Yêu và sợ chữ là cảm giác chung của người viết. Yêu, vì lúc nào cũng nghĩ đến, sợ vì chưa làm tròn nhiệm vụ với... chữ! Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã trò chuyện về đề tài này.

“Dạo này có viết gì không”, hoặc “tao vừa đọc mày trên báo”... đó là câu xã giao mà những người viết, khi gặp thường hỏi nhau như vậy. Thưa nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, mỗi ngày anh viết bao nhiêu chữ, và thường viết vào lúc nào?

 

Khoảng 10 ngày nay chưa viết chữ nào (cười).  

 

Thế là mắc nợ rồi! Viết báo cũng cần cảm xúc sao?

 

Vẫn có thói quen viết theo hứng. Nhưng đúng là có những tuần mỗi đêm “sản xuất” một phóng sự, có đêm hai cái. Có khi từ sáng đến tối ngồi với laptop như ngồi với người đẹp, vắt óc nghĩ cách “chinh phục”, tìm lời “tỏ tình” và... viết.

 

Phóng sự là thể loại vừa thách thức người viết, vừa chiều người viết. Đi và viết, viết rồi lại đi, nhưng cũng có những chuyến đi không biết để làm gì, hoặc chẳng làm được gì?

 

Đi mà không viết. Nhiều lắm, nó dĩ nhiên là nhiều hơn cái khoản đi mà có viết. Thầy dạy báo chí của tôi hồi xưa bảo, nợ vài chuyến đi không viết thật đáng tự hào, chứ như cái bọn không đi mà vẫn viết thì mới nhục (cười). Mà nhiều người viết phóng sự trong phòng máy lạnh, viết về một vùng gió cát mà anh ta chưa bao giờ đến.

 

Tôi đi nhiều, viết có bao nhiêu. Viết nhiều sợ mình lặp lại mình, viết sợ không có gì mới mẻ hơn người ta đến trước mình, thì đừng viết nữa.

 

Thí dụ, tôi ăn dầm ở dề ở cực mũi đất Cà Mau, sống lột trần mình ra với mũi đất nhòm thấy cả biển Tây, biển Đông ấy mãi, mà tôi chưa hề viết một chữ nào. Đọc cụ Sơn Nam xong, vía chả dám viết. Đành cất món sổ tay bé tẹo và những bức ảnh kỷ niệm vào góc bàn chờ cơ hội “báo oán”.

 

Cảm giác nợ nần này thật tuyệt. Mỗi lúc nhìn cái khăn rằn hoặc nghe dân ca có sông Tiền sông Hậu, có “con sáo sang sông sáo đi lấy chồng” lại nao lòng nghĩ về một món nợ vui vui. Cà Mau là thí dụ tôi, tôi đi tràn cung mây thế này, viết hết sao nổi.

           

Nhưng cái hay của việc đi này không chỉ là những món nợ ân tình ấy. Có khi đi đến một vùng đất A, bạn lại có cảm hứng viết cái gì đó về vùng đất B. Thế là lãi rồi. Việc đi Hậu Giang nằm cô quạnh trong khách sạn viết phóng sự về Lũng Cú, Hà Giang là chuyyện bình thường. Ai chả thế. Đi bao giờ cũng lãi, đi bao giờ cũng là “được”. Không được trước thì được sau. Rõ ràng cái được ấy bạn vẫn được truy lĩnh ngay cả khi bạn không viết một dòng nào “trả nợ ân tình”. Viết, nghĩ cho cùng, cũng chẳng để làm gì.

Nhà văn Nga Pasternak cho rằng: “Chỉ có những cái thông thường là kỳ diệu, từ lúc được bàn tay thiên tài chạm tới”. Và với Hoàng, khi viết phóng sự, Hoàng có nghĩ rằng đã chạm tới... truyện ngắn không?

 

Không. Và ngược lại cũng không. Tôi có thể bị kiện (tương đối nhiều), nhưng quả thật, phóng sự của tôi thật đến tận chân tơ kẽ tóc.

 

Tôi muốn cuộc sống cứ chảy lên mặt báo như nó vốn có. Vấn đề là mình đạo diễn cho nó chảy như thế nào thôi. Mình cũng chỉ đem lên sách lên báo mấy cái gì đó của cuộc sống mà mình nghĩ là nó có thể hay ho, thú vị hoặc có lợi cho người đọc, cho nhân vật (theo nghĩa chính đáng) thôi.

 

Truyện ngắn không hoàn toàn giống thế. Cũng vì sự thật khắt khe trong phóng sự ấy mà tôi thường bị kiện. Vì không phải sự thật nào cũng làm người ta tin, càng khó làm hài lòng tất cả mọi người. Sự thực, nhất là sự thực trong phóng sự gai góc thường rất cay đắng. Và người ta không căm thù, không kiện cáo mình thì mới là sự lạ (cười).

 

Ai ảnh hưởng đến Hoàng nhiều nhất ?

 

Cụ Nguyễn Tuân.

 

Lạ nhỉ, nhà văn lại ảnh hưởng đến nhà báo. Hoàng có cho rằng phóng sự là một thể loại của truyện ngắn không?

 

Cũng có thể hiểu như thế. Điều này không có gì lạ. Song trên mặt báo và ngoài đời thường ít xảy ra điều này. Tôi cũng thấy, những phóng sự kinh điển và quyến rũ, khi đọc, thường cho người ta cảm giác người ta đang đọc một truyện ngắn.

 

Tập truyện ngắn “Thung lũng đá mồ côi” hiện rõ “hai  mảng: những miền quê và đô thị” (chữ của Nguyễn Quang Thiều). Miền quê vật lộn mưu sinh, và những xáo trộn đô thị hóa, người đến thành phố thì bàng bạc sự ra đi? Để giải quyết mâu thuẫn này, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng có ý kiến gì không?

 

Tôi không giải thích gì, cũng không ý kiến gì, vì hai cái đó luôn có trong tôi, nhiều bạn bè tôi, và hình như cả Nguyễn Quang Thiều (tôi vẫn thường bảo, tôi là người rất hiểu “gã đi bụi xuyên quốc gia” ấy). Tôi căm ghét thành phố tắc đường và lạnh nhạt như Hà Nội. Nhưng về quê được dăm ngày tôi lại căm ghét sự tù đọng và cả sự vật lộn, sự xáo trộn đô thị đến kệch cỡm, đến tội nghiệp mà anh đang nói.

 

Tôi chấp nhận cả sự bàng bạc khi ra đô thị và cả sự đau đáu chốn gốc phần làng quê ấy trong từng câu từng chữ, từng suy nghĩ của mình. Âu cũng là bình thường thôi mà!

 

Nhà văn Đỗ Doãn Hoàng là người “giàu tình cảm”, đến mức: “Chỉ khổ thân Hiền. Từ vùng đất nghèo chát nghèo chua ấy, đội mùi lá bổi mục Hiền ngu ngơ về phố...” (truyện ngắn “Thung lũng đá mồ côi”). Nếu đọc thế này thì cảm xúc người đọc sẽ trơ lì theo đá. Văn chương, cần phải biết tiết chế để câu chữ giao thoa vào lòng người đọc hay văn chương cần phải nói hết?

 

Tôi không rành lắm về điều này. Tôi đã bao giờ là nhà văn đâu. Tôi cứ viết ào ào, chữ nghĩa như cỏ giả ấy mà. Thật lòng tôi viết chất phác hơn cả cái giọng bậm bạch, nói lắp và khê nồng chốn quê của tôi cơ. Bạn bè cũng hay trêu ghẹo vì điều đó.

 

Bố tôi, hồi bé, cứ nhằm lúc tôi nói lắp là vả cho một cái chí mạng vào mặt. Ông bảo, “ăn không nên đọi, nói không nên lời” thì phải tát. Nhưng rồi cụ bảo, cái cơ địa của cái lưỡi thằng này nó thế, nó phải lắp, chỉ sửa được chứ không hết được. Ông lại đoán, tôi vốn láu táu, nghĩ nhanh hơn nói, nên nói lắp là hợp lẽ… trời!

           

Không biết cũng là điều hay, biết đến nơi đến chốn lại càng hay hơn, chỉ sợ nhất là biết 5 nói 7, biết 1 nói 10...

 

Cảm ơn Đỗ Doãn Hoàng!

 

Nguyễn Văn Ninh