Điểm GPA tuyệt đối 4.0/4.0, thủ khoa Ngoại thương học không quá 10 giờ tối
(Dân trí) - Với điểm GPA đạt tuyệt đối 4.0/4.0, Đỗ Hoàng Phương Nhi là thủ khoa đầu ra năm nay của Trường Đại học Ngoại thương (FTU). Đây là số điểm tốt nghiệp cao nhất trường Đại học Ngoại thương năm nay.
Bảng thành tích "khủng"
Đỗ Hoàng Phương Nhi (Hà Nội) tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đối ngoại (Chương trình Tiên tiến) với điểm GPA 4.0/4.0 và điểm hệ 10 là 9.44/10. Đây là số điểm tốt nghiệp cao nhất trường Đại học Ngoại thương năm nay.
"Biết tin mình là thủ khoa toàn trường, em cảm thấy vui hơn là bất ngờ. Tuy nhiên, em không đặt nặng việc mình có là thủ khoa hay không, quan trọng là kết quả đúng với thực lực", Phương Nhi nói.
Trong buổi Lễ tốt nghiệp, Phương Nhi là cử nhân được lên sân khấu nhiều lần nhất để nhận giấy khen Sinh viên tiêu biểu, Thủ khoa chuyên ngành, Thủ khoa toàn trường. Nhi cũng đại diện cho 2.234 tân cử nhân phát biểu trước toàn trường.
Trong bài phát biểu, tân thủ khoa gửi lời tri ân tới gia đình, thầy cô và bạn bè. Nhi dùng hình ảnh dòng sông để nói về bạn bè. Đây cũng là nội dung cô nghĩ đến đầu tiên khi soạn bài phát biểu. Nhi ví mỗi cá nhân như một dòng sông đều sẽ đi ra biển lớn, đó là đại dương tri thức, là thế giới rộng lớn.
Cô Dung - mẹ của Phương Nhi đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia từ 6 rưỡi sáng để không bỏ lỡ khoảnh khắc con gái đứng trên bục phát biểu.
"Đam mê của Nhi là học hỏi. Tuy nhiên, con không 'vùi đầu' vào sách vở mà có rất nhiều hoạt động giải trí. Gia đình tôi luôn tin tưởng con nên chưa từng gây áp lực học hành cho con", cô Dung cho biết.
Phương Nhi là cựu học sinh lớp chuyên Văn, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Tốt nghiệp cấp 3, nữ sinh vẫn chưa biết mình hợp với ngành nghề gì. Tiêu chí chọn ngành của Nhi là một ngành có nhiều cơ hội, nhiều hướng đi. Cô nhận thấy kinh tế là lĩnh vực phù hợp với tiêu chí này.
Sẵn có thế mạnh về tiếng Anh với chứng chỉ IELTS 8.0 điểm, Nhi quyết định chọn ngành Kinh tế đối ngoại của Trường Đại học Ngoại thương - một ngôi trường nổi tiếng về đào tạo kinh doanh, thương mại quốc tế.
Năm đó, chương trình đào tạo này có điểm đầu vào cao nhất trường. Phương Nhi trúng tuyển với 26.7 điểm bằng phương thức xét tuyển điểm Văn, Toán và điểm IELTS quy đổi.
"Chương trình mà em chọn có liên kết với một trường đại học của Mỹ. Nó mở ra nhiều cơ hội cho em tiếp cận với nền giáo dục, văn hóa của các nước khác", Phương Nhi chia sẻ.
Là "dân chuyên Văn" chọn học Kinh tế, Phương Nhi không phân biệt giữa khối Tự nhiên và Xã hội. Cô giải thích: "Mục tiêu cuối cùng của các môn học là mở rộng thế giới quan, góc nhìn, năng lực tư duy logic để tiếp cận, giải quyết vấn đề từ gốc".
Phương Nhi đạt học bổng 100% trong 4 năm đại học nhờ kết quả học tập tốt. Cô còn là một trong ba sinh viên khối ngành Kinh tế toàn quốc dành học bổng xuất sắc Honda Award 2021 và học bổng Lotte 2020 - 2021.
Sang năm cuối đại học, Nhi tham gia cùng lúc 3 cuộc thi và đều đạt thành tích xuất sắc: Á quân cuộc thi Hành trình kinh doanh (của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân); Lọt vào top 20 cuộc thi VinUniversity Global Case Competition 2021 (của VinUniversity), đối thủ của Nhi ở cuộc thi này là sinh viên, nghiên cứu sinh trên toàn cầu; Giải Khuyến khích Giải thưởng NCKH Eureka toàn quốc 2021.
Phương Nhi không nghĩ mình có thể tiến sâu vào các cuộc thi đó. Càng vào sâu càng bận rộn và trùng lịch thi. Có lần, cuộc thi Hành trình kinh doanh trùng giờ thi với buổi phản biện đề tài của Giải thưởng Eureka, Nhi bật cả điện thoại và máy tính, liên tục đổi micro để làm hai bài thi cùng lúc.
Giải bài tập bằng lời rap, dựng game, làm phim
Phương Nhi tự nhận mình không phải "mọt sách". Cách học của cô là tập trung học ở trên lớp mỗi ngày 5 tiếng. Sau giờ học, Nhi cùng bạn đi ăn, đi chơi để đầu óc được nghỉ ngơi.
Buổi tối, Nhi tự học khoảng 30 phút. Trước các kỳ thi, cô ôn tập nhiều nhất là 1,5 tiếng mỗi buổi, bằng cách đọc và chép lại kiến thức vào vở cho dễ nhớ. Sau 10 giờ tối, cô tạm dừng việc học để đọc truyện, chơi game, xem phim trước khi đi ngủ.
"Em còn có sở thích 'đu' idol. Em là fan của BTS - nhóm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc. Một trong những lời bài hát của BTS mà em thích là 'chưa có ước mơ cũng chẳng sao cả'. Nhiều người ép mình phải có những ước mơ thật to lớn ngay từ sớm, nhưng điều này tạo ra áp lực. Ước mơ phải được hình thành một cách tự nhiên", Phương Nhi nói.
Phương Nhi áp dụng những cách làm sáng tạo vào bài tập. Ngay từ khi học cấp 2, cô đã biết làm bài tập bằng MV ca nhạc. Lên đại học, Nhi từng viết lời rap cho bài thuyết trình môn Quan hệ quốc tế, bài được chấm điểm giỏi.
Có lần, Phương Nhi cùng nhóm giải bài giữa kỳ môn Sở hữu trí tuệ bằng cách làm phim hoạt hình và dựng game. Nhi làm biên kịch, biên tập phim hoạt hình về Quyền nhân thân. Cô dựng game có cốt truyện là hành trình tìm kiếm cha mẹ. Những sản phẩm đó đến giờ vẫn được giảng viên chiếu lại cho các lớp tham khảo.
Cuối năm 2 đại học, Phương Nhi được giảng viên giới thiệu việc làm thêm ở vị trí thực tập sinh cho Trade Analytics Việt Nam. Cô là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm. Công việc của nữ sinh khi đó là làm nghiên cứu, báo cáo thị trường, xử lý và tổng hợp dữ liệu của các công ty.
Sang năm học cuối, sau khi giành vị trí Quán quân cuộc thi The A Program 2021 về phát triển sản phẩm, Nhi nhận lời mời làm Product trainee cho ứng dụng thanh toán MoMo - một trong những nhà tài trợ cuộc thi.
Phương Nhi là nhân viên duy nhất được tạo điều kiện làm việc ở phòng phát triển sản phẩm của MoMo tại Hà Nội. Công việc của em là bao quát về giải pháp nền tảng cho hệ thống MoMo.
Từ công việc này, Phương Nhi nhen nhóm đề tài Fintech (Công nghệ tài chính) cho chuyên đề cuối khóa. Chuyên đề này đạt 9,5 điểm - cao nhất khoa.
Đề tài của Phương Nhi là "Xây dựng khung hoạt động lý tưởng cho Fintech tại Việt Nam từ góc nhìn của chuỗi cung ứng". Ban ngày, Nhi làm việc công ty, tối về làm bài cuối môn. Chuyên đề được hoàn thành trong 8 tuần.
Điểm đặc biệt giúp bài làm của cô đạt điểm cao là tính mới. Fintech là ngành mới, nhìn từ chuỗi cung ứng cũng là góc nhìn mới. Nữ sinh xây dựng khung hoạt động lý tưởng cho Fintech trên nhiều cấp độ, trước đó, chưa có nghiên cứu nào xây dựng ở cấp rộng hơn cấp công ty.
Là đề tài mới mẻ nên rất hiếm tài liệu tham khảo. Nhi đọc nhiều nghiên cứu về các chủ đề tương tự, sử dụng kiến thức liên môn, hỏi ý kiến thầy cô để giải quyết vấn đề. Cô được các anh chị trong công ty giới thiệu phỏng vấn các chuyên gia tài chính.
Sau khi tốt nghiệp đại học, kế hoạch tiếp theo của Phương Nhi là du học thạc sĩ tại Nhật Bản. Em đang chờ kết quả ứng tuyển học bổng.
"Em thích đọc truyện Manga, nghe nhạc và du lịch Nhật Bản. Em muốn tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, ẩm thực của nước bạn. Du học không chỉ là chọn một nền giáo dục, mà còn là chọn môi trường sống. Em nghĩ mình phù hợp với lối sống của người Nhật", Phương Nhi cho biết lý do chọn Nhật Bản là bến đỗ tiếp theo.