“Đi du lịch là cách tiêu tiền thông minh nhất!”

Đó là câu “ranh ngôn” được truyền tụng trong giới trẻ hiện nay và được cánh sinh viên áp dụng rất sống động. Không ngạc nhiên khi biết rằng rất nhiều bạn tự đi làm kiếm tiền để đi du lịch, với cách kiếm tiền cũng… “không thể ngờ”.

“Góp gió thành bão”

 

N.P.B. (SV ĐH Kinh tế TPHCM) chẳng hạn. Say mê sưu tập tem từ nhỏ, B. có một số lượng tem kha khá và một lượng kiến thức “hơi bị được” về các dòng tem. Một lần vô tình B. sở hữu được một con tem bị in ngược, thuộc dạng tem hiếm.

 

Người bán cho B. 10.000 đồng. B. mua lại và sau đó bán cho người khác 10 USD. Đó là một trong số nhiều lần B. mua đi bán lại tem. Khi đã có gần 6 triệu đồng, B. nảy ra ý tưởng đi du lịch Thái Lan: “Mình đi du lịch một mình vì bạn bè chưa đủ tiền”.

 

Trường hợp của Ngọc Huyền (ĐH KHXH & NV TPHCM) lại là một thú vị khác. Từ chuyện “để ý” một anh bạn người Campuchia, rồi không biết từ lúc nào Huyền lại có tình cảm đặc biệt với đất nước này. Nhân một lần có nhóm bạn tình nguyện viên qua giao lưu với SV thành phố, Huyền làm quen được mấy bạn Campuchia. Huyền quyết định lên kế hoạch cho chuyến đi Campuchia theo dạng “homestay” (ở nhà người bản xứ).

 

Huyền chia sẻ kinh nghiệm: “Homestay rất có lợi: vừa có thể hòa mình vào phong tục của người bản xứ, vừa có hướng dẫn viên để dẫn đi đây đó không mất tiền mà lại rất vui!”. Chuẩn bị cho chuyến đi một tuần, Huyền tích cóp tiền nhuận bút viết báo, tiền ba mẹ cho ăn sáng. Trong thời gian chờ đợi, Huyền tranh thủ theo học tiếng Khmer ở Thông tấn xã. Khi mọi thủ tục hoàn thành, Huyền chỉ việc mua vé xe buýt chuẩn bị hành lý lên đường (đi Campuchia là 12 USD một lượt). “Rất đơn giản, 5h15 sáng xuất phát; 11h30 tới nơi” - Huyền nói.

 

Nhìn cô bạn trong lớp có dáng vẻ hơi bị khiêm tốn nhưng lại có phong cách rất tây, không ai khỏi ngạc nhiên và thán phục khi biết Hoàng Thanh Thanh (ĐH KHXH & NV TPHCM) đã “in dấu chân” ở Hong Kong, Thái Lan, Campuchia và New Zealand. Trong đó, lần đi Campuchia là tự Thanh bỏ tiền túi để đi cùng nhóm bạn Trường ĐH Ngoại thương tham gia hội nghị “Thanh niên châu Á - Thái Bình Dương”.

 

Thanh cười cho biết: “Tham dự các hội nghị này, nghe SV các nước thảo luận các vấn đề của thế giới như ô nhiễm môi trường, chiến tranh, khủng bố... học hỏi được nhiều điều bổ ích lắm. Có dịp là đi ngay!”. Được biết, Thanh chỉ phải đóng 100 USD cho mọi chi phí của chuyến đi, dành dụm từ mấy lần tham gia các hoạt động tình nguyện của Thành đoàn TPHCM và viết bài cho các báo.

 

Tiêu tiền trước, kiếm tiền sau

 

Khảo sát nhỏ trong giới SV hiện nay, du lịch các nước Đông Nam Á (Campuchia, Thái Lan, Indonesia...) khá được ưa chuộng.

 

Thứ nhất, lộ trình đi ngắn, chi phí cũng hợp túi tiền, không yêu cầu quá khắt khe về visa, thời hạn lưu trú...

 

Thứ hai, đây cũng là những nước có những phong tục tập quán gần giống VN, sự tiếp xúc cũng dễ dàng cho lần đầu tiên “xuất ngoại”.

 

Một lý do nữa cũng khá thú vị là hiện nay ngôn ngữ của những nước này cũng đang được SV quan tâm, theo học.

 

Nhiều SV nói rằng “đi du lịch là một kiểu tiêu tiền trước, kiếm tiền sau” - một sự khác biệt lớn giữa du lịch của SV với du khách bình thường. Như N.P.B. qua Thái Lan vừa đi chơi vừa kiếm thêm tem để làm dày thêm bộ sưu tập của mình.

 

Chuyến đi chỉ kéo dài khoảng năm ngày nhưng B. đã làm được vô số việc: mua được nhiều tem “độc”, gặp được nhiều người cùng sở thích, am hiểu về tem. B. còn bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua một số sách báo về tem. Về VN, B. có thêm nhiều khách hàng mua tem và rảnh rỗi viết thêm mấy bài báo về tem đăng trên các báo.

 

Còn Ngọc Huyền, sau chuyến đi Campuchia một tuần trở về, bạn bè trong lớp lại thấy các bài viết về Campuchia của cô từ tờ nội san của trường đến các báo.

 

Điều quan trọng hơn nữa, đối với Huyền, sau những va chạm “dở khóc dở cười” về những nét khác biệt trong nền văn hóa hai dân tộc càng làm Huyền thêm yêu quý đất nước và con người Campuchia hơn. Cô SV này nhận định: “Khi ở trên một đất nước xa lạ, phải cẩn thận và lường mọi khả năng có thể xảy ra. Lúc ấy cần phải bình tĩnh và tự chủ”.

 

Với Thanh Thanh, do có nhiều kinh nghiệm, hứng khởi cho biết: “Ra nước ngoài, mình càng thấy tự hào về dân tộc hơn!”. Sau chuyến đi Campuchia tham dự hội nghị vừa qua, Thanh tâm sự: “Thanh học được ở SV các nước ý thức tập thể, sống có mục tiêu và bản lĩnh”.

 

Một thành công nữa, theo Thanh bật mí, vốn tiếng Anh của bạn nhờ đi nhiều mà ngày càng tốt hơn. Ngay chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe cô bạn này nói tiếng Anh như “tây” mà chẳng hề học thêm một lớp sinh ngữ nào. Nể thật!

 

Theo Kim Lê, Thảo Nguyên
Tuổi Trẻ