Đi chùa Hà làm lễ… gọi tình

(Dân trí) - “Em đã dồn hết tiền đi lễ. Lễ này sẽ thật thiêng để anh quay về… Anh ơi, về với em” - Cô gái tên Hà vừa nức nở vừa khấn to như để lời “gọi tình” của mình thêm thiêng khiến những người xung quanh cũng phải giật mình.

Những ngày đầu năm, chùa Hà (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) lúc nào cũng tấp nập bạn trẻ mang lễ đến viếng. Không nói thì ai cũng biết, đa phần bạn trẻ đến đây là để cầu duyên. Khuôn mặt trầm tư, thậm chí nhiều người vừa khấn vừa khóc ai cũng mong lễ “gọi tình” của mình thành thực.

Tình ơi, hãy đến!

Đến chùa Hà, đông nhất vẫn là những người trẻ… chờ mãi mà tình yêu của mình chưa đến. Họ đến với chùa “tình yêu” vì nghe nói chùa này thiêng, đến cầu tình được tình, nên ai cũng muốn “thử” một lần.

Đầu giờ chiều ngày thứ 3 (19/2), một nhóm bốn bạn gái rậm rịch sắm lễ trước cổng chùa, chuẩn bị cho lễ cầu duyên của mình. Một cô gái vẻ già dặn nhất trong nhóm, nhặt tất cả các loại hoa quả dù biết ở đây cái gì cũng đắt. Cô bạn khác kéo tay, “lễ vừa thôi” thì cô nói: “Tao gần 26. Nguy đến nơi rồi, nên lễ phải đầy mới linh. Chứ bọn mày thế nào cũng được, cứ từ từ rồi tình nó đến”.

Mâm lễ đầy ắp có hoa quả, có rượu, thuốc, tiền, vàng, hoa hồng, tiền lẻ... của cô gái lớn tuổi nhất vị chi hết 216.000 đồng. Nói rồi cả bốn cô kéo nhau vào chùa, cùng thành tâm khấn ở bàn thờ trung tâm. Mắt nhìn thẳng, tay chắp giữ hương, mấy cô cứ đứng như thế… cầu hơn mười phút, sau đó ra ghế đá trước cửa chùa ngồi nói chuyyện.

Thủy, một bạn trong nhóm, đang học năm cuối HV Tài chính cho biết: “Chúng mình cùng xóm trọ ở tận Xuân Đỉnh (Từ Liêm), người còn đi học, người đã đi làm nhưng đều trên 23 tuổi mà chưa ai có người yêu. Năm ngoái, có bạn trong xóm đi cầu chùa Hà, mấy tháng sau là có bạn trai thật nên ra Tết năm nay, “nhóm già” của xóm cùng kéo nhau đi”.

Thủy nói thêm: “Em học năm cuối rồi, ra trường dự tính ở lại Hà Nội nên cũng cần có có người yêu để cùng chia sẻ. Chẳng biết điều mình cầu có thành thực không nữa vì em cũng không tin lắm”.

Đi chùa Hà làm lễ… gọi tình - 1

Không chỉ nữ mà nhiều nam nhi cũng đến chùa Hà cầu duyên. (Ảnh: Hoài Nam).

Đến chùa Hà, quân số “lấn át” phần lớn là các bạn gái, nhưng lâu lâu cũng có những đấng nam nhi xuất hiện trong trang thái… tĩnh tâm để cầu duyên. Không ồn ào, không náo nhiệt, nam nhi thường đến chốn này một mình.
 
Đức Phương, 27 tuổi, nhân viên kinh doanh ở một công ty máy tính cũng tranh thủ những ngày đầu năm rảnh rỗi để đi chùa Hà. Có điều khác, không như nhiều người đến để cầu có người yêu, anh Phương được khá nhiều cô gái theo đuổi nhưng chẳng “rung rinh” một ai. Anh đến cầu để được Đức Phật, Thánh, Thần đưa một người con gái trong mộng đến “mở cửa” trái tim anh.

“Có phải mình kén chọn gì đâu, cũng thích nhiều cô nhưng yêu thì thì không phải. Nhiều lúc cứ lo mình “có vấn đề” nhưng chắc là tại chưa gặp một cô gái vừa hiền lành, dịu dàng nhưng phải tính cách một chút. Nên mình đến chùa để hy vọng trong năm nay sẽ gặp… người nào đó, còn dẫn về nhà cho bố mẹ yên tâm” - Đức Phương nói.

Nước mắt gọi tình về

Ai cũng biết chùa Hà rất thiêng về đường tình duyên. Bạn trẻ đồn rằng, đến đó ước người nào được người nấy. Có lẽ vì thế mà những người đang trong trạng thái thất tình cũng tìm đến đây để giãi bày tâm sự, cầu mong “nửa kia” sẽ quay trở về.

Trang phục nghiêm túc, đứng đắn, lễ lạt đầy mâm, mặt buồn rười rượi… là điểm dễ nhận thấy nhất ở những “đối tượng” này.

Từ trước Tết, bạn trai đã có những động thái “lung lay”, Thu Huyền, cô sinh viên trường Nhạc hoạ Trung ương vẫn đang trong giai đoạn níu giữ. Nghe bạn bè mách nhỏ, Huyền sắm lễ đi chùa Hà để người yêu không “dứt áo”.

Huyền bộc bạch: “Em cố gắng “hâm lại nhiệt” cho tình yêu nhưng hình như anh ấy vẫn làm ngơ. Có lẽ chỉ mình “nội lực” của bản thân em thôi chưa đủ, nên em thành tâm đến đây để mong ước nguyện của mình được... trời phật linh thiêng truyền cho anh ấy nghe được”.

Trạng thái “buồn vì tình” như Huyền còn được xem là nhẹ nhàng, nhiều bạn trẻ đến đây trong tâm trạng vật vã, hết sức khổ sở.

Môt cô gái, mặt lấm lem vì nước mắt, đặt mâm lễ lớn rồi lẩm bẩm khấn. Đột nhiên, cô khóc oà lên: “Em đã dồn hết tiền đi lễ, lễ này sẽ thật thiêng để anh quay về… Chẳng ai yêu anh hơn em yêu anh đâu, đừng phụ bạc tình em”.

Nhiều người đang khấn quanh đó nhăn mặt, nhưng nhìn sang ai cũng thông cảm vì biết cô đang thất tình. Cô gái vẫn chưa thôi “khấn”: “Anh ơi, về với em”. Một cô gái đứng bên cạnh thấy thế, nhắc nhỏ: “Bạn cứ khóc thế, lời cầu không thiêng đâu”. Nghe thế, dù đang khóc như mưa, cô gái này im bặt… khấn lại từ đầu.

Khi hỏi, cô gái cho biết tên cô là Hà, vừa tốt nghiệp Trung cấp Du lịch, đang làm việc tại một khách sạn ở Hà Nội. Hà nói: “Mình chuẩn bị tinh thần từ lâu rồi, nhưng hôm nay mới quyết định đi. Bạn bè nói, ở nhà nằm khóc ích chi, đi chùa Hà mà… gọi tình về đi nên mình quyết làm một phen”.

Nhưng rồi Hà lại ngập ngừng đầy lo lắng: “Anh ấy bỏ mình hơn nửa năm rồi, người ta cũng đã có bạn gái nhưng em không sao quên được. Chẳng biết lâu thế rồi lời cầu còn thiêng không nữa”. Nói rồi, cô gái lại khóc.

Chưa dừng lại ở đó, cũng như nhiều người đến chùa làm lễ gọi tình, công đoạn cuối cùng của Hà là ra ngoài xin chữ. Tờ sớ chữ Nho mà Hà xin sẽ “viết tên mình và tên anh ấy lên để hai cái tên này mãi mãi bên nhau”.

Chẳng biết, có thiêng như lời đồn không, nhưng nhiều bạn trẻ ở Hà Nội vào những ngày đầu năm vẫn đổ về chùa Hà để “gọi tình”.

Hoài Nam