Đi cà phê “lạ”

Giới trẻ “sành điệu” TPHCM đang có xu hướng chuyển từ các quán cà phê ở mặt tiền đường lớn thuộc các khu trung tâm sang các quán cà phê “lạ” trong những hẻm nhỏ, những khu chung cư ẩm thấp, thậm chí các quán cà phê mà khách... ngồi bệt dưới đất.

Cà phê của “dân art”

 

Tọa lạc tại một khu chợ nhỏ ở góc Lý Chính Thắng - Huỳnh Tịnh Của (quận 3), Himiko gần đây được giới trẻ biết đến khá nhiều bởi cách thiết kế ấn tượng. Các mảng tường vẽ loang lổ màu đen, xám, trắng gợi cảm giác như đang ở trong một con hẻm cũ vắng người. Các lõi gỗ để quấn dây điện sau khi đã sử dụng được cô chủ quán Kim Hoàng (nghệ sĩ điêu khắc) dùng làm bàn trông rất lạ...

 

Nơi đây thường là điểm hẹn của nhiều bạn trẻ yêu hội họa, mỹ thuật trong thành phố và cả người nước ngoài vì thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm tranh, ảnh, điêu khắc, sắp đặt... Cô chủ Himiko trông "tưng tửng", tóc cắt ngắn ngổ ngáo, có lúc cạo trọc, đi ra đi vào toàn nghĩ chuyện làm nghệ thuật. Lúc hứng chí, cô còn ca cho khách nghe vài câu vọng cổ hoặc cả bài cải lương "chế" lời.

 

Hoàng Lan (26 tuổi) - một khách ruột của quán tâm sự: "Mình rất thích đến Himiko, vừa có không gian yên tĩnh vừa có nét rất riêng… Những dịp quan trọng như giao thừa, sáng mồng 1 Tết âm lịch không quán nào mở cửa thì Himiko vẫn mở. Những lúc không có chỗ nào để đến, để ngồi, để tư lự một chút thì mình nghĩ đến Himiko…".

 

Lạ "ngang ngửa" Himiko còn là La Fenêtre Soleil (Cửa sổ mặt trời) ngay góc ngã tư đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lê Thánh Tôn (Q.1). Bảo Châu - copywriter của một công ty quảng cáo kể: "Có lần rủ bạn đi cà phê, dắt lên quán này, bạn mình cứ tưởng mình đùa. Đó là một cầu thang tối om dẫn lên khu chung cư cũ, vắng bóng người, thậm chí có lúc còn có mùi…

 

Bước vào Cửa sổ mặt trời còn lạ hơn. Một chiếc giường cổ có mùng che, những vật dụng có thể vứt đi như song cửa gỉ sét cũng được chủ quán (một người Nhật) "biến" thành một chiếc bàn cực kỳ ấn tượng". Chính vì những nét lạ trong trang trí mà quán này thu hút rất nhiều dân làm nghệ thuật, quảng cáo tìm đến đây...

 

Những kiểu quán cà phê ấn tượng như vậy còn có Titan của họa sĩ trẻ Lê Võ Tuân mới mở gần góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Trần Quốc Toản (Q.3), cà phê Nến trên một chung cư cực kỳ cũ đường Nguyễn Huệ...

 

Cà phê “đất”, cà phê “nằm”

 

Thanh Hằng, sinh viên năm 4 trường ĐH Kinh tế TPHCM nói: "Cà phê cóc bây giờ cũng gần hết mốt rồi, tụi mình đang rất khoái cà phê nằm và cà phê đất…". Hỏi ra mới biết, cà phê "nằm" chính là quán Le petit trên đường Hai Bà Trưng có những chiếc túi "bean bag" (túi hạt xốp) to đùng. Khách là sinh viên, nhân viên văn phòng có thể ngả lưng chợp mắt trong giờ trưa, hoặc nhóm bạn có thể quây quần như cảm giác đang ngồi tại nhà...

 

Còn cà phê "đất" chính là nơi vỉa hè "sang trọng bậc nhất" của TPHCM, đường Hàn Thuyên và Alexandre De Rhodes. Giới trẻ đến đây cà phê thường hiểu "quy tắc" ở đây là... ngồi bệt xuống đất, có tấm giấy hoặc tấm nhựa lót, nước uống cũng để dưới đất nốt.

 

Không bàn, không ghế, công an "đuổi" thì chạy thế nhưng những điểm này đang cực kỳ "hot". Vào mỗi chiều tối, hoặc sáng thứ bảy, chủ nhật lúc nào cũng chật chỗ. Càng "hot" hơn khi gần đây là điểm tập hợp của xe Vespa cổ, xe hơi cổ...

 

Cà phê Anh ngữ

 

Vui chơi nhưng không quên học hành, nhiều bạn trẻ chọn đến quán cà phê Sozo trên đường Sư Vạn Hạnh, Q.10. Nơi đây còn có chi nhánh Sozo 1 trên khu phố Tây, đường Bùi Viện (Q.1) chuyên bán "bánh của lòng hảo tâm".

 

Chủ quán là hai cô gái người nước ngoài tên Tracy và Rachel đã vận động, quyên góp bạn bè ở nước ngoài mở một tiệm bánh, nước do các nhân viên "lề đường" là trẻ vô gia cư, khuyết tật... phục vụ.

 

Gần đây, Sozo còn tổ chức chương trình "giao lưu tiếng Anh" miễn phí vào mỗi tối thứ ba, thứ sáu. Cầm trịch mỗi chủ đề luyện giọng thường là người nước ngoài đi du lịch Việt Nam, các tình nguyện viên người nước ngoài của Sozo hoặc du học sinh.

 

Tuyết Hường, sinh viên trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: "Từ khi đến đây sinh hoạt tiếng Anh, mình trở nên dạn dĩ hơn hẳn, lại còn quen thêm nhiều bạn mới và tham gia các hoạt động từ thiện, dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo do Sozo tổ chức".

 

Theo Trâm Anh Ken
Thanh Niên