DHS Việt muốn đưa thiết kế đảo nhân tạo ra Hoàng Sa, Trường Sa
(Dân trí) - Thiết kế mô hình đảo bằng các module nhựa tái chế, mở dự án gây quỹ start up giúp ngư dân yên tâm bám biển, về nước chữa bệnh cho bà con miền biển... là những hành động thiết thực mà du học sinh Việt từ khắp nơi trên thế giới góp sức vì tình yêu quê hương, biển đảo.
Thiết kế đoạt giải thưởng lớn mong muốn ứng dụng tại Hoàng Sa, Trường Sa
Quyết tâm xây dựng quê hương và mong muốn góp phần bảo vệ biển đảo của sinh viên Việt Nam được thể hiện qua dự án “Đảo trôi Plastique 2.0” của nhóm sinh viên kiến trúc đang du học ở Pháp.
Thiết kế đảo trôi trên biển được hình thành dựa trên nghiên cứu về hiện tượng trái đất nóng lên, băng ở hai cực tan khiến mực nước biển dâng lên đe dọa tới đất liền, hòn đảo nổi Plastique nhân tạo này sẽ được tạo nên từ sự tổng hợp chất thải nhựa trôi nổi trên biển. Các khối lục giác nối các hòn đảo với nhau được hình thành từ những vật liệu rác thải nhựa.
Máy thu gom rác nhựa trên mặt biển bằng năng lượng mặt trời, tái chế ra các module và và module rỗng tạo thành các mảng đỡ, hình thành một đảo nổi plastique. Và khi con người xuất hiện, sẽ có các máy hút rác tự động để làm sạch môi trường biển.
Vượt qua hơn 1.700 bài dự thi, nhóm sinh viên Việt Nam tại Pháp đã được vinh danh tại hạng mục cao nhất của giải thưởng về Kiến trúc và các vấn đề của nước biển dâng.
Với ý tưởng độc đáo xuất phát từ tầm nhìn thực tiễn, bài dự thi "Đảo trôi Plasticque 2.0" đã gây ấn tượng mạnh trên đấu trường quốc tế. Giải thưởng danh giá này do quỹ Jacques Rougerie, Institut Francais thành lập, Viện Đại dương liên Chính phủ tổ chức, nhận được sự đỡ đầu của Hoàng tử Albert II (Vương quốc Monaco) và của UNESCO với những đề tài chủ đạo gắn liền tới xã hội: nước và không gian sống.
Bạn Trần Hoàng Anh, một trong bốn đồng tác giả của dự án chia sẻ: “Không phải vì chúng tôi là những người xuất sắc nhất trong cuộc thi này mà vì những tâm huyết và trăn trở của chúng tôi đã chạm đúng vào yếu tố cốt lõi mà ban giám khảo quan tâm.
Trong tương lai, tôi hi vọng được tới các quần đảo ngoài xa của Việt Nam như Trường Sa, Hoàng Sa để tiếp tục nghiên cứu và từ đó xây dựng nên những công trình phù hợp với khí hậu, thiên nhiên và con người tại đây”.
Hành động thiết thực của du học sinh vì biển đảo quê hương
Một hoạt động lớn của tuổi trẻ cả nước diễn ra thường niên là “Sinh viên với Biển đảo Tổ quốc” vừa được tổ chức tại Huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Đây là lần thứ tư chương trình được T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các sinh viên ưu tú đến từ các Hội Sinh viên của các tỉnh và Hội sinh viên Việt Nam tại nước ngoài.
Ngoài các hoạt động cụ thể như gom rác, làm sạch bãi biển, các bạn sinh viên đã cũng nhau đối thoại về việc xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương. Đáng chú ý trong buổi đối thoại là phần trình bày những hoạt động đã, đang và sẽ thực hiện của các bạn du học sinh Việt tại Anh, Mỹ, Pháp... để góp phần bảo vệ biển đảo quê hương.
Từ nửa vòng Trái đất, bạn Thân Thanh Tùng – Thạc sĩ ngành Doanh nghiệp Quốc tế, Luân Đôn, Vương Quốc Anh, chia sẻ qua hệ thống trực tuyến: “Với tư cách là một thành viên của Hội sinh viên Việt Nam tại Anh quốc, tôi và một du học sinh Anh đang xây dựng một dự án start-up mang tính cộng đồng với mục tiêu huy động vốn thành lập các quỹ viện trợ để có thể giúp đỡ, hỗ trợ bà con ngư dân làm giàu từ biển để họ thêm kiên trì, gắn bó bám biển và giữ gìn biển, đảo quê hương.
Sang năm tới, chúng tôi đang cố gắng hiện thực hóa một giải chạy vì biển đảo và hoạt động an sinh, giữ sạch môi trường biển ở khu vực vùng biển phía Bắc”.
Nếu như Tùng dùng khả năng của mình để tạo ra các quỹ viện trợ thì một du học sinh ngành bác sĩ ở Hoa Kỳ lại quyết tâm trở về đất nước để khám bệnh và chữa trị cho những người dân ở đảo. “Trước đây, dù có đọc tin tức về tình hình biển Đông ở Việt Nam nhưng tôi không nắm rõ tình hình hiện nay trên các đảo. Sau đợt hè vừa rồi về Việt Nam thăm gia đình, tôi được tham gia hội trại “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc 2015” được tổ chức tại Bình Định và được cập nhật về tình hình biển đảo Việt Nam, trong đó có các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tôi biết rằng ở nhưng nơi đó không có nhiều bác sĩ nên tôi mong khi học xong sẽ về nước và được ra đảo để khám, chữa bệnh cho những người đang sinh sống trên đảo, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em".
Những bạn sinh viên tiêu biểu nói trên có thể trở thành một tấm gương cho các bạn trẻ Việt Nam, rằng tình yêu đất nước được thể hiện qua những hành động thiết thực.
Ngày nay, với xu thế phát triển của mạng công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội rộng mở, giới trẻ có nhiều cơ hội để thể hiện tình cảm dành cho quê hương và tình yêu dành cho biển đảo đất nước. Tuy nhiên, để làm sao thể hiện tình cảm đó cho đúng và đủ, tránh được những bất cập của"hiệu ứng đám đông" và sa bước vào các hình thức vận động ngầm của thế lực phản động, thù nghịch một cách vô tình lại là một vấn đề lớn hiện nay trong lớp trẻ.
Là tầng lớp tri thức mới, sẽ là tương lai của đất nước, các bạn sinh viên cần thể hiện lòng yêu nước, tình yêu đồng bào một cách chân chính nhất bằng các hành động cụ thể, dù nhỏ nhưng thiết thực, như nên đối xử giữa người với người bằng sự chân tình, chia sẻ các bài viết trên mạng xã hội một cách có chọn lọc, làm việc tốt thông qua các hoạt động cụ thể.
Các bạn trẻ có thể tham gia các chương trình tình nguyện, thiện nguyện giúp đỡ bà con ngư dân kiên trì bám biển. Học tập, lao động, nghiên cứu đầy đủ về biển đảo, chủ quyền biển đảo đất nước để nắm chắc kiến thức cho bản thân và chia sẻ kiến thức với những người xung quanh.
Mai Châm
(Email: maibichcham@dantri.com.vn)