Đề xuất 4 nhóm sáng kiến nâng cao năng suất lao động, đảm bảo công bằng xã hội
(Dân trí) - Các trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đề xuất 4 nhóm giải pháp và sáng kiến nhằm nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội gồm sáng kiến về xây dựng pháp luật, về kinh tế như xây dựng và áp dụng chính sách kinh tế riêng cho từng vùng, về giáo dục như đưa bộ môn giới vào giảng dạy, về y tế...
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cải thiện và tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, bởi lẽ tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên, như nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra, tăng năng suất lao động và phát triển kinh tế xã hội thường xuyên gắn liền với việc giải quyết các vấn đề về bình đẳng và công bằng, nhất là bình đẳng giới. Qua đó, giải phóng năng lực của cả nam lẫn nữ, giúp họ sử dụng tối đa năng lực của mình từ đó phát triển bản thân và xã hội.
Mặt khác, phát triển kinh tế cũng thường xuyên làm nảy sinh các vấn đề bất bình đẳng đe dọa ổn định xã hội ví dụ như phân hóa giàu nghèo; môi trường; giáo dục.
Đó là lí do Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lựa chọn vấn đề “Nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội” làm một trong 4 nội dung thảo luận chính năm nay.
Trong 5 giờ đồng hồ thảo luận tích cực, sôi nổi, Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội” đã thu được ý kiến đóng góp, cụ thể là: 10 phần thuyết trình tiêu biểu được chọn lọc từ hơn 30 poster; 70 ý kiến đóng góp ngay tại phiên thảo luận; 30 sáng kiến là con số đã được các đại biểu đưa ra. Toàn phiên đã thảo luận và chọn ra một số sáng kiến tiêu biểu.
Sau buổi thảo luận, Diễn đàn cũng bình chọn phần thuyết trình xuất sắc nhất là Lê Quốc Định với thuyết trình về Labor Productivity: A new look from gender perspective (tạm dịch: Năng suất lao động: Một góc nhìn mới ở góc độ giới).
Cuộc thảo luận của các trí thức đã chạm tới rất nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế xã hội có liên quan đến đảm bảo công bằng xã hội như: cơ hội tiếp cận việc làm của người lao động yếu thế hay vấn đề định kiến xã hội đối với phụ nữ có ảnh hưởng tới năng suất lao động của nữ giới trong tương quan với nam giới như thế nào; Bất bình đẳng thu nhập, tìm kiếm địa vị xã hội và tiết kiệm hộ gia đình; Tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam.
Bên cạnh đó cũng có nhiều bài nghiên cứu liên quan đến năng suất lao động, việc làm, phát triển kinh tế gắn liền với bình đẳng giới, công bằng xã hội như vấn đề Môi trường làm việc và sức khoẻ của công nhân khu công nghiệp Việt Nam; Xây dựng chế định về điều kiện làm việc linh hoạt trong pháp luật lao động Việt Nam; Mô hình hoá đặc khu kinh tế theo hướng phát triển bền vững bằng phần mềm System Dynamics; Chiến lược phát triển bền vững vùng trung du và miền núi phía Bắc; Giáo dục cho trẻ em…..
Các nghiên cứu mổ xẻ, phân tích, luận giải vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau: pháp luật, kinh tế, giáo dục, kỹ thuật, giới, liên ngành sử dụng các phương pháp đa dạng: định tính, định lượng. Từ đó, các nghiên cứu đã chỉ ra, Việt Nam trong những năm qua đã có sự thay đổi tích cực về năng suất lao động và công bằng xã hội.
Xuất phát từ đó, các các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đưa ra các đề xuất để góp phần tăng năng suất lao động đi liền với phát triển kinh tế, xã hội mà vẫn đảm bảo công bằng, bình đẳng cho mọi người.
Trong đó có những sáng kiến đáng chú ý về pháp luật: Sửa đổi quy định về các ngành nghề giới hạn, cấm lao động nữ nhằm đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận việc làm cho lao động nữ. Tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản cho lao động nam có vợ nghỉ thai sản; lý tưởng nhất là bằng với đúng thời gian nghỉ thai sản của người vợ, còn không thì lên 15 ngày (sinh thường) và 30 ngày (sinh mổ).
Mặt khác, các đại biểu cũng đề xuất cần tái thiết lập quỹ việc làm cho lao động là người khuyết tật theo Thông tư 19/2005/TT-BLĐTBXH để tạo nguồn cơ hội việc làm cho người khuyết tật; Bổ sung quy định về quyền dành cho lao động nước ngoài tại Việt Nam như quyền tham gia BHXH, quyền tham gia tổ chức công đoàn. Quy định cụ thể về điều kiện làm việc linh hoạt.
Các sáng kiến về kinh tế nhằm “Nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội” là cần xây dựng và áp dụng chính sách phát triển kinh tế xã hội, khác nhau cho trung du, miền núi và đồng bằng. Ở khu vực trung du, miền núi do điều kiện tự nhiên, dân tộc, văn hóa khác biệt cần áp dụng các chính sách về nông nghiệp hữu cơ; du lịch bản địa…
Về đặc khu kinh tế, đại biểu đề xuất xây dựng chính sách thuế hiệu chỉnh thông minh, có định mức cho các mục tiêu phát triển (y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng phi công nghiệp) và bám sát vào chi tiêu đó theo mô hình máy tính dự báo. Sử dụng mô hình máy tính tích hợp xử lý dữ liệu được kỳ vọng sẽ giải quyết được cả hai vấn đề nêu trên.
Về giáo dục, đề xuất đưa bộ môn giới vào giảng dạy trong nhà trường, để thay đổi nhận thức về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Tạo mọi điều kiện để các trẻ nữ được đến trường, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, không chỉ dừng ở việc cung cấp giáo dục phổ cập, chúng ta cần quan tâm đến chất lượng giáo dục, trang bị kiến thức về giới tính, hướng dẫn các kỹ năng sống căn bản cho các em (ví dụ, kỹ năng tài chính cơ bản, kinh tế hộ gia đình, kỹ năng sử dụng các thiết bị số, cứu trợ y tế cơ bản).
Các địa phương cần xác định vị trí đặt trung tâm hỗ trợ trẻ em gái một cách phù hợp, tạo điều kiện để mọi trẻ em gái dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận sự hỗ trợ cần thiết.
Sáng kiến về Y tế với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội” có một nghiên cứu về năng suất lao động xét từ khía cạnh sức khoẻ, y tế cho thấy tỉ lệ công nhân phải tiếp xúc với yếu tố độc hại khi làm việc là khá cao và môi trường làm việc không an toàn có nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần và thể chất của công nhân trong các khu công nghiệp - nguồn lao động lớn góp phần làm gia tăng sự phát triển của nền kinh tế.
Do vậy, cần tăng cường chăm lo đời sống sức khoẻ cho công nhân, người lao động cũng như cải thiện môi trường làm việc.
Các sáng kiến, giải pháp này sẽ được Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tổng hợp, cô đọng để gửi tới Chính phủ và các cơ quan, Bộ, ngành liên quan để tiếp tục phát triển nghiên cứu và có thể áp dụng vào thực tiễn.
Mai Châm