"Để có lương 60 triệu đồng/tháng, tôi từng làm việc khó tin này"
Trước khi khởi nghiệp thành công, vị giám đốc 28 tuổi đã có hành trình bền bỉ làm những việc không tưởng.
“Trong 100 người mơ mộng, ít nhất cũng có một người thành công. Nhưng nếu ngay cả một người mơ mộng cũng không có thì thành công ở đâu ra?”. Một vị giám đốc trẻ đã nói khi thấy dân mạng mải miết “ném đá” cô gái đặt câu hỏi, phải học thế nào để có mức lương khởi điểm 2000 đô/tháng.
Và chính anh cũng nhấn mạnh, dám mơ mộng một mức lương không tưởng thì phải có can đảm làm những điều không tưởng.
“Nửa năm trời đổ rác, rửa khay, bê hàng”
Lê Đình Hiếu (28 tuổi, TP.HCM) là một trong 30 gương mặt thành công trước tuổi 30 do tạp chí Forbes bình chọn. Ở tuổi 28, anh đã là Giám đốc Điều hành của Học viện G.A.P, đồng thời là giám đốc chương trình tìm kiếm tài năng trẻ Talent Hub của Trung tâm văn hóa giáo dục UNESCO.
Trước khi về Việt Nam khởi nghiệp, anh Hiếu làm việc tại tập đoàn tài chính lớn nhất châu Âu (ING), vị trí nghiên cứu thị trường với mức lương thưởng 40.000 USD/năm (hơn 3.000 đô/tháng, tương đương 60 triệu đồng/tháng). Đó là công việc và mức lương mơ ước anh có được ngay sau khi ra trường. Nhưng đừng vội nhìn vào thành quả, hãy xem vị giám đốc trẻ đã làm gì trước khi chạm tới mức lương nghìn đô.
Anh Lê Đình Hiếu, người kiên trì làm công việc dọn rác trong nhiều tháng trời
Lê Đình Hiếu là sinh viên trường ngành Kinh tế học, trường ĐH UCLA (California, Mỹ). Năm 2008, anh xin thực tập tại trường với công việc “đàn em” nhất trong tất cả các công việc. Nhiệm vụ cụ thể của anh là quét dọn, đổ thùng rác, lau rửa khay thức ăn, bưng bê đồ đạc trong kho…
Hai tuần làm việc đầu tiên, anh chán nản, mệt mỏi bởi phải làm công việc nặng nề, lại không liên quan đến kiến thức đã học. Thế nhưng, vì gia đình không lo nổi chi phí đắt đỏ tại Mỹ nên anh buộc phải làm để có tiền sinh hoạt. Lê Đình Hiếu tự nhủ với bản thân, phải có được ít nhất ba bài học từ việc đổ rác mới “nhảy việc”, xem như đó là ba tháng vừa đi học mà vẫn được trả lương.
Chỉ cao 1,7m nhưng anh phải lấy rác từ chiếc thùng “khổng lồ”, cao hơn 1,5m, dung tích hơn 166 lít. Nếu để rác dồn lại đống lớn, anh không thể kéo nổi túi rác, thậm chí còn bị té luôn vào trong đó. Để khắc phục tình trạng này, anh buộc phải trở thành người gom rác nhanh nhất trong số các nhân viên được giao.
Hơn nữa, Lê Đình Hiếu còn áp dụng các kiến thức đã học giải bài toán “tối ưu hóa” công việc đổ rác.
Khu vực anh phụ trách có 30 cái thùng rác nhưng không phải cái nào cũng giống nhau. Có thùng sau 1 tiếng đã tràn, có thùng phải sau 2 tiếng. Thùng gần căng-tin rác thải thường rất hôi thối, còn thùng gần nhà sách, rác lại khá nhẹ nhàng.
"Tôi luôn tìm ra cách làm tốt nhất cho từng việc nhỏ nhất" - Lê Đình Hiếu
Sau 2 tuần làm việc, anh vẽ lại một bản đồ vị trí các thùng rác, đánh dấu các thùng trọng điểm rồi lên một lịch trình đổ rác hợp lý, tiết kiệm thời gian và quãng đường nhất có thể và không có thùng nào bị tràn. Nhờ đó, công việc đổ rác với một sinh viên chuyên Toán nhẹ đi một nửa.
Sau hai tháng làm tốt nhiệm vụ dọn dẹp, đổ rác, anh được chuyển vào kho bê đồ ăn, thức uống. Thêm hai tháng nữa, anh chính thức được lên ngồi bàn giấy, làm công việc như một người quản lý, tiếp xúc với các nhà cung cấp thực phẩm, thương lượng giá cả…
“Trước khi làm chân dọn rác, rửa khay, chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại được thực hành nhiều kiến thức kế toán và quản lý như vậy”, giám đốc trẻ chia sẻ.
Trải nghiệm vô giá từ việc tắm chó thuê cho nhà giàu
Năm 2009, trong thời gian viết khóa luận tốt nghiệp, anh Hiếu đặt ra mục tiêu phải kiếm được 7.000 USD, mua một chiếc xe hơi cũ đi làm. Và công việc anh chọn là tắm cho những chú chó của gia đình giàu có.
Cùng với một người bạn khác, anh mất 30 phút để tắm xong cho một chú chó. Một người ôm, xoa xà bông, một người xịt nước, tiền công nhận được là 30USD.
Vì “nhát chết” nên anh chọn công việc xịt nước từ xa và chỉ được chia 13 USD. Nhưng do có “khiếu” trò chuyện, biết cách làm vui lòng khách nên anh thường xuyên được bo thêm 5 đến 10 USD.
“Tuy đi tắm cho chó nhưng tôi dành rất nhiều thời gian nói chuyện với chủ, dùng những kiến thức kinh tế và xã hội để làm họ vui lòng. Từ đó, tôi hiểu ra một điều: chất lượng dịch vụ là điều bắt buộc để tồn tại nhưng biết cách khiến khách hàng hài lòng mới là mấu chốt để làm nên sự khác biệt”, anh Hiếu kể.
Cậu sinh viên tắm chó thuê năm nào giờ đã làm giám đốc điều hành của một học viện
Chính anh cũng không ngờ, kiến thức, kỹ năng có được từ việc dọn rác, tắm chó thuê lại giúp đỡ anh rất nhiều cho việc xin việc sau này. Năm 2010, anh được nhận vào làm việc tại tập đoàn tài chính lớn nhất châu Âu với mức lương mơ ước. Công việc cụ thể là nghiên cứu thị trường, đưa ra các kênh phân phối hiệu quả cho các sản phẩm tài chính cao cấp.
Khi hỏi sếp, tại sao mình lại được chọn, anh đã nhận được câu trả lời đầy bất ngờ: “Vì em có cách định hướng khách hàng và hiểu biết về lớp thượng lưu Nam California – đối tượng khách hàng mục tiêu của ING”.
“Bạn biết không, Nam California là nơi tôi thường tắm chó thuê ngày xưa đấy”, vị giám đốc trẻ cười lớn.
Thành công là tổng hợp của kiến thức, kỹ năng và thái độ, mà để có những thứ đó người ta cần sự can đảm, kiên trì. Từ câu chuyện của chính mình, anh Lê Đình Hiếu đã chứng minh điều đó.
“Không bao giờ có điều kỳ diệu xảy ra đâu, không có một công việc nào vừa thú vị, vừa cho trải nghiệm lại vừa lương cao, có địa vị, giờ giấc thoải mái.
Đừng suy nghĩ viển vông về một công việc lương vài nghìn đô, xe đưa kẻ đón, người người trọng vọng nhưng vẫn có đủ thời gian cà phê, lướt Faceook, xem phim… Hãy bắt đầu từ những điều giản dị nhất”, anh Lê Đình Hiếu nhắn nhủ.
Và dường như từng ấy là chưa đủ, anh Hiếu còn sẵn sàng từ bỏ mức lương hơn 3000 USD/tháng, về Việt Nam khởi nghiệp để chứng minh rằng, chỉ cần dám làm những việc không tưởng thì sẽ nhận được thành quả không tưởng.
Theo Hạ Nhiên
Dân Việt